Cần thiết xây bến cảng tổng hợp Long Sơn Mỹ Xuân tại Thị Vải
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Bộ KH&ĐT nêu ý kiến về hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án bến cảng tổng hợp Long Sơn Mỹ Xuân tại khu bến cảng Thị Vải.
Bộ GTVT cho biết, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu bến Thị Vải được quy hoạch có bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, cỡ tàu đến 100.000 tấn tại Phú Mỹ hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện, đến 60.000 tấn tại Mỹ Xuân và đến 30.000 tấn phía thượng lưu cầu Phước An.
Do đó, đề xuất đầu tư bến cảng tổng hợp Long Sơn Mỹ Xuân cho cỡ tàu tổng hợp đến 30.000 tấn là phù hợp với quy hoạch tổng thể cảng biển được duyệt.
Phù hợp quy hoạch tổng thể
Ngoài ra, tại Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (nhóm 5) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, bến cảng tổng hợp Long Sơn Mỹ Xuân được quy hoạch có tên "Bến cảng tổng hợp tiềm năng Mỹ Xuân" thuộc khu bến cảng Gò Dầu, Tắc Cá Trung.
Bến cảng được quy hoạch cho tàu tổng hợp, container, có bến chuyên dùng cho hàng rời, hàng lỏng cho tàu đến 30.000 tấn. Giai đoạn đến năm 2030 được đầu tư với tổng chiều dài 320m cho cỡ tàu đến 30.000 tấn. Công suất bến chính khoảng 3,2 triệu tấn/năm, diện tích chiếm đất 39,69 ha.
Trên cơ sở xem xét đề xuất của Công ty TNHH Long Sơn về việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết bến cảng tổng hợp Long Sơn Mỹ Xuân cùng sự phù hợp với các quy hoạch, quy định liên quan, Bộ GTVT đã có văn bản chấp thuận điều chỉnh quy hoạch chi tiết bến cảng tổng hợp Long Sơn Mỹ Xuân trong Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (Nhóm 5) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng nêu rõ: "Phát triển hệ thống cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu với quy mô, chức năng cảng đặc biệt. Bao gồm các khu bến: Cái Mép, Thị Vải, Sao Mai - Bến Đình, Bến cảng khách quốc tế Vũng Tàu, Long Sơn, sông Dinh, Côn Đảo và các bến cảng dầu khí ngoài khơi.
Phạm vi quy hoạch, chức năng, cỡ tàu thực hiện theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt".
Từ đây, Bộ GTVT cho rằng, đề xuất đầu tư bến cảng tổng hợp Long Sơn Mỹ Xuân gồm 270m bến chính cho tàu tổng hợp đến 30.000 tấn và 4 bến sà lan cho tàu đến 7.500 tấn phù hợp với các quy hoạch cảng biển, quy hoạch chuyên ngành và các quy hoạch liên quan.
Theo báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, dự án có trạm nghiền xi măng tại khu vực hậu phương cảng. Điều này nhằm phát huy năng lực thông qua hàng hóa của cầu cảng, các bến sà lan phục vụ xuất nhập nguyên vật liệu và thành phẩm, cũng như phát huy thế mạnh vận tải thủy để gom, rút hàng hóa đến cảng, nâng cao hiệu quả đầu tư khai thác tổng thể dự án.
Bộ GTVT thống nhất mục tiêu dự án nhằm từng bước xây dựng hoàn thiện khu bến Thị Vải theo quy hoạch cảng biển được duyệt; đầu tư xây dựng bến cảng tổng hợp phục vụ cho các hoạt động kinh tế, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh và vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng trong khu vực; khai thác tối đa lợi thế điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, các dự án hạ tầng giao thông đang đầu tư trong khu vực để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và khu vực phía Nam nói chung.
Lãnh đạo Bộ GTVT thông tin, Bộ đã cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư công trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện, hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 dự án Nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải từ phao số "0" vào khu bến cảng container Cái Mép đến khu bến Phước An. Ngoài ra, đang tiếp tục thực hiện đầu tư nâng cấp luồng tàu giai đoạn 2 với phạm vi từ khu bến Phước An đến Gò Dầu (khu vực gồm bến cảng Long Sơn Mỹ Xuân) cho tàu đến 30.000 tấn. Dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác trong quý II/2025.
Hiện nay, nhu cầu lượng hàng thông qua hàng hóa tại khu vực ngày một tăng cao. Vì thế, Bộ GTVT đánh giá việc xem xét, thực hiện thủ tục thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo để có thể đầu tư xây dựng dự án, đưa bến cảng vào khai thác thời gian tới là cần thiết.
