Dữ liệu được đưa ra bất chấp nhiều đợt trừng phạt của phương Tây kể từ khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022.
Theo phân tích dữ liệu của RIA Novosti từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế Nga xếp thứ 10 trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới về mức tăng trưởng tính theo đồng USD kể từ thế kỷ 21.
Cụ thể, GDP của Nga đã tăng 7,7 lần trong 23 năm qua, tăng lên hơn 2 nghìn tỷ USD từ mức 260 tỷ USD vào cuối thế kỷ trước.
Phân tích được đưa ra sau khi tờ Washington Post ngày 17/5 nhận xét rằng quốc gia này đã thành công xây dựng “một nền kinh tế bền vững” trong bối cảnh hoạt động quân sự đặc biệt đang diễn ra.
Trong khi đó, vị trí nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thuộc về Ethiopia - quốc gia thành viên BRICS. Kể từ đầu thế kỷ 21, GDP của nước này đã tăng 19,4 lần lên 160 tỷ USD.
Tiếp theo là Trung Quốc với GDP tăng 14,6 lần, đạt 17,7 nghìn tỷ USD. Vị trí thứ 3 là Kazakstan, nơi nền kinh tế tăng trưởng 14,2 lần (từ 18,3 tỷ vào cuối thế kỷ 20 lên 261 tỷ USD).
Việt Nam đứng thứ 4 về tốc độ tăng trưởng trong khi Qatar xếp thứ 5. Ngoài ra, trong top 10 còn có Romania, Kenya, Bangladesh và Indonesia.
Nga lọt Top 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới dù bị cấm vận. Ảnh: Sputnik |
Dữ liệu mới đây từ Cơ quan Thống kê Nhà nước Liên bang Nga (Rosstat) cho thấy GDP của Nga ghi nhận mức tăng 5,4% so với cùng kỳ trong quý đầu năm 2024.
Theo ước tính, Nga chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu bán lẻ (tăng 10,5%), sản xuất (8,8%) và xây dựng (3,5%) từ tháng 1 đến tháng 3.
Dữ liệu của Rosstat thậm chí còn vượt quá ước tính của Ngân hàng Nga là 4,6% và kỳ vọng của các nhà phân tích (5,3%)
Trước đó, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu chỉ ra rằng nền kinh tế Nga tăng trưởng 3,6% vào năm 2023, với GDP của nước này dự kiến sẽ tăng 2,5% trước cuối năm nay.
Ngân hàng Nga dự kiến tăng trưởng GDP sẽ chậm lại trong quý II/2024 do các điều kiện tài chính thắt chặt. Tuy nhiên, cơ quan quản lý kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng và đầu tư vẫn ở mức cao và tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Dữ liệu tích cực được đưa ra bất chấp nhiều đợt trừng phạt của phương Tây kể từ khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022.
Những biện pháp này bao gồm việc đưa hầu hết các ngân hàng Nga vào danh sách đen và cắt khỏi hệ thống nhắn tin liên ngân hàng SWIFT, cho đến đóng băng khoảng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga.
Trừng phạt khiến kinh tế Nga suy thoái vào năm 2022, giảm 1,2%. Dù vậy, dữ liệu năm 2023 tiết lộ nền kinh tế đã phục hồi, đạt mức tăng trưởng 3,6%.
Nhiều nhà phân tích cho rằng kết quả này là nhờ chính sách xoay trục thương mại sang phương Đông của Nga và một số chính sách kinh tế được thực hiện để bù đắp tác động của lệnh trừng phạt.
Vào tháng 4, IMF dự đoán nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng nhanh hơn tất cả các nền kinh tế tiên tiến vào năm 2024. GDP được dự báo tăng 3,2%, vượt tốc độ tăng trưởng dự kiến của Mỹ (2,7%), Anh (0,5%), Đức (0,2%) và Pháp (0,7%).
Năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh nền kinh tế quốc gia vẫn ổn định và đất nước đã thành công vượt qua áp lực trừng phạt của phương Tây, chuyển sang “giai đoạn phát triển tiếp theo”.
Ông Putin nói: "Có thể nói rằng quá trình phục hồi nền kinh tế Nga đã hoàn tất. Chúng tôi đã chống chọi được với áp lực hoàn toàn chưa từng có từ bên ngoài, sự tấn công dữ dội của khối phương Tây và một số quốc gia ‘không thân thiện’".
>> 'Siêu cỗ máy' giúp châu Âu đoạn tuyệt vĩnh viễn khí đốt Nga
“Phương Tây không muốn xung đột trực tiếp với Nga”
Vì sao Nga -Trung bắt tay nhau tại Bắc Cực khiến NATO lo ngại?