Cầu dàn thép Bailey sẽ xuất hiện trên dòng sông hơn 2.000 năm tuổi ở Hà Nội
Các cầu dàn Bailey sẽ được chế tạo sẵn, sẵn sàng triển khai lắp đặt tại các vị trí như sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ… nhằm kết nối giao thông hai bên bờ sông.
Theo Báo Tiền Phong, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án chế tạo ba cầu dàn thép Bailey, nhằm dự phòng xử lý sự cố về cầu, tổ chức giao thông và góp phần giảm ùn tắc trên địa bàn thành phố.
Theo đó, các cầu dàn Bailey sẽ được chế tạo sẵn, sẵn sàng triển khai lắp đặt tại các vị trí như sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ… nhằm kết nối giao thông hai bên bờ sông.

Dự án còn đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó nhanh với các sự cố cầu do thiên tai, xuống cấp hoặc khi phát sinh nhu cầu điều chỉnh tổ chức giao thông. Mục tiêu là bảo đảm an toàn, giảm thiểu ùn tắc và duy trì sự lưu thông thông suốt trên địa bàn thành phố.
>> Thủ phủ công nghiệp miền Bắc lên kế hoạch đấu thầu chọn nhà đầu tư cho 35.000 căn nhà ở xã hội
UBND TP. Hà Nội giao Sở Xây dựng làm chủ đầu tư dự án với tổng mức kinh phí dự kiến gần 15 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2025-2026.
Chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và UBND thành phố về tính chính xác, hợp pháp của các thông tin, số liệu trong hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình thẩm định, phê duyệt.
Liên quan đến định hướng phát triển sông Tô Lịch, trước đó, tại cuộc họp về phương án thiết kế cải tạo sông này, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn đã có chỉ đạo, trong đó cơ bản tán thành đề xuất của CTCP Tập đoàn Mặt trời (Sun Group).
Phương án thiết kế được đánh giá là phù hợp với định hướng và tiêu chí phát triển của thành phố, đồng thời gắn kết với các chương trình, kế hoạch đang được triển khai, với mục tiêu biến sông Tô Lịch thành không gian xanh, điểm nhấn sinh thái và cảnh quan phục vụ cộng đồng.
Để đảm bảo sự đồng bộ, UBND TP. Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Viện Quy hoạch Xây dựng phối hợp chặt chẽ với Sun Group trong việc hoàn thiện phương án thiết kế, bảo đảm thống nhất với các chương trình và kế hoạch đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, thành phố cũng yêu cầu đơn vị tư vấn làm rõ giải pháp công nghệ xử lý lớp đáy, làm sạch lòng sông; đồng thời nghiên cứu khả năng tận dụng sông Tô Lịch làm nơi trữ nước khi xảy ra ngập lụt cho toàn bộ lưu vực, tích hợp trong Quy hoạch thoát nước Thủ đô.
Việc đánh giá sự tương tác giữa hệ thống hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến, bao gồm cả các cầu dàn Bailey, với phương án cải tạo tổng thể cũng là một yêu cầu quan trọng được thành phố đặt ra.
Được biết, cầu Bailey là loại cầu thép di động, đã được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực nhờ những ưu điểm nổi bật như khả năng chịu tải tốt, cấu kiện nhẹ, dễ dàng lắp đặt và tháo dỡ, chi phí thi công thấp. Hiện nay, một số cầu Bailey đã được lắp đặt dọc theo sông Kim Ngưu, kết nối giữa phố Kim Ngưu và khu vực Mai Động, góp phần cải thiện kết nối giao thông tại khu vực này.
Sông Tô Lịch - một nhánh của sông Cái (nay là sông Hồng) từng có dòng chảy kết nối trực tiếp với Hồ Tây. Tuy nhiên, vào thời Nguyễn, sự thay đổi dòng chảy của sông Hồng đã khiến sông Tô bị cắt nguồn nước, dẫn đến tình trạng bồi lấp cửa sông.
Đến năm 1889, người Pháp quyết định lấp một phần sông Tô để xây dựng khu vực 36 phố phường nổi tiếng. Sau khi hai cửa sông bị chặn hoàn toàn, sông Tô mất đi sự liên kết với sông Hồng và Hồ Tây, dẫn đến tình trạng dòng chảy bị tắc nghẽn. Kể từ đó, con sông này dần trở thành nơi chứa lượng lớn nước thải đô thị, trong khi không có biện pháp khơi thông dòng chảy hiệu quả.
Qua hơn 2.000 năm lịch sử, từ một con sông rộng lớn mang giá trị tự nhiên và văn hóa, sông Tô Lịch nay biến thành một cống nước thải đen ngòm. Sự suy thoái này không chỉ làm Thủ đô mất đi một di sản quý giá mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân trong suốt nhiều thập kỷ.
>> Sau 8 quý tăng giá liên tiếp, chung cư Hà Nội đã bớt ‘nóng bỏng tay’