Do dự án sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp để đầu tư, Bộ GTVT đề nghị Bộ KH&ĐT căn cứ quy hoạch cảng biển đã được cấp thẩm quyền phê duyệt (quy mô, lộ trình đầu tư…) có ý kiến với chủ đầu tư cân nhắc, quyết định và chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư khai thác bến cảng.
Điều này nhằm đáp ứng lộ trình đầu tư bến cảng theo quy hoạch được duyệt, đồng bộ với luồng tàu được đầu tư nâng cấp.
Dự kiến, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2.256 tỷ đồng gồm vốn tự huy động và vốn vay. Bộ KH&ĐT được đề nghị yêu cầu nhà đầu tư căn cứ các quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư xây dựng, quy hoạch chuyên ngành và các quy định có liên quan để xây dựng tổng mức đầu tư trên cơ sở tính đúng, tính đủ các hạng mục công việc.
Đồng thời, xem xét khả năng huy động vốn của nhà đầu tư đảm bảo đáp ứng chất lượng, tiến độ thực hiện dự án theo yêu cầu. Ngoài ra, với cơ sở tính toán tổng mức đầu tư, đề nghị nghiên cứu Nghị định số 94/2023 của Chính phủ quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng.
Kết nối thuận tiện, phát huy thế mạnh đường thủy nội địa
Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Long Sơn Mỹ Xuân được đề xuất có vị trí kết nối thuận tiện với các phương thức vận tải. Cụ thể, bến cảng tổng hợp Mỹ Xuân tại phía thượng lưu cầu Phước An, thuộc luồng Vũng Tàu - Thị Vải.
Hiện nay, khu vực đang đầu tư đoạn luồng từ khu bến Phước An đến Gò Dầu cho tàu đến 30.000 tấn. Khi thực hiện phân luồng tàu, phương tiện không đi theo hướng tuyến vòng qua khu đất cảng Long Sơn Mỹ Xuân mà đi thẳng từ thượng lưu cầu Phước An lên khu vực bến cảng Cẩm Phả và lên bến cảng Vedan Phước Thái.
Do vậy, Bộ GTVT đề nghị nhà đầu tư cân nhắc, chịu trách nhiệm tự huy động vốn của doanh nghiệp để đầu tư tuyến luồng nhánh kết nối từ tuyến luồng công cộng nêu trên đến bến cảng.
Vị trí thực hiện dự án cũng thuận tiện trong kết nối nội vùng và liên vùng về đường bộ. Về đường thủy nội địa, đây là khu vực kết nối thuận tiện với tuyến vận tải ven biển và 2 hành lang đường thủy nội địa chính tại khu vực là hành lang đường thủy Bắc - Nam liên kết giữa Bình Dương - Đồng Nai – TPHCM với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, và hành lang Đông - Tây kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long với TPHCM và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.
Hai hành lang đường thủy quan trọng này đang được Bộ GTVT thực hiện đầu tư tại dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam.
Với đường hàng không, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có thể kết nối đến cảng hàng không Long Thành tại Đồng Nai đang được xây dựng. Địa bàn tỉnh cũng sẽ có các tuyến đường sắt thời gian tới theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hiện nay, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án đã nêu sơ bộ về sơ đồ công nghệ bốc dỡ tại cảng và dây chuyền công nghệ hoạt động trạm nghiền. Sơ đồ công nghệ bốc dỡ hàng tổng hợp tại cảng cơ bản tương tự sơ đồ tại các cảng tổng hợp khác.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng đây là bước đề xuất chủ trương đầu tư. Trường hợp dự án được cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, sơ đồ công nghệ bốc dỡ do chủ đầu tư cân nhắc, tự quyết định trên cơ sở kế hoạch sản xuất - kinh doanh và nguồn lực của doanh nghiệp.
Với đầu tư hạng mục trạm nghiền, bốc dỡ, chủ đầu tư được yêu cầu tuân thủ quy định bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ và các quy định liên quan. Quá trình vận hành, khai thác cảng cần tuân thủ các quy định về an toàn lao động, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, phòng cháy chữa cháy và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
Thêm một ông lớn muốn 'đặt chân' vào dự án siêu cảng 50.000 tỷ tại Vũng Tàu
Cạnh tranh 'gay gắt' làm cảng 50.000 tỷ đồng: Thêm một ông lớn viết thư gửi Thủ tướng