Bộ trưởng Nội vụ thông tin về bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật cán bộ công chức
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay đã có 139 cán bộ và 432 công chức bị xử lý kỷ luật; việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý được thực hiện nghiêm túc.
Có 139 cán bộ và 432 công chức bị xử lý kỷ luật
Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về công tác quản lý cán bộ, công chức.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà |
Theo đó, công tác đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức được đánh giá “dần đi vào thực chất”, gắn kết hơn với kết quả công việc, sản phẩm cụ thể. Nội dung này được thực hiện đồng bộ với quy định của Đảng trong xác định tỷ lệ xếp loại chất lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với đảng viên và cán bộ, công chức.
Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức tiếp tục được đổi mới, nâng cao năng lực, kỹ năng và phẩm chất cho cán bộ, công chức gắn với vị trí việc làm và chức danh công chức.
Qua tổng hợp báo cáo các bộ, ngành, địa phương cho thấy, năm 2023, trong tổng số 254.757 công chức có 45.696 người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (đạt tỷ lệ 22,88%).
Có 165.939 người hoàn thành tốt nhiệm vụ (56,68%) và 28.689 người hoàn thành nhiệm vụ (18,69%), 14.733 người không hoàn thành nhiệm vụ (tỉ lệ 1,75%).
Cũng theo báo cáo, từ đầu năm 2024 đến nay đã có 139 cán bộ và 432 công chức bị xử lý kỷ luật. “Việc xử lý cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật bảo đảm nguyên tắc khách quan, công bằng; công khai, nghiêm minh; chính xác, kịp thời; đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục”, báo cáo nêu.
Ngoài ra, báo cáo cũng nhấn mạnh đến việc thực hiện chủ trương của Đảng về kịp thời thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cũng được được thực hiện nghiêm túc theo quy định của Đảng và của pháp luật, đặc biệt các trường hợp cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý sau khi bị kỷ luật.
Về công tác bổ nhiệm cán bộ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn chức danh theo quy định của Đảng, Nhà nước và tiêu chuẩn cụ thể của chức vụ bổ nhiệm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Về hạn chế, báo cáo chỉ ra rằng, kết quả đánh giá cán bộ, công chức ở một số cơ quan, đơn vị “không phản ánh đúng kết quả, chưa tạo động lực” để cán bộ, công chức nỗ lực, phát huy hết năng lực thực thi nhiệm vụ, công vụ.
Bên cạnh đó, còn có tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám làm ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào
Giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho bộ, ngành, địa phương.
Cùng với đó thực hiện thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức; hoàn thiện và thực hiện tốt cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng, trình độ chuyên môn giỏi làm việc trong các cơ quan nhà nước.
Bộ trưởng Nội vụ cũng đề cập đến việc tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và kiểm soát quyền lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.
Đồng thời, tiếp tục xử lý nghiêm, kịp thời và kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy nhà nước cán bộ, công chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, có sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ.
>> Một công chức Hà Nội phục vụ 684 người dân, sẽ tuyển thêm hàng chục nghìn cán bộ
Bộ trưởng Nội vụ: Cải cách tiền lương gian nan nhưng là thành công ngoạn mục
Bộ trưởng Nội vụ: Sáp nhập huyện, xã dự kiến dôi dư 21.700 cán bộ, công chức