Cải cách tiền lương: tính kỹ những yếu tố tác động
Tại Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, các nội dung cải cách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024, đã thu hút sự quan tâm lớn của xã hội.
Tạo động lực nâng cao năng suất
Theo Tờ trình của Chính phủ, Chính phủ kiến nghị Quốc hội việc thực hiện đầy đủ 2 nội dung cải cách tiền lương khu vực DN theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW, gồm: điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng 6% áp dụng từ ngày 1/7/2024); quy định cơ chế tiền lương đối với DN Nhà nước (áp dụng từ ngày 1/1/2025).
Với phương châm thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW trong khu vực công theo lộ trình, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi và góp phần nâng cao đời sống người hưởng lương, Quốc hội đã giao Chính phủ triển khai các nội dung đã đủ điều kiện để thực hiện, trong đó điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1/7/2024 (chưa bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay).
Với các cơ quan, đơn vị đang được áp dụng các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở T.Ư, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện bảo lưu phần chênh lệch giữa tiền lương và thu nhập tăng thêm tháng 6/2024 của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) với tiền lương từ ngày 1/7/2024 sau khi sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù.
Trong thời gian chưa sửa đổi hoặc bãi bỏ các cơ chế này thì thực hiện tiền lương và thu nhập tăng thêm hàng tháng tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù từ ngày 1/7/2024 bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6/2024.
Song song đó, Chính phủ kiến nghị điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024. Cụ thể, tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp BHXH; đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng.
Trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%); giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp. Trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).
Theo Báo cáo của Chính phủ, tổng nhu cầu kinh phí điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%, thực hiện tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp lũy kế 3 năm 2024 - 2026 tăng thêm 913 nghìn tỷ đồng. Quốc hội đã giao Chính phủ sớm báo cáo Ban Chấp hành T.Ư về việc mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cải cách tiền lương của ngân sách T.Ư và địa phương để chi cho việc điều chỉnh lương hưu cùng các khoản trợ cấp, chính sách an sinh xã hội và tinh giản biên chế.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, đây là mức tăng lương cơ sở cao nhất từ trước đến nay, sẽ góp phần cải thiện đời sống NLĐ, tạo động lực nâng cao năng suất. Cải cách tiền lương thì phải đạt được mục tiêu tăng lương, nên phải bám sát Nghị quyết 27-NQ/TW để tính toán, do vậy, phương án được Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương đã quyết định thể hiện rất sáng suốt.
Trong đó, thực hiện việc rất mới là bố trí 10% quỹ lương cơ bản để hàng năm thủ trưởng đơn vị được toàn quyền quyết định thưởng đột xuất cho các CBCCVC, sẽ giúp các đơn vị có thêm cơ chế khen thưởng và hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương, thu nhập để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng thực hiện nhiệm vụ của cơ quan.
Cùng với việc này, cần hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ việc bảo đảm các nguồn để thực hiện cải cách tiền lương, trong đó có sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế; hướng dẫn thực hiện thống nhất để quản lý tiền lương và thu nhập với từng đối tượng đơn vị sự nghiệp tự chủ hay hưởng lương từ ngân sách.
“Phương án cải cách tiền lương như vậy được đánh giá là tối ưu, sẽ cơ bản giữ nguyên được các văn bản quy phạm pháp luật về tiền lương của các đối tượng, với các phụ cấp hiện nay được giữ nguyên và sẽ tiếp tục rà soát nghiên cứu, bổ sung. Như vậy, Nghị quyết 27-NQ/TW được thực hiện theo lộ trình chắc chắn, hiệu quả, khả thi và đáp ứng mong mỏi của các đối tượng, không ai bị thiệt thòi”- bà Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.
