Bảo vật này được tạc dựng năm 1505, nhằm tôn vinh tài năng và đức độ của vị vua cuối cùng trong giai đoạn thịnh trị của triều Lê sơ, dù chỉ trị vì được 6 tháng.
"Đại Việt Lam Sơn Kính Lăng bi - Bia Lăng Vua Lê Túc Tông" có niên đại Thế kỷ XVI, hiện được lưu giữ tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Lê Túc Tông (1488-1505) tên thật là Lê Thuần, con trai thứ ba của Lê Hiến Tông, có chất thông minh, hiếu nghĩa nên được lập làm hoàng thái tử. Tháng 7/1504, sau khi vua Lê Hiến Tông qua đời, Lê Thuần lên ngôi lấy niên hiệu Thái Trinh.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, "Lê Túc Tông gần gũi với người hiền, thích điều thiện và là vị vua giỏi giữ cơ nghiệp thái bình". Lâm bệnh nặng khi mới ở ngôi được hơn 6 tháng, Lê Túc Tông băng hà ở điện Hoàng Cực ngày 12/1/1505, hưởng dương 17 tuổi. Tháng ba âm lịch năm 1505, linh cữu ông được đưa về Tây Kinh (hay Lam Kinh) an táng ở Kính Lăng.
Bia Kính Lăng (Đại Việt Lam Sơn Kính Lăng Bi) được dựng cùng thời gian này trên điểm cao của gò đất hướng Đông Nam, cách lăng mộ vua Lê Túc Tông khoảng 100 m. Nơi đây thuộc quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, cách khu vực trung tâm khoảng 4 km về phía Đông. Trước kia, khu lăng mộ thuộc địa phận làng Giao Xá, huyện Thụy Nguyên, nay thuộc xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc.
Lê Túc Tông được sử sách đánh giá là vị vua cuối cùng trong giai đoạn thịnh trị của triều Lê sơ. Bởi sau khi ông qua đời, nước Đại Việt bắt đầu suy yếu do thói ăn chơi sa đoạ và tính cách hung tàn của người anh thứ hai Lê Tuấn, tức vua Lê Uy Mục.
Nội dung chính văn bia được khắc toàn văn chữ Hán, kiểu chữ khải chân với khoảng 47 dòng, 1.500 chữ, ca ngợi công đức của vua. Bia do bốn vị tiến sĩ Đàm Văn Lễ, Nguyễn Nhân Thiếp, Phạm Thịnh và Trình Chí Sâm biên soạn.
Mở đầu, văn bia viện dẫn đức độ của vua Nghiêu, Thuấn, Thành Thang ở Trung Quốc. Tiếp đến, các soạn giả thuật lại rằng, vua Lê Túc Tông thiên tính thông minh, hiếu nghĩa, yêu thương muôn loài, đối với các quan thì cư xử đúng mực, điềm đạm mà liêm chính. Vì thế, trăm quan cung kính, mọi việc tốt lành. Nhà vua trị vì công hiệu, giữ gìn quy củ, có thể kế nối thánh nhân thuở trước, mở ra cơ nghiệp cho đời sau...
Khi mới lên ngôi, nhà vua lệnh thả tù nhân, giải phóng cung nữ, dừng những việc không cấp bách, giảm việc nặng nhọc, bớt đồ dâng cúng, giảm nhẹ lao dịch, dốc lòng, dốc sức thương yêu người thân, kẻ sơ. "Phàm những việc sửa sang nghiệp lớn, dựng đặt giềng mối, không điều gì là vua không làm đến nơi đến chốn. Tuy vậy, tuổi thọ vua chẳng được lâu dài, khiến cho trời đất, sinh linh đều thương xót".
Các sử gia đánh giá nội dung chính bia Kính Lăng như bài sử luận tán tụng công đức của vua Lê Túc Tông, được viết theo thể biền văn xen lẫn tản văn, "viện dẫn điển tích chính xác, văn viết trầm bổng, nhẹ nhàng nhưng rất hàm súc, cô đọng".
Bia Kính Lăng nặng khoảng 13 tấn, bao gồm thân bia và rùa, được tạc bằng đá nguyên khối, hoàn toàn theo phương pháp thủ công truyền thống. Văn bia hình chữ nhật cao 2,6m, rộng 1,8m, dày 0,29m. Tượng rùa đội bia dài 3,3m, rộng 2,95m, cao 0,43m.
Mặt trước (trán bia) được tạo hình vòng cung, chia thành ba ô, bên trong mỗi ô chạm một rồng. Rồng chính giữa được chạm với kích thước lớn hơn, là dạng rồng ổ cuộn theo kiểu chữ Vương. Đầu rồng ở chính tâm được chạm khắc theo kiểu mặt thú, chân lộ rõ năm móng vuốt sắc nhọn.
Rồng hai bên đăng đối chầu vào rồng chính giữa, được chạm khắc theo kiểu hồi long, mình uốn lượn hình sin, ngẩng cao đầu, miệng há to. Toàn bộ hình nền trán bia điểm xuyến hoa văn đao lửa, vân mây cách điệu. Bố cục hài hòa tạo ra một không gian vân vũ, chuyển động.
Phần diềm bia ở chính giữa chạm hình mặt trời với sáu đao lửa, tương ứng mỗi bên ba đao, bốn con rồng chầu vào, mỗi bên hai con. Hai diềm biên được chạm đăng đối mỗi bên sáu rồng, tư thế đang bay về phía diềm đỉnh. Diềm đáy chạm bốn rồng đăng đối mỗi bên hai con. Ngăn cách giữa các diềm là hai đường gờ chỉ song song kéo dài theo hình bia. Bên trong diềm cũng được chạm rồng.
Tượng rùa được tạo tác theo kiểu rùa mai mềm, thân dày, mập, căng khỏe, biểu hiện sự sung mãn. Tư thế rùa ngẩng cao đầu như đang di chuyển về phía trước. Toàn bộ phần lưng rùa để trơn, bia được dựng ở giữa thân. Chân rùa chạm năm móng được làm nhỏ, không lộ rõ móng như ở bia Vĩnh Lăng, đuôi rùa được chạm uyển chuyển, khép kín phía sau mai rùa.
Hiện nay, bia Kính Lăng có phần thân còn tương đối nguyên vẹn nhưng tượng rùa đã bị sứt gần hết đầu. Được làm bằng đá vôi nên qua thời gian bia cũng đã bị phong hóa khiến phần lớn chữ bị mờ.
Tới tháng 1/2020, Đại Việt Lam Sơn Kính Lăng Bi được công nhận bảo vật quốc gia. Đây cũng là bảo vật quốc gia thứ năm ở di tích lịch sử Lam Kinh được Thủ tướng công nhận sau các bia Vĩnh Lăng, Chiêu Lăng, Dụ Lăng và Khôn Nguyên Chí Đức.
Theo VnExpress, ông Nguyễn Xuân Toán, Trưởng ban quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh cho biết, bia Kính Lăng là báu vật trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Bia được coi là tác phẩm mỹ thuật giá trị, tài liệu quý phục vụ nghiên cứu nghệ thuật trang trí, điêu khắc đá ở Việt Nam thế kỷ 16.