Các nước Đông Nam Á đã có metro từ rất lâu, tại sao 'siêu đô thị' hiện đại bậc nhất Việt Nam vẫn trì trệ?
Các quốc gia Đông Nam Á đã xây dựng hệ thống đường sắt đô thị (metro) từ thập niên 1980 đến nay.
Cách đây 37 năm, hệ thống metro tại Singapore bắt đầu chở khách. Theo thông tin tại trang Roots của chính phủ Singapore, năm 1967, tức chỉ 2 năm sau khi độc lập, chính quyền nước này đã bắt đầu nghiên cứu xây dựng hệ thống chuyên chở hành khách cao tốc.
Bên cạnh đó, Thái Lan với tình trạng ùn tắc xảy ra thường xuyên, nhưng dự án Metro Bangkok là sự kết hợp giữa các tuyến tàu điện ngầm và tàu cao tốc trên không đã giúp đất nước này giảm thiểu tình trạng ùn tắc, thúc đẩy phát triển du lịch. Dự án MRT của Thái Lan được xây dựng từ năm 1996 và chính thức đi vào hoạt động năm 1999.
Rất nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã sở hữu hệ thống metro từ lâu. Tại Việt Nam, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chính thức đi vào vận hành thương mại năm 2021 sau hơn 10 năm khởi công xây dựng với nhiều lần đội vốn và chậm tiến độ. Cùng với đó, tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội cũng chính thức được đưa vào hoạt động đoạn Nhổn - Cầu Giấy từ tháng 8/2024.
Tại TP.HCM, thành phố được mệnh danh “siêu đô thị” hiện đại với những bước phát triển vượt trội khi những tòa nhà cao tầng liên tiếp mọc lên, chất lượng cuộc sống người dân được cải thiện,... Tuy nhiên, đến nay thành phố này vẫn chưa có tuyến metro đầu tiên.
Tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên là tuyến metro đầu tiên trong bảy tuyến metro ở TP.HCM. Trải qua hơn một thập kỷ xây dựng, tuyến metro này liên tục trễ hẹn ngày vận hành khiến nhiều người dân TP.HCM thất vọng.
Dự án này dài 19,7km, bắt đầu từ ga trung tâm Bến Thành (Quận 1) đến depot Long Bình (quận 9, nay là TP. Thủ Đức) với tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 17.000 tỷ đồng nhưng sau đó bị đội lên hơn 43.700 tỷ đồng.
Tuyến metro này đã từng chạy thử nghiệm 3 lần. Ở lần chạy đầu tiên vào tháng 8/2022, tuyến chạy thử 300m trên đường ray tại depot Long Bình; lần chạy thử thứ 2 vào tháng 12/2022 từ ga Suối Tiên đến ga Bình Thái với độ dài 8km; lần chạy thử thứ 3 vào tháng 4/2023 từ ga Suối Tiên đến ga trung tâm Bến Thành với khoảng 2.000 người dân tham gia.
Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên - Ảnh: Internet |
Hiện nay, TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục cuối cùng để đưa vào sử dụng tuyến metro này trong tháng 12/2024. Tuyến đường sắt được kỳ vọng mở ra phương thức vận chuyển mới, đáp ứng nhu cầu di chuyển và giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông của thành phố.
Sự trì trệ của dự án là do những khó khăn về nguồn vốn. Để duy trì dự án, TP.HCM đã nhiều lần tạm ứng ngân sách để thanh toán cho nhà thầu, nhân viên. Vào cuối năm 2018, văn bản của Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã được gửi đến lãnh đạo TP.HCM nhằm cảnh báo nguy cơ dự án phải ngừng thi công.
Bên cạnh đó, trong quá trình thi công, nhiều sự cố liên quan đến kỹ thuật phát sinh làm chậm tiến độ dự án. Gối cao su dầm cầu cạn trụ P14-10, đoạn gần ga Công nghệ cao (TP. Thủ Đức) bị rơi ra ngoài vào tháng 10/2022, sau đó thêm 5 gối khác cũng bị xê dịch.
Cùng với đó, khủng hoảng nhân sự xảy ra trong nội bộ chủ đầu tư. Hàng loạt cán bộ, nhân viên xin thôi việc vì lý do cá nhân. Không có nhân công làm việc khiến tiến độ dự án bị lùi lại nhiều lần.
Thêm vào đó, Covid-19 cũng là nguyên nhân lớn ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án khi quá trình nhập khẩu nguyên vật liệu bị gián đoạn, chuyên gia nước ngoài không thể có mặt tại Việt Nam, giãn cách xã hội diễn ra căng thẳng,...
Hàng loạt những khó khăn xảy đến trong quá trình thi công dự án tuyến metro số 1 khiến nhiều lần dự án này phải lùi tiến độ. Nhưng cuối năm nay, dự án dự kiến chính thức đi vào hoạt động, thỏa mãn sự chờ đợi hàng thập kỷ qua của người dân.
>>Chưa đến một tuần mở bán vé, metro Nhổn - ga Hà Nội đã xuất hiện nhiều bất cập