Cần bao nhiêu nhân lực và chi phí đào tạo để thực hiện siêu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam 70 tỷ USD?
Dự án đường sắt tốc độ cao đòi hỏi nguồn nhân lực phải có tay nghề cao.
Dự án đường sắt tốc độ cao đã mang đến diện mạo mới, thay đổi cuộc sống của người dân và nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam cũng đang từng bước nỗ lực với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam để hướng tới tương lai phát triển phía trước.
Trong giai đoạn xây dựng, dự án này dự kiến sẽ tạo việc làm cho khoảng 263.700-332.300 người. Trong đó, sẽ cần khoảng 111.280-160.020 người trong giai đoạn 2025-2030; khoảng 152.420-186.280 người giai đoạn 2030-2040. Hầu hết nguồn nhân lực đều có tay nghề cao.
Sau khi hoàn thành, sẽ cần khoảng gần 13.880 lao động trong giai đoạn khai thác vận hành, trong đó, lao động trực tiếp cần 11.050 người và kỹ sư đại học cần khoảng 2.349 người.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã được Thường trực Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu lao động trong quá trình xây dựng và vận hành tuyến đường sắt huyết mạnh của quốc gia.
Từ kinh nghiệm của những quốc gia đi trước trong xây dựng và vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao, chương trình phát triển quốc gia về xây dựng nguồn nhân lực cần được phát triển từ rất sớm, khoảng 5-7 năm trước khi đầu tư xây dựng.
Để quá trình đầu tư, xây dựng, vận hành siêu dự án này được thành công thì nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng. Đặc biệt, nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ đảm bảo khả năng tiếp nhận chuyển giao, nhanh chóng làm chủ công nghệ vận hành bảo trì,...
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Giải pháp đối với số lượng lao động cần trong quá trình xây dựng là tuyển dụng thông qua đào tạo trong nước, liên kết và đào tạo ở nước ngoài. Kinh phí đào tạo dự kiến khoảng 19.718-24.096 tỷ đồng.
Ngoài ra, kinh phí đào tạo dự kiến đối với số lượng lao động cần trong quá trình khai thác vận hành khoảng 9.715 tỷ đồng.
Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho biết nguồn nhân lực cho đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hiện đáp ứng 80% nhu cầu để phục vụ cho những công tác xây dựng như nền, móng, công trình,... 20% nhân lực còn lại tập trung vào các chuyên ngành mang tính chuyên sâu hơn của đường sắt tốc độ cao như hệ thống ray, thông tin tín hiệu,...
Công tác đào tạo nguồn nhân lực cần thực hiện nhanh chóng, kịp thời để đáp ứng nhu cầu lao động khi dự án đường sắt tốc độ cao của Việt Nam được triển khai đầu tư xây dựng, góp phần giảm thiểu rủi ro chậm tiến độ của dự án.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam hứa hẹn sẽ trở thành bước ngoặt quan trọng trong hệ thống giao thông Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền,... Dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam học hỏi từ bạn bè quốc tế trong quá trình xây dựng, vận hành, đặc biệt là quá trình đào tạo nguồn nhân lực để thích ứng với những công nghệ tân tiến, hiện đại nhất.