Bí mật ở ngôi làng chỉ có người cao tuổi sống bên nhau, không còn bất kỳ ai nhớ gì về quá khứ vẫn an nhiên, vui vẻ
Ngôi làng Hogeweyk ở Weesp, Hà Lan thành lập vào năm 2009 như một mô hình mới để chăm sóc những người mắc chứng mất trí nhớ.
Ngôi làng hiện có tổng 27 ngôi nhà, mỗi ngôi nhà là nơi sinh sống của 7 cư dân, và hầu hết họ đều mắc chứng sa sút trí tuệ nghiêm trọng. Bên cạnh những cư dân đặc biệt, ngôi nhà còn được điều hành bởi các nhân viên của cơ sở, bao gồm chuyên gia chăm sóc sức khỏe và tình nguyện viên.
Nơi đây trông giống như một thị trấn Hà Lan điển hình - với một nhà hàng, một nhà hát, một quán rượu và khu phố bằng gạch cổ kính. Nhiều người dân ở đây không nhận ra rằng họ đang sống trong nơi gọi là “ngôi làng mất trí nhớ” đầu tiên trên thế giới, và du khách có thể khó phân biệt được sự khác biệt giữa cư dân ở đây và nhân viên mặc thường phục.
Ông Gert Bosscher, có vợ là bà Anneke, được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer 6 năm trước và đã cư trú tại đây được 9 tháng, cho biết quyết định đưa vợ mình đến Hogeweyk là một quyết định đúng đắn. “Ấn tượng đầu tiên của tôi sau khi bước vào Hogeweyk là một khu vực rộng rãi, được trang trí bằng hoa với bầu không khí thoải mái, trong đó mọi người có thể tự do đi lại hoặc ngồi trên sân thượng uống một tách trà.”
Khi Hogeweyk lần đầu tiên mở cửa, có khoảng 35 triệu người mắc chứng mất trí nhớ trên khắp thế giới, theo Alzheimer's disease International - một liên đoàn phi lợi nhuận của Hiệp hội bệnh Alzheimer và chứng mất trí nhớ. Ngày nay con số đó là hơn 55 triệu và Tổ chức Y tế Thế giới dự đoán con số này sẽ đạt 78 triệu vào năm 2030. WHO mô tả “chứng mất trí nhớ” là thuật ngữ bao gồm một số bệnh ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ và khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày.
Kể từ khi The Hogeweyk xuất hiện, một số dự án khác với tầm nhìn tương tự cũng đã được thành lập, tuy nhiên, số lượng vẫn còn quá ít ỏi. "Sự chuyển đổi diễn ra chậm chạp, vậy nên các viện dưỡng lão truyền thống vẫn sẽ tiếp tục thống trị trong công cuộc chăm sóc người bệnh mất trí nhớ", bà Jannette Spiering, cố vấn quản lý kiêm người đồng sáng lập của The Hogeweyk cho biết.
Trên thực tế, tầm nhìn về cách hỗ trợ cho những người mắc chứng sa sút trí tuệ đã được "y tế hoá" suốt thời gian dài, vậy nên rất khó để thay đổi tư duy của mọi người. Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu rằng những người mất trí nhớ vẫn là những cá nhân, họ có mong muốn và nhu cầu, có những thứ thích và không thích. Vì vậy, cuộc sống của họ không nên bị điều khiển bởi việc chẩn đoán y tế.
Theo Spiering chia sẻ, có một số lý do khiến mô hình chăm sóc sức khỏe này không phổ biến rộng rãi. Đầu tiên là tâm lý e ngại rủi ro, nếu một người già bị ngã khi đi dạo trong viện dưỡng lão, họ có thể bị gia đình của người đó kiện vì không chăm sóc cẩn thận, vì vậy hầu hết những viện dưỡng lão sẽ hạn chế tự do của bệnh nhân. Bên cạnh đó, quan điểm y tế hoá cũng gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người suy giảm trí nhớ.
Trong tương lai, Spiering muốn thoát khỏi những quan điểm cũ về viện dưỡng lão và thay thế chúng bằng mô hình chăm sóc mà bà gọi là mô hình quan hệ xã hội. "Chúng tôi cố gắng cân bằng cuộc sống, sức khoẻ và sự chăm sóc vì suy cho cùng, đây là điều mà ai cũng cần, không chỉ là những người mắc chứng sa sút trí tuệ".