Cảng biển nước sâu lớn nhất miền Bắc chính thức hoạt động, cạnh tranh trực tiếp với VIMC, Gemadept, Viconship
Khu vực Hải Phòng đang trở thành "chảo lửa" logistics, thu hút những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực cảng biển Việt Nam như VIMC, Gemadept, Hateco, Viconship, PHP...
Theo báo Chính phủ, sáng ngày 7/2/2025, Cảng Hateco Hải Phòng (HHIT) vừa đón chuyến tàu đầu tiên. Cảng Hateco Hải Phòng là cảng biển nước sâu hiện đại nhất Việt Nam có quy mô lớn nhất khu vực miền Bắc, với vị trí chiến lược ở khu vực Lạch Huyện, Cảng Hateco Hải Phòng trở thành cửa ngõ kết nối trực tiếp với các tuyến đường biển quốc tế.
Thiết bị cẩu STS hiện đại nhất và lớn nhất Việt Nam được đưa về lắp đặt tại bến số 5, số 6. (Ảnh: Hateco) |
Với tổng diện tích cảng lên đến 73ha, cầu bến dài 900m, độ sâu trước bến từ -16,8m đến -18,4m, Cảng HHIT có khả năng tiếp nhận cùng lúc 2 tàu container cỡ lớn lên tới 200.000 DWT (≥ 18.000 TEU), chiều dài tàu tối đa 400m.
Cảng Hateco Hải Phòng với 2 bến số 5, số 6 được đầu tư với công nghệ hiện đại nhất hiện nay, sẽ là cảng thông minh đầu tiên tại Việt Nam với cổng ra/vào tự động, cầu tàu bán tự động, có thể đón những tàu lớn nhất thế giới và đi trực tiếp từ những nơi xa nhất như bờ Tây, bờ Đông nước Mỹ.
Bên cạnh đó, Cảng Hateco Hải Phòng được trang bị các công nghệ hiện đại trong hệ thống vận hành cảng như Cẩu STS với tầm với lên đến 24 hàng container, Hệ thống cẩu e-RTG, Hệ thống điều hành khai thác cảng NAVIS N4, Công nghệ Nhận dạng Ký tự Quang học (OCR), mạng 5G và camera giám sát 24/7, Hệ thống cổng tự động toàn diện tích hợp công nghệ OCR và RFID giúp tối ưu năng suất và đảm bảo tính chính xác trong quá trình khai thác.
Cụm cảng Hải Phòng trở thành "chảo lửa" cạnh tranh của các doanh nghiệp hàng đầu (Ảnh: VCBS) |
Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), nhờ vị trí chiến lược ở phía Bắc, khu vực Hải Phòng trở thành "chảo lửa" thu hút những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực cảng biển Việt Nam cạnh tranh liên tục như Tân Cảng, VIMC, Gemadept, Hateco, Viconship, PHP...
VCBS cho rằng cụm cảng Hải Phòng sẽ chịu áp lực cạnh tranh lớn giai đoạn 2025-2026 khi nguồn cung tăng mạnh 34% so với công suất hiện tại, gồm Lạch Huyện 3-4 của PHP (1,1 triệu TEU), Lạch Huyện 5-6 của Hateco (1 triệu TEU giai đoạn 1), đến 2026 có Nam Đình Vũ 3 của Gemadept (650.000 TEU).
Các cảng nằm phía hạ nguồn sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn và nhất là các cảng không có hợp tác với các hãng tàu.
Các dự án lớn tại Lạch Huyện (Nguồn: VCBS) |
Dù vậy, xét về dài hạn, ngành cảng Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tăng khung phí dịch vụ bốc xếp từ TT39/2023 và việc gia tăng công suất, xây mới cũng như mở rộng năng lực tại các khu vực chính.
Ngành cảng biển Việt Nam: Những 'siêu cảng' kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu và tầm nhìn vươn xa
VIMC (MVN) tăng tốc dự án 7.000 tỷ đồng, làm xuyên Tết để kịp khai thác ngay trong quý I/2025