Ngày nay, đây là tỉnh miền núi phía Đông Bắc, nơi sinh sống của 28 dân tộc, có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, hoang sơ.
Vùng đất "đế vương dung thân"
Ở Việt Nam, nói đến đất đế vương thì phải kể tới vùng đất Thanh Hóa và Cao Bằng. Nếu Thanh Hóa được xem là đất “đế vương chung hội” bởi rất nhiều vua chúa trong lịch sử đều phát tích từ vùng đất này; thì Cao Bằng được xem là đất “đế vương dung thân”, có thể giúp vua giữ gìn phúc khí, cũng có thể sinh ra bậc vương giả.
Thời nhà Mạc, khi vận nước rối bời, vua Mạc Mậu Hợp đến hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm về thế cuộc, Trạnh Trình đã đáp rằng: “Ngày sau nước có việc, đất Cao Bằng tuy nhỏ, cũng giữ được phúc đến vài đời”.
Bảy năm sau, vua Mạc bị quân Trịnh đánh bật khỏi Thăng Long. Vua nhớ lời dặn của cụ Trạng, liền về đất Cao Bằng, quả nhiên giữ thêm được 96 năm nữa. Từ đó Cao Bằng được xem là đất dung thân, ẩn náu của các bậc đế vương.
Xưa kia khi Cao Biền được lệnh trấn yểm các vùng đất quý của nước Việt, đã xây thành Đại La – tiền thân của thành Thăng Long ở Hà Nội sau này và thành Nà Lữ ở Cao Bằng. Về sau người Việt đã tìm cách hóa giải cách trấn yểm của Cao Biền.
Đến nay di tích thành Nà Lữ vẫn còn ở làng Nà Lữ, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An. Khi nhà Mạc chạy về Cao Bằng đã chiếm Nà Lữ và xây thành đá trên núi để phòng ngự.
Năm 1052, thủ lĩnh người Tráng (người Tày, Nùng) ở Cao Bằng là Nùng Trí Cao tự xưng là Nhân Huệ Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là Đại Nam và đưa quân sang tấn công bên đất Tống.
Được sự ủng hộ giúp đỡ của người Thái, người Tày ở Quảng Tây, Nùng Trí Cao chiếm được rất nhiêu Châu bên đất Tống: Hoành Châu, Quý Châu, Cung Châu, Tầm Châu, Đằng Châu, Ngô Châu, Khang Châu, Đoan Châu, Ung Châu. Ông xưng Đế một phương. Sau này, Nùng Trí Cao bị bại dưới tay danh tướng nhà Tống là Địch Thanh.
Mặc dù Nùng Trí Cao chỉ được xem là đế vương của người dân tộc Tày – Nùng, nổi lên đòi tự trị giữa Đại Tống và Đại Cồ Việt thời nhà Lý, nhưng dẫu sao đi nữa, ông cũng là một minh chứng cho sự linh thiêng của vùng đất Cao Bằng.
Vẻ đẹp hùng vĩ của non nước miền biên ải
Cao Bằng nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam, cách Hà Nội gần 300km. Trong 7 tỉnh của Việt Nam giáp ranh với Trung Quốc thì Cao Bằng có đường biên giới dài nhất, hơn 333km. Phía Bắc và Đông Bắc giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Được che phủ bởi rừng, vì thế không khí ở đây trong sạch, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Đây cũng là cửa ngõ đón gió mùa Đông Bắc từ Trung Quốc tràn sang vào mùa đông và đón gió Đông Nam vào mùa hè.
Trên địa bàn tỉnh có nhiều các dân tộc chung sống, đông nhất là dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Kinh, ngoài ra là Sán Chay, Lô Lô, Hoa, Ngái... Trên địa bàn cũng tập trung các làng nghề truyền thống của người dân tộc như làng dệt thủ công người Tày ở xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng hay làng hương Phia Thắp, huyện Quảng Uyên.
Ngoài các điểm đến nổi tiếng như thác Bản Giốc, núi Mắt Thần, Khu di tích Pác Bó, động Ngườm Ngao, Cao Bằng còn nhiều điểm tham quan dành cho du khách như làng hương, làng dệt. Hiện địa phương này có 215 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng và 130 điểm di sản địa chất với cảnh quan đá vôi độc đáo với phong phú hình dạng tháp, nón, thung lũng, hang động, hệ thống hồ, sông, hang ngầm liên thông...
Công viên Địa chất Toàn cầu Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu vào ngày 12/4/2018. Công viên có diện tích hơn 3.000km2, có 130 điểm di sản địa chất độc đáo mang giá trị quốc tế. Đây là miền đất mà du khách có thể tìm hiểu lịch sử trên 500 triệu năm của Trái Đất qua các dấu tích còn lại ở đây.
Cao Bằng nổi tiếng với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước. Cùng với đó, Cao Bằng còn có nhiều điểm du lịch lịch sử nổi tiếng, hấp dẫn khác, như Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo - nơi ghi dấu sự thành lập và hoạt động của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Di tích đồn Phai Khắt - Nà Ngần là nơi ghi dấu 2 trận đấu đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân sau khi được thành lập; Khu di tích lịch sử Chiến dịch Biên giới 1950 - chiến dịch được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận chỉ huy quân và dân ta đánh giặc.
Ngoài ra, với nhiều dân tộc quần cư sinh sống, đây cũng là vùng đất có nền văn hóa đặc trưng hấp dẫn.
"Nàng về nuôi cái cùng con,
Để anh đi trảy nước non Cao Bằng’’
Đó là đoạn thơ mà người ta vẫn dùng để nói đến vùng đất tươi đẹp Cao Bằng. Thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây nhiều danh thắng tuyệt đẹp, những cánh rừng, sông hồ và núi đá. Cùng với con người, nền văn hóa đậm đà bản sắc các dân tộc Cao Bằng đã hòa quyện vào nhau tạo nên nét đặc trưng quyến rũ rất riêng.
Vị vua lên ngôi sớm nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam
3 vị vua và 1 danh tướng được đặt tên cho 4 tàu hộ vệ tên lửa Việt Nam là ai?