Thế giới

Bỏ Đức - Pháp để chốt công nghệ Nhật, dự án đường sắt cao tốc 18 tỷ USD hoàn thành mà không tốn 1 xu ngân sách

Ngọc Hân 21/02/2025 - 08:12

Sau gần 2 thập kỷ vận hành, tuyến đường này đã trở thành huyết mạch giao thông quan trọng, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực.

Năm 2007, Đài Loan (Trung Quốc) chính thức vận hành tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên (THSR), đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong phát triển kinh tế và xã hội.

Tuy nhiên, hành trình đưa siêu dự án này vào thực tế không hề suôn sẻ, đặc biệt là quá trình chọn lựa công nghệ. Giữa những năm 1990, một liên danh châu Âu – kết hợp đầu máy Đức với toa hành khách Pháp – được chọn để thực hiện dự án.

Công nghệ này đã được chứng minh thành công ở nhiều quốc gia, với 2 ứng viên nổi bật là hệ thống TGV của Pháp và ICE của Đức. Các công ty châu Âu ra sức quảng bá, nhấn mạnh công nghệ của họ được ứng dụng rộng rãi trên toàn cầu. Trong khi đó, Shinkansen khi đó mới chỉ được sử dụng ở Nhật Bản.

Thế nhưng, bước ngoặt xảy ra vào năm 1999 khi Đài Loan hứng chịu một trận động đất lớn. Sự kiện này khiến chính quyền khu vực cân nhắc lại quyết định và cuối cùng chuyển sang công nghệ Shinkansen của Nhật Bản - quốc gia vốn nổi tiếng với kinh nghiệm đối phó động đất và bão.

Bỏ Đức - Pháp để chốt công nghệ Nhật, dự án đường sắt cao tốc 18 tỷ USD hoàn thành mà không tốn 1 xu ngân sách - ảnh 1
Đường sắt cao tốc đầu tiên của Đài Loan,Trung Quốc. Ảnh: Taiwan Tourism Administration

Đài Loan sau đó hủy hợp đồng với liên danh Pháp - Đức để chuyển hoàn toàn sang hệ thống Nhật.

Dù vậy, một số tiêu chuẩn châu Âu vẫn được giữ lại, cùng với sự tham gia của các kỹ thuật viên từ khu vực này. Tổng chi phí xây dựng dự án ước tính khoảng 18 tỷ USD vào năm 1998.

Vì sao chọn công nghệ Shinkansen?

Shinkansen không chỉ nổi tiếng nhờ tốc độ mà còn ở mức độ an toàn vượt trội và khả năng vận hành chính xác. Điểm nhấn trong thiết kế của hệ thống này là phần mũi tàu dài, giúp giảm lực cản không khí và tiếng ồn khi đi qua đường hầm.

Thân tàu làm từ hợp kim nhôm siêu nhẹ nhưng bền bỉ, nhờ đó tránh hao mòn đường ray và tối ưu hóa hiệu suất năng lượng.

Về hạ tầng, tuyến đường Shinkansen sử dụng đường ray khổ tiêu chuẩn với các mối hàn liền mạch, hạn chế rung động và tăng độ ổn định. Đặc biệt, hệ thống này được xây dựng hoàn toàn tách biệt với phương tiện giao thông khác, loại bỏ nguy cơ va chạm.

Hệ thống kiểm soát an toàn cũng là một ưu điểm khác. Công nghệ điều khiển tàu tự động (ATC) giám sát tốc độ, duy trì khoảng cách an toàn và có khả năng tự động phanh khi cần thiết. Ngoài ra, tàu còn được trang bị cảm biến địa chấn, có thể phát hiện rung chấn sớm và kích hoạt chế độ dừng khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho hành khách.

Bỏ Đức - Pháp để chốt công nghệ Nhật, dự án đường sắt cao tốc 18 tỷ USD hoàn thành mà không tốn 1 xu ngân sách - ảnh 2
Toa ghế hạng Thương gia của tàu cao tốc HSR Đài Bắc. Ảnh: Taiwan Tourism Administration

Dự án “0 đồng ngân sách” và cú hích kinh tế

Dự án THSR ban đầu được triển khai bởi liên danh Taiwan Shinkansen Consortium, quy tụ các tập đoàn hàng đầu Nhật Bản như Mitsubishi Heavy Industries, Kawasaki Heavy Industries và Toshiba.

Chính phủ Nhật cũng hỗ trợ tài chính thông qua các khoản vay ưu đãi, với dòng tàu được lựa chọn là Shinkansen Series 700.

Điều đặc biệt là Đài Loan đã tìm ra giải pháp tài chính sáng tạo để xây dựng tuyến đường này mà không cần sử dụng ngân sách Nhà nước. Chính quyền đã quy hoạch 500ha đất đô thị và thương mại quanh mỗi nhà ga.

Khi dự án hoàn thành, những khu vực này trở thành trung tâm phát triển sầm uất, giúp thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn.

Bài toán khó nhất – giải phóng mặt bằng – cũng được xử lý khéo léo bằng chính sách linh hoạt. Người dân được chọn giữa 2 phương án: bán đất theo giá nông nghiệp hiện hành hoặc chuyển giao đất và nhận lại 40% diện tích đất sau khi quy hoạch thành đất đô thị. Kết quả là 100% hộ dân chọn phương án thứ hai.

Đài Loan dành 20% đất đô thị cho công trình công cộng, 40% còn lại được đấu giá để thu hồi vốn. Nhờ đó, dự án có thể hoàn thành mà không tiêu tốn ngân sách.

Dài khoảng 350km, tuyến THSR hiện vận chuyển khoảng 200.000 hành khách/ ngày, tăng mạnh so với mức 43.000 hành khách/ngày khi mới vận hành vào năm 2007. Hành trình từ Đài Bắc đến Cao Hùng nay chỉ mất khoảng 1,5 giờ với tốc độ tối đa 300 km/h.

Quan trọng hơn, hệ thống này có lịch sử vận hành an toàn đáng kinh ngạc, chưa từng xảy ra tai nạn nghiêm trọng và tỷ lệ đúng giờ luôn trên 99%.

>> Từ chối hàng loạt ‘ông lớn’, dự án đường sắt cao tốc huyết mạch hơn 5 tỷ USD được trao cho Trung Quốc

Bỏ qua Mỹ dù đã đàm phán gần 10 năm, một quốc gia quyết chọn công nghệ Nga cho dự án điện hạt nhân trọng điểm

Elon Musk hé lộ dự án đường hầm 17km cho xe tự lái, vận chuyển tới 20.000 hành khách/giờ

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/bo-duc-phap-de-chot-cong-nghe-nhat-du-an-duong-sat-cao-toc-18-ty-usd-hoan-thanh-ma-khong-ton-1-xu-ngan-sach-137165.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bỏ Đức - Pháp để chốt công nghệ Nhật, dự án đường sắt cao tốc 18 tỷ USD hoàn thành mà không tốn 1 xu ngân sách
    POWERED BY ONECMS & INTECH