Boeing 'đau đầu' vì 32.000 nhân viên sắp đình công, lỗ hơn 33 tỷ USD trong 5 năm
Vấn đề lớn tiếp theo của hãng hàng không nổi tiếng nước Mỹ Boeing có thể là cuộc đình công sắp tới của 32.000 người lao động.
Hãng hàng không nổi tiếng bậc nhất thế giới Boeing đã trải qua đủ mọi tin xấu trong 6 năm qua. Tệ hơn, vào cuối tháng này, cuộc đình công của 32.000 nhân viên có thể được thêm vào danh sách những tai ương của Boeing.
Hợp đồng giữa Boeing và Hiệp hội Thợ máy Quốc tế (IAM) sẽ hết hạn vào lúc 23 giờ 59 phút đêm (theo giờ Thái Bình Dương) ngày 12/9. Nếu không có hợp đồng mới, những công nhân chế tạo máy bay của công ty tại tiểu bang Washington (Mỹ) sẽ bắt đầu cuộc đình công đầu tiên tại công ty sau 16 năm. Và hiện tại, khả năng đôi bên đạt được thỏa thuận là không mấy khả quan, theo người đứng đầu công đoàn địa phương tiết lộ.
“Chúng ta còn cách xa nhau về mọi vấn đề chính - tiền lương, chế độ chăm sóc sức khỏe, nghỉ hưu, thời gian nghỉ của nhân viên”, ông Jon Holden, Chủ tịch của IAM District 751, nói với CNN tuần trước. “Chúng tôi vẫn đang tiếp tục giải quyết vấn đề đó, nhưng đây là một quá trình khó khăn để vượt qua”.
>> Lốp máy bay nổ tung, 2 người tử vong tại chỗ, sân bay bận rộn nhất thế giới chìm trong hỗn loạn
Đây chỉ là sự cố mới nhất trong một loạt các vấn đề nghiêm trọng mà Boeing phải đối mặt. Đó là các vụ tai nạn chết người bắt nguồn từ lỗi thiết kế của dòng máy bay phản lực bán chạy nhất, doanh số bán máy bay giảm mạnh và những khoản lỗ tài chính khổng lồ được bù đắp bằng mức nợ tăng cao.
Cả hai bên đều nói rằng họ muốn đạt được thỏa thuận mà không cần đình công. Nhưng sự tức giận của các thành viên công đoàn cơ sở trước những khó khăn tại công ty từng đem lại nhiều tự hào này có thể khiến việc đạt được thỏa thuận trong thời gian ngắn vẫn là một nhiệm vụ khó khăn.
“Chúng tôi vẫn tiếp tục thương lượng một cách thiện chí khi tập trung vào các chủ đề quan trọng đối với nhân viên và gia đình của họ”, một tuyên bố từ Boeing cho biết. “Chúng tôi tin tưởng về một thỏa thuận có thể cân bằng giữa nhu cầu của nhân viên và thực tế kinh doanh mà chúng tôi phải đối mặt”.
Nhưng ông Jon Holden cho biết bất kỳ thỏa thuận nào có thể giành được sự ủng hộ của các thành viên cấp cơ sở đều cần phải giành lại một số nhượng bộ mà liên đoàn đã từ bỏ trong hai thỏa thuận trước đó.
Boeing đã đe dọa sẽ xây dựng các cơ sở không thuộc liên đoàn để xử lý việc sản xuất những chiếc máy bay 737 Max và 777X. Boeing, công ty có một nhà máy 787 Dreamliner không thuộc liên đoàn ở Nam Carolina, đã hủy bỏ kế hoạch xây dựng các cơ sở không thuộc liên đoàn bổ sung đó như một phần của các thỏa thuận này.
Boeing tham gia các cuộc đàm phán này với một Giám đốc điều hành (CEO) hoàn toàn mới, Kelly Ortberg, người đã bắt đầu công việc vào ngày 8/8. Ông Ortberg đã đưa ra một tuyên bố rằng mình muốn “thiết lập lại mối quan hệ của chúng tôi” với công đoàn sau khi gặp ông Holden và các nhà lãnh đạo công đoàn khác trong tuần đầu tiên làm việc. Nhưng Holden cho biết ông không thấy bất kỳ sự khác biệt nào trong lập trường của Boeing tại bàn đàm phán.
Người tiền nhiệm của Ortberg, cựu CEO Dave Calhoun, cũng đã nói với các nhà đầu tư vào tháng 7 rằng Boeing có ý định tránh đình công và dường như muốn ám chỉ rằng họ sẽ sẵn sàng trả bất cứ khoản tiền nào để tránh việc công nhân viên ngừng làm việc.
“Chúng tôi biết rằng yêu cầu về tiền lương sẽ rất lớn”, ông Calhoun nói. “Chúng tôi không ngại đối xử tốt với nhân viên của mình trong quá trình này. Vì vậy, chúng tôi sẽ làm việc chăm chỉ hết sức có thể để không có cuộc đình công”.
Công ty cho biết tiền lương của các thành viên IAM đã tăng 60% trong 10 năm qua do tăng lương chung, điều chỉnh chi phí sinh hoạt và tiền thưởng khuyến khích. Nhưng công đoàn vẫn tức giận về những nhượng bộ trước đó. Công đoàn cũng đang tìm kiếm thời gian nghỉ ngơi được cải thiện và đảm bảo việc làm tốt hơn để không phải đối mặt với mối đe dọa mất việc vào tay các nhà máy không có công đoàn.
Ông Holden cho biết: “Chúng tôi không thể trải qua thêm một giai đoạn nữa mà công việc của chúng tôi bị đe dọa chỉ sau một hoặc hai năm nữa”.
Nhiều công đoàn, bao gồm Teamsters tại UPS và công đoàn United Auto Workers tại GM, Ford và Stellantis, đã giành được mức tăng lương hai chữ số trong các thỏa thuận công đoàn gần đây. Nhưng trong những trường hợp đó và nhiều trường hợp khác, họ đã đàm phán với các công ty đạt được lợi nhuận kỷ lục và có nhiều nguồn lực để đáp ứng các yêu cầu của công đoàn.
Ngược lại, các vấn đề tại Boeing đã dẫn đến khoản lỗ hoạt động cốt lõi lên đến 33,3 tỷ USD trong 5 năm qua, buộc công ty phải đi sâu vào nợ nần. Công ty đang có nguy cơ bị hạ cấp nợ xuống trạng thái trái phiếu rác, nhưng ông Holden khẳng định rằng công đoàn vẫn có đòn bẩy trong các cuộc đàm phán này.
Bất chấp những vấn đề của mình, Boeing vẫn là một thế lực lớn trong nền kinh tế Hoa Kỳ và việc đóng cửa hoạt động vì công nhân viên đình công sẽ có tác động rộng khắp. Ngoài 32.000 thành viên công đoàn trong số gần 150.000 nhân viên nước Mỹ, công ty ước tính tác động kinh tế của riêng mình là 79 tỷ USD, hỗ trợ 1,6 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp tại hơn 9.900 nhà cung cấp trải rộng trên tất cả 50 tiểu bang.
Nhưng có lẽ quan trọng hơn, Boeing là một trong hai nhà cung cấp máy bay phản lực thương mại lớn duy nhất cho ngành hàng không. Và ngành này đang phải đối phó với việc giao hàng chậm trễ của Boeing mà không thể tăng tốc trở lại cho đến khi giải quyết được các câu hỏi về tính an toàn và chất lượng của máy bay.
“Boeing không nói rằng họ không đủ khả năng chi trả cho các đề xuất của chúng tôi”, ông Holden nói. “Họ có lý. Chúng tôi đang ở trong tình thế khó khăn vì những quyết định họ đưa ra là tiếp tục tăng cổ tức và mua lại cổ phiếu, cắt giảm R&D. Họ đã bị tê liệt khi phải tung ra một chiếc máy bay mới. Chính vì những quyết định đó và những vụ tai nạn mà chúng tôi đang ở trong tình thế này”.
Một trong những mục tiêu thương lượng của công đoàn là đưa một đại diện công đoàn vào ban giám đốc của Boeing, nơi đang phải đối mặt với những chỉ trích gay gắt vì nhiều vấn đề của công ty.
“Hội đồng quản trị chắc chắn xứng đáng bị chỉ trích”, ông Holden nói. “Chúng tôi không muốn điều hành công ty. Nhưng chúng tôi muốn đảm bảo rằng tiếng nói của chúng tôi được lắng nghe về các quyết định được đưa ra. Chúng tôi yêu công ty Boeing. Chỉ có những người trong Hội đồng quản trị không yêu thích nó. Họ đã hy sinh sự chính trực của công ty”.
>> Tân CEO của Boeing “chào sân” đầy tích cực cùng khát vọng đổi mới