Bộ Chính trị đưa ra 7 nội dung cải cách tiền lương, mức lương cơ sở thay đổi thế nào?
Cải cách bao gồm 7 nội dung chính đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Theo tiết 2.2 Mục 2 Kết luận 83-KL/TW năm 2024, việc triển khai thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập nên cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, toàn diện; đồng thời, phải sửa đổi, bổ sung rất nhiều các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để trình Trung ương xem xét, điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 27 cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Từ tình hình trên và căn cứ Nghị quyết 27, Bộ Chính trị giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thực hiện cải cách tiền lương khu vực công theo lộ trình hợp lý, thận trọng và khả thi. Cải cách này bao gồm 7 nội dung chính đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang như sau:
- Điều chỉnh mức lương cơ sở: Từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở sẽ được điều chỉnh từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng, tương ứng với mức tăng 30%.
- Chế độ tiền thưởng: Từ ngày 1/7/2024, quỹ tiền thưởng sẽ được thiết lập bằng 10% quỹ lương cơ bản. Chế độ tiền thưởng này sẽ gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc đánh giá và xếp loại mức độ hoàn thành công việc của cán bộ, công chức. Đồng thời, việc quy định này sẽ tránh trùng lặp với các quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng 2022.
- Hoàn thiện chế độ nâng lương: Xây dựng và hoàn thiện chế độ nâng lương phù hợp với việc chuyển đổi quản lý và trả lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
- Quy định 5 nguồn kinh phí: 5 nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương, bao gồm:
Từ nguồn tăng thu và dư của địa phương đã bố trí cho cải cách tiền lương các năm trước.
Từ nguồn ngân sách Trung ương.
Từ một phần nguồn thu sự nghiệp.
Từ 10% tiết kiệm chi thường xuyên tăng thêm.
Từ nguồn tiết kiệm do thực hiện tinh giản biên chế.
- Hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập: Quy định rõ 4 nội dung quản lý tiền lương và thu nhập:
Thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức để trả lương, thưởng và kết quả thực thi nhiệm vụ.
Thẩm quyền của người đứng đầu trong việc sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên để thuê chuyên gia, nhà khoa học và quyết định mức chi trả thu nhập.
Mở rộng áp dụng thí điểm tiền lương tăng thêm đối với một số địa phương khi đủ điều kiện theo Nghị quyết 27.
Cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập phù hợp với nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập.
- Tiền lương và thu nhập đặc thù: Áp dụng cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù cho các cơ quan, đơn vị đang được áp dụng.
- Sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp: Ban cán sự đảng Chính phủ sẽ nghiên cứu và quyết định sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp và chế độ đặc thù của lực lượng vũ trang, cũng như phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức trong một số chuyên ngành, đặc biệt là các phụ cấp theo nghề có phát sinh bất hợp lý trong quá trình thực hiện.
Từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở sẽ được điều chỉnh từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng.
Ngoài ra, Bộ Chính trị yêu cầu Ban Kinh tế Trung ương chủ trì đề xuất thực hiện 5 bảng lương mới cho khu vực công phù hợp, trình Trung ương xem xét sau năm 2026 khi Bộ Chính trị ban hành và triển khai hệ thống danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị.
Một trong các yếu tố cụ thể để thiết kế bảng lương mới theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 là bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
Như vậy, khi cải cách tiền lương, mức lương cơ sở sẽ bị bãi bỏ và thay bằng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.