Bộ Xây dựng kiến nghị nghị quyết chung cho đường sắt cao tốc trong bối cảnh sáp nhập tỉnh, thành
Dự thảo lần này bao gồm 19 nhóm chính sách, kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong triển khai các dự án đường sắt quốc gia và đô thị.
Theo Báo Pháp luật TP. HCM, Bộ Xây dựng đang soạn thảo Nghị quyết của Quốc hội nhằm thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để thúc đẩy đầu tư phát triển hệ thống đường sắt.
Theo đó, dự thảo lần này bao gồm 19 nhóm chính sách, kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong triển khai các dự án đường sắt quốc gia và đô thị.
Bộ Xây dựng cho biết, trước đó, Quốc hội đã ban hành hai nghị quyết liên quan đến chủ trương đầu tư các tuyến đường sắt trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, cũng như nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhiều địa phương đang điều chỉnh quy hoạch và đề xuất xây dựng thêm các tuyến đường sắt mới, đặc biệt sau các đợt sáp nhập hành chính như TP. HCM - Bà Rịa - Vũng Tàu - Bình Dương. Việc này đòi hỏi cần có cơ chế linh hoạt và đồng bộ hơn để rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, thực tế triển khai các dự án đường sắt trong thời gian qua còn gặp nhiều vướng mắc, từ huy động vốn, trình tự thủ tục, giải phóng mặt bằng, đến vấn đề chuyển giao công nghệ và phát triển công nghiệp phụ trợ.
Vì vậy, Bộ Xây dựng đề xuất Quốc hội ban hành một nghị quyết chung mang tính tổng thể, thay vì các nghị quyết riêng lẻ như trước. Dự thảo lần này có sự điều chỉnh, bổ sung so với các cơ chế trước đây đã được Quốc hội thông qua.
Về vốn đầu tư, Bộ Xây dựng kiến nghị trao quyền cho Thủ tướng quyết định huy động đa dạng các nguồn vốn như trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài, hoặc từ nguồn tăng thu – tiết kiệm chi ngân sách.
Ngoài ra, các địa phương được phép khai thác quỹ đất và giá trị gia tăng từ khu vực lân cận các ga đường sắt quốc gia, cũng như phát triển đô thị theo mô hình TOD (giao thông định hướng phát triển) để tái đầu tư cho hạ tầng đường sắt.
Một điểm mới quan trọng là các dự án đường sắt đô thị, đặc biệt theo mô hình TOD, sẽ không cần thực hiện thủ tục lập, thẩm định và quyết định chủ trương đầu tư như quy định thông thường.
Dự thảo cũng cho phép chủ đầu tư chỉ định thầu đối với các gói tư vấn, cung cấp thiết bị, xây lắp; đồng thời chỉ định nhà đầu tư đối với dự án xây dựng đường sắt, tổ hợp công nghiệp và chuyển giao công nghệ.
Lần đầu tiên, Bộ Xây dựng đề xuất cho phép sử dụng hệ thống định mức, đơn giá, suất đầu tư, dữ liệu chi phí do tổ chức trong nước và quốc tế công bố; đồng thời được tham khảo suất đầu tư từ các dự án tương tự trên thế giới và quy đổi về thời điểm tính toán phù hợp.
Theo cơ quan soạn thảo, do dự án đường sắt có kỹ thuật phức tạp, công nghệ hiện đại, nhiều tiêu chuẩn – quy chuẩn trong nước chưa đầy đủ hoặc không phù hợp, việc áp dụng cơ chế linh hoạt sẽ giúp tháo gỡ đáng kể các rào cản hiện nay.
Về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Bộ Xây dựng đề xuất phân định rõ trách nhiệm. Ví dụ, việc di dời hạ tầng điện từ 110kV trở lên sẽ thuộc trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. UBND cấp tỉnh được phép thực hiện trước công tác tái định cư và áp dụng chỉ định thầu với các gói thầu thu hồi đất.
Nhằm hướng tới làm chủ công nghệ, dự thảo cũng đưa vào quy định khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực đường sắt, được hưởng chính sách ưu đãi.
Với các gói thầu quốc tế, nhà thầu bắt buộc phải cam kết chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực cho phía Việt Nam, nhằm làm chủ công tác quản lý, vận hành, bảo trì sau này.
Đáng chú ý, trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu và các gói thầu quan trọng, sẽ có sự tham gia giám sát của đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước.