Cả bộ máy đã rùng rùng chuyển động bước vào 'cuộc đổi mới của đổi mới'
Kỷ nguyên mới của dân tộc được tính từ Đại hội 14 của Đảng sắp tới nhưng ngay từ bây giờ dường như cả bộ máy đã rùng rùng chuyển động, với phương châm “vừa chạy vừa xếp hàng” để thực hiện cuộc "đổi mới của đổi mới".
Tết là thời khắc hướng về nguồn cội, cùng tận hưởng cảm giác ấm áp của giây phút đoàn viên, sum họp bên mái ấm gia đình.
Tết cũng là thời điểm đặc biệt để nhìn lại những gì đã qua, là khởi đầu cho một năm mới với niềm tin, hy vọng về những điều tốt đẹp nhất.
Chào Xuân Ất Tỵ, VietNamNet chia sẻ những câu chuyện về Tết, về vị thế quốc gia, về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Như mọi năm cứ đến ông Công, ông Táo, công việc dường như chậm lại, mọi người chủ yếu thăm hỏi lễ lạt tất niên và mua sắm. Năm nay thì khác, chỗ nào cũng tất bật, bận rộn bởi quyết tâm thực hiện những ngày tháng đầu tiên của “đổi mới của đổi mới” mà trước hết là chuyện sắp xếp bộ máy, con người với quyết tâm tinh gọn bộ máy của cả hệ thống chính trị và mở đường cho sự sáng tạo phát triển.
Vượt lên chính mình luôn là điều khó khăn nhất
Như phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương vào ngày 23/1 (ngày 24 tháng Chạp), Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết dù Tết Nguyên đán đã cận kề, song vì các công việc đặc biệt quan trọng của Đảng cần triển khai ngay, nên Bộ Chính quyết định triệu tập Hội nghị Trung ương vào thời điểm này.
Trong 3 nhóm nội dung quan trọng được Trung ương thảo luận, quyết định có việc thực hiện tinh gọn bộ máy của cả hệ thống chính trị.
Kỷ nguyên mới của dân tộc được tính từ Đại hội 14 của Đảng sắp tới nhưng ngay từ bây giờ dường như cả bộ máy đã rùng rùng chuyển động, với phương châm “vừa chạy vừa xếp hàng”. Không khí làm việc vẫn hết sức khẩn trương, phòng làm việc của nhiều cơ quan, đơn vị sáng đèn, cán bộ, công chức vẫn miệt mài sau giờ làm việc.
Mọi sự cố gắng không có gì khác hơn là tìm ra và có giải pháp cho căn bệnh trì trệ từ nhiều năm nay, tạo điều kiện cho sự bứt phá, vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Đơn cử chỉ trong một ngày trước hội thảo góp ý sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một đạo luật hết sức quan trọng trong xây dựng thể chế, được coi là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, những người tham dự đã nhận liên tiếp 4 lần bản dự thảo với sự thay đổi tính từng giờ!
Mọi sự đổi mới, tiến bộ đều bắt đầu từ cách nghĩ. Mới nhớ lại sau Đại hội 6, đổi mới đất nước được xác định trước hết là đổi mới tư duy. Đây là công việc cực kỳ khó khăn. Đơn giản là bất cứ sự thay đổi nào thì kèm theo cơ hội là những thách thức, nguy cơ, nó sẽ làm chùn bước những ai thiếu kiên quyết, mạnh mẽ.
Vượt lên chính mình luôn là điều khó khăn nhất. Công cuộc đổi mới hơn nửa thế kỷ đã mang lại ấm no cho người dân nhưng cuộc sống là một sự vận động không ngừng nghỉ đòi hỏi phải có những thay đổi kịp thời.
Từ tư duy pháp trị thuần túy khi lấy pháp luật làm công cụ, cai trị bảo đảm trật tự xã hội hướng tới một nhà nước pháp quyền trong đó pháp luật là hành lang pháp lý để bảo đảm thực hiện trên thực tế cho các quyền tự do, quyền con người, để phát huy mọi tiềm năng, trí tuệ của mỗi thành viên trong xã hội cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Điều đó đã được thể hiện trong những thông điệp mạnh mẽ, rõ ràng, dứt khoát của những nhà lãnh đạo đất nước.
Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 của Quốc hội vào tháng 10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: “Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”.
Từ đó, Tổng Bí thư yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó cần chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Đặc biệt là phải dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".
Định hướng này đã được thổi vào tư duy lập pháp của Quốc hội ngay từ kỳ họp thứ 8. Trong nhiều phiên họp Ủy ban Thường vụ cũng như trên diễn đàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thành Mẫn luôn khẳng định: Chuyển mạnh từ luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý có hiệu quả với kiến tạo phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo, kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
Mới đây, kết luận phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần dứt khoát bỏ tư duy "không quản được thì cấm, không biết mà vẫn quản", quán triệt tư duy "ai quản lý tốt nhất thì giao", người dân và doanh nghiệp được làm những gì luật không cấm, cái gì cấm thì đưa vào luật, cái gì không cấm thì phải tạo không gian cho sáng tạo, cái gì doanh nghiệp và người dân làm được, làm tốt hơn thì Nhà nước dứt khoát không làm.
Một sự cam kết về nền quản trị theo tư duy đổi mới
Nhận thức là một quá trình và từ nhận thức đến hành động đòi hỏi có sự trải nghiệm cân nhắc và tính toán kỹ càng để đưa ra quyết sách trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.
Điều đó đặt ra yêu cầu rất cao cho công tác lãnh đạo, quản lý một quốc gia, đất nước. Quản cái gì? Cấm cái gì? Quản đến đâu?... đó là câu hỏi thường trực cho mọi thể thiết chế quản lý. Dường như Nhà nước (hay Chính phủ) kiến tạo là câu trả lời cho thời đại ngày nay.
Vai trò kiến tạo của Nhà nước thể hiện tính ưu việt của nó khi chủ động điều tiết nền kinh tế trong điều kiện tôn trọng tính khách quan của cơ chế thị trường. Nhà nước kiến tạo các điều kiện, cơ hội tốt nhất và bảo đảm một môi trường lành mạnh cho mỗi thành viên phát huy mọi tiềm năng sáng tạo.
Những mối lo về hệ lụy của các hiện tượng, xu hướng, nhu cầu mới, phương thức sản xuất kinh doanh mới trong xã hội đôi khi đặt ra những bài toán không dễ và biện pháp an toàn nhất là cấm đoán, với những biện pháp xử phạt hay cưỡng chế cứng rắn.
Câu chuyện “không quản được thì cấm” là vì như thế. Cần khẳng định rằng chuyện quản, chuyện cấm là điều cần thiết nhưng phải được thực hiện trên nguyên tắc phục vụ lợi ích chung, vì sự phát triển lành mạnh bền vững của toàn xã hội. Nhà nước tồn tại vì lợi ích và phục vụ xã hội.
Và như Thủ tướng nhấn mạnh “cái gì cấm thì đưa vào luật, cái gì không cấm thì phải tạo không gian cho sáng tạo phải ghi rõ trong luật”. Để thực hiện tốt chức năng của mình thì sự tác động, điều tiết chỉ được thực hiện vừa đủ và ở mức độ cần thiết. Giống như trong thi đấu thể thao, Nhà nước là người giám sát chứ không tham gia vào cuộc chơi. Nhà nước không thể vừa cầm còi vừa tham gia thi đấu.
Thực tiễn cho thấy, dù rất cố gắng để tạo ra thiết chế kiểm soát nhưng những vấn đề tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích ngành vẫn khó có thể tránh khỏi trong cơ chế “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy không chỉ đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực hiệu quả, hiệu lực, hiệu năng quản lý mà nó còn thể hiện quan điểm xây dựng bộ máy Nhà nước theo đúng vai trò của nó đối với xã hội.
Đó mới thực sự “đúng vai, thuộc bài” để trả lại cho xã hội tự suy nghĩ và hành động trên cơ sở những nhu cầu chính đáng của chính nó dưới sự giám sát và điều tiết chủ động của Nhà nước như khẳng định của người đứng đầu Chính phủ “cái gì doanh nghiệp và người dân làm được, làm tốt hơn thì Nhà nước dứt khoát không làm”.
Đây không chỉ là những định hướng hoàn thiện thể chế trong thời gian tới mà là một sự cam kết, thể hiện quyết tâm trong xây dựng và hoàn thiện một nền quản trị theo tư duy đổi mới phù hợp với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đòi hỏi một không gian thuận lợi cho sự sáng tạo.
Hình ảnh một Nhà nước kiến tạo, Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ, điều đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đảng 13, đang từng bước được hình thành trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên của tự do sáng tạo và ấm no hạnh phúc.
>> Tinh gọn bộ máy và hiệu lực lãnh đạo trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Tinh gọn bộ máy và hiệu lực lãnh đạo trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Bộ trưởng Nội vụ kể về những cuộc họp cân não tinh gọn bộ máy