BIDV (BID) báo lãi 6 tháng đạt 12.450 tỷ đồng, nợ xấu tăng mạnh 28%
Tổng nợ xấu nhóm 3, 4, 5 của BIDV (BID) đạt 28.686 tỷ đồng, tăng 28%, tương ứng tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,25% lên mức 1,52%.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – mã chứng khoán BID) công bố báo cáo tài chính quý II/2024 và kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024, trong đó ghi nhận lợi nhuận sau thuế 6 tháng đạt 12.450 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với cùng kỳ.
Đóng góp vào lợi nhuận này, là thu nhập lãi thuần, từ hoạt động dịch vụ, hoạt động kinh doanh ngoại hối, từ các hoạt động khác….
Trong hoạt động kinh doanh cốt lõi, thu nhập lãi thuần trong kỳ đạt 28.379 tỷ đồng, tăng 3,26% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự giảm 12,6% về mức 67.493 tỷ đồng, còn chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự giảm sâu hơn, đến 21,3%, còn hơn 49.677 tỷ đồng.
Đáng chú ý, thu nhập lãi giảm 12,6% trong khi dư nợ cho vay khách hàng đến cuối quý II đạt 1,84 triệu tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ. Tổng chi phí lãi trong quý giảm 21,3%, trong khi tổng tiền gửi khách hàng đến cuối quý II đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ, trong đó tiền gửi có kỳ hạn chiếm khoảng 81% tổng huy động khách hàng.
>> ACBS dự báo giá phát hành riêng lẻ của BIDV (BID) có thể lên tới 59.000 đồng/cổ phiếu
Nợ xấu tăng mạnh: Tổng dư nợ cho vay khách hàng đến cuối quý II đạt hơn 1,88 triệu tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn – tăng đột biến 17% lên mức 15.292 tỷ đồng; nợ nhóm 4, nợ nghi ngờ, cũng tăng đến 13,7%, lên mức 6.281 tỷ đồng.
Tuy vậy, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất, đến 86%, lên mức 7.113 tỷ đồng. Tổng nợ xấu nhóm 3, 4, 5 đạt 28.686 tỷ đồng, tăng 28,2% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh từ 1,25% đầu năm, lên mức 1,52%.
Phân tích theo thời gian, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 1,23 triệu tỷ đồng, chiếm trên 65% tổng dư nợ cho vay khách hàng.
Tổng lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 3.632 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối khởi sắc giúp BIDV thu về khoản lãi 3.191 tỷ đồng, tăng đột biến hơn gấp đôi cùng kỳ so với số lãi 1.457 tỷ đồng đạt được nửa đầu năm ngoái.
Trong khi đó các hoạt động khác mang về số lãi 1.531 tỷ đồng, giảm sút 24% so với cùng kỳ.
BIDV dành 260.698 tỷ đồng vào kinh doanh và đầu tư chứng khoán, mang về 221 tỷ đồng lợi nhuận, gấp 7,7 lần cùng kỳ. Trong đó:
- BIDV phân bổ hơn 8.185 tỷ đồng cho hoạt động chứng khoán kinh doanh (bao gồm chứng khoán nợ và chứng khoán vốn). Báo cáo ghi nhận, có 980 tỷ đồng là chứng khoán nợ và chứng khoán vốn do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành, tăng gấp rưỡi đầu kỳ. BIDV cũng đã trích lập dự phòng hơn 38 tỷ đồng rủi ro cho chứng khoán kinh doanh.
- Phân bổ 148.479 tỷ đồng vào chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán; trong đó tổng chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành 4.248 tỷ đồng.
- Phân bổ 103.741 tỷ đồng vào giá trị chứng khoán đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, trong đó chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành đạt 2.430 tỷ đồng.
>> Đón mùa báo cáo kinh doanh, nhìn lại top 10 'cỗ máy in tiền' tốt nhất quý I/2024
Ở chiều ngược lại, tổng chi phí hoạt động tăng 8% lên mức 12.100 tỷ đồng.
Kết quả, BIDV báo lãi thuần từ hoạt động kinh doanh (trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng) đạt 25.295 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, BIDV đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 9.746 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế 12.450 tỷ đồng, tăng trưởng 12%. Trong đó riêng quý II/2024, lợi nhuận sau thuế đạt 6.534 tỷ đồng, tăng trưởng 17,7%.
Nợ Chính phủ và NHNN tăng đột biến: BCTC của BIDV cũng ghi nhận các khoản nợ Chính phủ và NHNN của BIDV tăng mạnh từ gần 35.900 tỷ đồng hồi đầu năm, lên 131.128 tỷ đồng, tương ứng gấp 3,6 lần thời điểm đầu năm.
Trong đó chủ yếu do tăng khoản nợ từ tiền gửi có kỳ hạn của kho bạc nhà nước (tăng hơn 100.000 tỷ đồng). Còn các khoản vay Ngân hàng Nhà nước giảm được hơn 900 tỷ đồng, còn 3.890 tỷ đồng.
>> BIDV (BID) 'chơi khó' khách hàng: Không cho chuyển vào tài khoản ghi đủ 14 chữ số
BIDV tiến sát cột mốc lịch sử 2 triệu tỷ đồng dư nợ: Quy mô cho vay vượt 15 ngân hàng cộng lại
Sau lần 'đại hạ giá', ngân hàng tiếp tục rao bán khoản nợ của chủ dự án nghìn tỷ Kenton Node