Bên trong lăng mộ bí ẩn của Tào Tháo: Không chứa vàng bạc nhưng vẫn bị trộm đến 7 lần
Khi Tào Tháo qua đời, nơi chôn cất ông cũng không thể tránh khỏi bị đào trộm.
Tào Tháo (155 – 220) là nhân vật lịch sử Trung Quốc thời Tam Quốc, nổi tiếng nham hiểm, đa nghi quỷ quyệt. Ông là người đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở miền Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc.
Sinh ra trong thời bình và lớn lên trong thời loạn, Tào Tháo chứng kiến toàn bộ quá trình hủ bại của triều đình nhà Hán. Thế nhưng, Tào Tháo từng bước gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp, đồng thời nắm trong tay quyền lực lớn.
Sử sách ghi rằng thời mới đi chinh phạt, Tào Tháo nảy ra ý định trộm mộ để nuôi quân. Để đảm bảo việc trộm mộ có tổ chức, hiệu quả cao, ông thậm chí còn đề ra các chức vụ trong quân như "quan khai mồ", "quan thống kê vàng bạc"... Do đó, dân gian gọi Tào Tháo là "tổ nghề giới trộm mộ".
Vào năm 200, văn nhân danh tiếng Trần Lâm từng chỉ trích Tào Tháo cướp mộ của Lương vương Lưu Vũ (188-144 trước Công nguyên) và Lý hoàng hậu ở núi Mang Đãng, tỉnh Hà Nam của Trung Quốc ngày nay. Thủy Kinh chú, bộ sách cổ đại biên soạn thời Tam Quốc, viết rằng "Tào phát binh, phá mộ Lương vương, phá quan tài, đem đi vạn cân vàng". Tào Tháo nuôi quân ba năm nhờ số vàng này.
Do đó, Tào Tháo lo lắng mộ của mình cũng sẽ bị đào trộm. La Quán Trung viết trong tiểu thuyết dã sử Tam quốc diễn nghĩa rằng trước khi chết, Tào Tháo ra lệnh chôn cất ông ở Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc và lập 72 ngôi mộ để tung hỏa mù, phòng ngừa trộm cắp. Tuy nhiên, Tam quốc chí, sử liệu chính thức về thời Tam Quốc, không có mô tả nào như vậy mà chỉ viết Tào Tháo ra lệnh không chôn vàng bạc trong mộ ông.
Mùa xuân năm 2006, một người dân tên Từ Hoán Triêu, ở làng Tây Cao Huyệt, thị trấn An Phong, huyện An Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã bất ngờ phát hiện một cái hố lớn đường kính khoảng một mét, với phần đất như mới bị đào. Ngay sau đó, dân làng đã cùng anh lấp hố trộm này, nhưng chỉ hai hay ba ngày sau họ lại thấy nó được mở ra. Đồng thời, trong khu vực xuất hiện tin đồn đây là một ngôi mộ phi thường.
Theo kiến thức của mình cũng như lịch sử địa phương, các nhà khảo cổ đã ước tính rằng đây là một ngôi mộ cổ của người có chức quyền từ thời Đông Hán. Mãi đến năm 2008, Cục Di sản Văn hóa Trung Quốc mới chính thức phê duyệt đơn xin cứu hộ khai quật lăng mộ này.
Tuy nhiên, kết quả của các cuộc khai quật ban đầu khiến các nhà khảo cổ học rất thất vọng. Dường như ngôi mộ lớn này đã bị những kẻ trộm phá hủy. Các viên gạch ước tính ban đầu được xây dựng bằng gạch Hán ba lớp và nay chỉ còn lại một đoạn phế tích cao chưa đầy 1m. Nội thất của ngôi mộ thậm chí còn bị hư hại nghiêm trọng, nhiều đồ gốm và đá bị đập vỡ.
Cuối cùng phải đến cuối ngày làm việc tháng 11/2009, các thành viên nhóm khảo cổ đến từ Anh và Thượng Kim Sơn mới khai quật được 8 phiến đá đặc biệt quý. Các phiến đá lần lượt được khắc chữ: Ngụy Võ Vương thường dụng cách hổ đại kích, Ngụy Võ Vương thường dụng cách hổ đại đao... và một chiếc gối đá có ghi Ngụy võ vương thường sở dụng cách Hổ.
Sau khi tiến hành phân tích chiếc gối đá cùng với nghiên cứu lịch sử quả đúng danh xưng Ngụy Võ Vương đã được dùng khi Tào Tháo qua đời thì các nhà khảo cổ đã xác định được đây chính là lăng mộ của Tào Tháo.
Tháng 12/2009, Cơ quan Quản lý Nhà nước về Di sản Văn hóa của Trung Quốc đã xác định ngôi mộ của Tào Tháo ở phía nam làng Tây Cao Huyệt, thị trấn An Phong, huyện An Dương, tỉnh Hà Nam.
Lăng mộ làm bằng gạch, hướng về phía đông và có hình dạng giống chữ Giáp trong tiếng Hán khi nhìn từ trên cao. Nó có diện tích khoảng 740m2, điểm sâu nhất nằm khoảng 15m dưới mặt đất. Lăng mộ có hai gian chính, 4 gian bên và các lối đi thông nhau. Lối đi xuống dài 39,5m và rộng 9,8m.
Kẻ trộm đào nhiều lỗ trên mặt đất và tường. Các nhà khoa học xác định ngôi mộ bị trộm ít nhất 7 lần, cả thời xưa lẫn hiện đại. Họ tìm thấy bao gói mì ăn liền, đèn pin, vỏ chai nước khoáng, thuốc lá trong mộ.
Giới chức phát hiện khoảng 250 di vật trong lăng mộ, bao gồm tranh đá mô tả sinh hoạt xã hội vào thời Tào Tháo sống, các tấm bia đá có khắc các vật hiến tế và một số vật dụng được đề là đồ dùng cá nhân mà Tào Tháo thường sử dụng, trong đó có gối đá. Ngoài ra còn có đồ sứ tráng men ngọc, sứ trắng xuất xứ từ nhiều vùng ở phía nam Trường Giang.
Ngoài ra, còn khai quật được ba bộ hài cốt, xác định là một người đàn ông ngoài 60 tuổi, một phụ nữ ngoài 50 tuổi và một cô gái ngoài 20 tuổi. Các nhà khoa học cho rằng người đàn ông chính là Tào Tháo.
Các chuyên gia đánh giá nhiều di vật là đồ hiếm trong thời đại Tào Tháo sống, phản ánh địa vị đặc biệt của ông. Tuy nhiên, người xưa đã thực sự tuân theo di huấn của Tào Tháo là mai táng đơn giản.
Theo các nhà khảo cổ, lăng mộ của Tào Tháo từng bị phá hoại do trả thù chính trị. Đối với những kẻ trộm mộ, họ chỉ chú ý tìm kiếm di vật quý giá, thay vì phá hoại. Việc phá phách trong lăng mộ cũng thể hiện sự bất kính, là điều cấm kỵ trong giới trộm mộ. Các nhà khảo cổ suy đoán, rất có thể gia tộc Tư Mã thời Tây Tấn đã phát hiện lăng mộ của Tào Tháo và cho người vào phá phách. Xương mặt bộ hài cốt của Tào Tháo bị hư hỏng có thể cũng do nguyên nhân này.
Ngày 27/4/2023, Bảo tàng lăng mộ Tào Tháo được mở cửa ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Các di vật khai quật trong lăng mộ Tào Tháo được trưng bày ở đây.