Lương đủ trang trải cuộc sống, cán bộ sẽ không muốn tham nhũng
Thực tế trước khi tăng lương thì giá đã tăng trước một đoạn. Vì thế, cùng với tăng lương cần có giải pháp bình ổn giá, nhất là các mặt hàng tiêu dùng; đồng thời phải quan tâm vấn đề giảm trừ gia cảnh, lương tăng 30% thì ít nhất giảm trừ gia cảnh phải tăng được 30%, thậm chí đến 50%.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam)
Đặc biệt quan tâm tới việc tăng lương của công chức, viên chức và cách thức tăng lương, các đại biểu Quốc hội cũng thể hiện vẫn có băn khoăn và những quan điểm khác nhau.
Bày tỏ thống nhất cần thực hiện cải cách tiền lương, các khoản trợ cấp và các chính sách liên quan theo lộ trình từng bước thận trọng, song đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cũng cho rằng, tổng quỹ lương của CBCCVC tăng 30% và lực lượng vũ trang tăng 51,93% là chưa bình đẳng với các đối tượng hưởng lương, chưa phù hợp bảng lương mới theo dự kiến.
Cùng đó, khi chuyển xếp từ lương cũ sang lương mới đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo đang hưởng lương chuyên môn, nghiệp vụ với phụ cấp chức vụ lãnh đạo sẽ rất khó khăn do nhiều bậc lương cũ. Ngoài ra, phát sinh chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ trước và sau 1/7/2024, bỏ phụ cấp nghề thâm niên của một số công chức, viên chức chuyên ngành khiến lương mới giảm nhiều, dẫn đến tâm tư cho công chức, viên chức.
Trong khi, theo đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội), giải pháp điều chỉnh tăng lương cơ sở đối với công chức, viên chức, lực lượng vũ trang khu vực công từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng và tăng vào quỹ tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản, đã đáp ứng một phần mong mỏi của cử tri, nhưng do chưa áp dụng chính sách cải cách tiền lương nên chúng ta vẫn tiếp tục áp dụng thang bảng lương, chế độ phụ cấp hiện hành. Vì thế, một số bộ phận công chức, viên chức khu vực công, trong đó có viên chức ngành giáo dục còn rất nhiều tâm tư.
“Từ năm 2013, sau khi Ban Chấp hành T.Ư ban hành Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đến nay, nhiều chính sách lớn về đổi mới giáo dục đã tạo áp lực không nhỏ lên vai các nhà giáo, nhưng chính sách tiền lương lại chỉ áp dụng Nghị quyết 29, đó là lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong bảng lương hành chính sự nghiệp. Sau 11 năm đến nay quy định này vẫn nằm nguyên trên giấy. Tôi tha thiết đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu chính sách cải cách tiền lương cần thể chế hóa các chủ trương của Đảng bằng luật hoặc văn bản dưới luật về chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp nghề đối với nhà giáo” - đại biểu Dương Minh Ánh nói.
Quan tâm cách thức trả lương, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) đề nghị Chính phủ xem xét đưa ra công thức trả lương theo hướng GDP tăng đến đâu thay đổi tiền lương tới đó, sẽ giúp cán bộ, công chức yên tâm về thu nhập, gắn bó lâu dài với công việc và cũng là cách chống tham nhũng ngay từ đầu. Bởi lẽ, khi lương đã xứng đáng, đủ trang trải nuôi gia đình, thì họ sẽ e ngại khi dính vào tham nhũng, vì có thể mất đi nguồn thu nhập rất lớn.
Tăng lương 30% là mức cao nhất trong lịch sử, cũng có nghĩa phải thực hiện tốt kiềm chế lạm phát để bảo đảm quyền lợi NLĐ; giải quyết không tốt thì sẽ đẩy giá sinh hoạt hàng ngày lên, là bài toán đặt ra cho Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ liên quan tập trung giải quyết. Chính phủ sẽ giao Ban Kinh tế T.Ư đánh giá lại những khó khăn trong triển khai Nghị quyết 27-NQ/TW, sau đó Ban Chấp hành cho ý kiến để tiếp tục triển khai.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
>> Điểm lại 14 lần tăng lương, 1/7/2024 là đợt tăng cao nhất trong lịch sử