Xã hội

Cao tốc hàng chục nghìn tỷ đồng kết nối hai tỉnh nghèo top đầu Việt Nam sẽ là tuyến đường hiện đại, nhiều cung đường đẹp, tối thiếu 4 làn xe ô tô

Đại Dương 10/09/2024 09:09

Đây là tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, 4 làn xe với vận tốc từ 80 đến 100km/h, hạn chế tối đa việc đi qua các khu dân cư.

Mới đây, thực hiện lộ trình đầu tư tuyến cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng, UBND tỉnh Bắc Kạn đã lắng nghe báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án do đơn vị tư vấn thiết kế trình bày. Theo những phác thảo ban đầu, tuyến đường này được thiết kế với quy mô hiện đại, nổi bật với cung đường đẹp, uốn lượn qua nhiều vùng núi cao.

Dự án được triển khai nhằm tăng cường khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc với trung tâm Hà Nội và cửa khẩu Trung Quốc. Việc xây dựng tuyến cao tốc này không chỉ góp phần cải thiện hạ tầng giao thông mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại và du lịch trong khu vực, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương quốc tế.

Phương án tuyến cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng. Ảnh: Internet

Phương án tuyến cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng. Ảnh: Internet

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2020, tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng (CT.07) có tổng chiều dài khoảng 227km.

Hiện tại, đoạn Hà Nội - Chợ Mới (Bắc Kạn) đã được đưa vào khai thác. Đoạn Chợ Mới - Bắc Kạn đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1676/QĐ-BGTVT ngày 14/9/2021. Trong khi đó, đoạn Bắc Kạn - Cao Bằng, dài 90km, đã được bổ sung vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050, nhằm tiếp tục hoàn thiện kết nối giao thông khu vực.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo quy hoạch đường cao tốc phải có tầm nhìn dài hạn, toàn diện, đáp ứng tiêu chuẩn hoàn thiện tối thiểu 4 làn xe ô tô, có làn dừng khẩn cấp và vận tốc thiết kế từ 80-100km/h.

Đặc biệt, tuyến đường cần được quy hoạch thẳng nhất có thể, hạn chế tối đa việc đi qua khu dân cư, khu vực quân sự. Khi qua sông, cần xây cầu, qua núi hay đồi thì xây hầm, còn qua đồng bằng thì đắp đất, đổ cát. Thủ tướng nhấn mạnh rằng cần có kế hoạch đầu tư đúng tiêu chuẩn cao tốc, tránh việc đầu tư quy mô hạn chế số làn xe, gây lãng phí nguồn lực và thời gian khi cần nâng cấp, mở rộng trong tương lai.

Tại Thông báo số 29/TB-VPCP ngày 15/02/2023 và Thông báo số 333/TB-VPCP ngày 18/08/2023, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND các tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan để nghiên cứu và thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư Dự án cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng theo quy định pháp luật.

Dự án thực hiện cần đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng hay tiêu cực. Hiện nay, UBND tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng đang tích cực triển khai các bước nghiên cứu tiền khả thi, hình thành những ý tưởng ban đầu cho tuyến cao tốc trọng điểm này.

Bên cạnh đó, đơn vị tư vấn thiết kế cũng đã phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để làm việc với UBND các huyện Bạch Thông, Ba Bể, thành phố Bắc Kạn và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Các buổi làm việc này nhằm xin ý kiến và đạt được sự thống nhất về phương án tuyến cho dự án cao tốc, đảm bảo phù hợp với quy hoạch địa phương và các yêu cầu về an ninh quốc phòng.

Gần 30km trong tuyến cao tốc Cao Bằng - Bắc Kạn sẽ đi qua địa phần tỉnh Cao Bằng. Ảnh minh họa: Báo Chính phủ.

Gần 30km trong tuyến cao tốc Cao Bằng - Bắc Kạn sẽ đi qua địa phần tỉnh Cao Bằng. Ảnh minh họa: Báo Chính phủ.

Phương án thiết kế đường cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng tuân thủ theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc TCVN 5729:2012, với vận tốc thiết kế từ 80-100km/h. Điểm đầu của dự án tại thành phố Bắc Kạn và điểm cuối tại thành phố Cao Bằng.

Đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Kạn (60km) do tỉnh Bắc Kạn tổ chức thực hiện; đoạn qua địa phận tỉnh Cao Bằng (29,2km, qua 3 huyện: Hòa An, Thạch An và Thành phố) do tỉnh Cao Bằng tổ chức thực hiện. Dự án có quy mô 4 làn xe, cấp 80km/h đối với đoạn hiểm trở đèo dốc và 100km/h với những đoạn có địa hình thuận lợi.

Ba phương án tuyến đã được đưa ra để lựa chọn phương án phù hợp nhất. Trong đó, một phương án bao gồm việc bố trí nhánh tách và nhập làn để kết nối với Quốc lộ 3B và tuyến Bắc Kạn - hồ Ba Bể. Phương án này sẽ tận dụng nhánh bên trái của tuyến, vốn là phần nền đường của cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn đã được đầu tư xây dựng trong một dự án riêng, đồng thời, xây dựng thêm một nhánh kết nối phía phải tuyến để kết nối với Quốc lộ 3B và tuyến Bắc Kạn - hồ Ba Bể.

Cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng được thiết kế hạn chế tối đa việc đi qua các khu dân cư. Ảnh: Internet

Cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng được thiết kế hạn chế tối đa việc đi qua các khu dân cư. Ảnh: Internet

Tổng diện tích GPMB cho toàn bộ dự án khoảng 459ha, bao gồm: quy hoạch đất ở khoảng 5,4ha, đất quy hoạch trồng lúa khoảng 62ha, đất quy hoạch rừng sản xuất khoảng 369ha và đất sản xuất, kinh doanh khoảng 22ha. Tổng mức đầu tư dự kiến trên 18.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Kế hoạch thực hiện dự án được chia thành các giai đoạn: năm 2024-2025 sẽ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư; từ năm 2025-2027 sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng và tái định cư; từ năm 2025-2029 sẽ thi công xây dựng.

Dự án cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng được đầu tư với mục tiêu phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Dự án sẽ tăng cường xuất nhập khẩu cho các tỉnh có tuyến đường đi qua và khu vực miền núi phía Bắc, đồng thời bảo vệ vùng chiến lược trọng yếu về quốc phòng và an ninh, phát huy hiệu quả liên kết vùng, từ đó, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân.

Bắc Kạn là tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Bộ của nước ta. Với GDP năm 2022 chỉ đạt 0,65 tỷ USD và GRDP bình quân đầu người là 1.989 USD, Bắc Kạn là tỉnh nghèo nhất Việt Nam. Nhiều năm liền, tỉnh nằm ở cuối bảng thu ngân sách các địa phương trong cả nước, với tổng thu khiêm tốn vài trăm tỷ đồng.

Trong khi đó, Cao Bằng vẫn là tỉnh nghèo, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2023, toàn tỉnh còn 37.409 hộ nghèo, chiếm 28,94% và 19.084 hộ cận nghèo, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh; đặc biệt còn trên 11.000 hộ gia đình chính sách và hộ nghèo hiện đang sinh sống trong nhà tạm, nhà dột nát và nhiều trường học bán trú chưa được xây dựng,...

>> Cầu cao tốc hơn 1.000 tỷ đồng dài nhất vượt sông Gianh, là cửa ngõ kết nối đến những 'thiên đường' của 'vương quốc hang động'

Trường đại học Việt Nam 'bắt tay' nước ngoài để phát triển công nghệ đường sắt tốc độ cao, góp sức vào mục tiêu hoàn thành toàn tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam năm 2045

Cao tốc gần 14.000 tỷ đắt nhất Việt Nam chỉ dài chưa đến 25km, có 'siêu' cầu dây văng với dây cáp nặng 800 tấn

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/cao-toc-hang-chuc-nghin-ty-dong-ket-noi-hai-tinh-ngheo-top-dau-viet-nam-se-la-tuyen-duong-hien-dai-nhieu-cung-duong-dep-toi-thieu-4-lan-xe-o-to-d132617.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cao tốc hàng chục nghìn tỷ đồng kết nối hai tỉnh nghèo top đầu Việt Nam sẽ là tuyến đường hiện đại, nhiều cung đường đẹp, tối thiếu 4 làn xe ô tô
    POWERED BY ONECMS & INTECH