Điểm đến

Cây cầu 1.700 tỷ đồng, trang bị hơn 600 đèn LED bắc qua 'vịnh Sydney' của Việt Nam, được đánh giá là công trình có những đột phá trong ngành xây dựng cầu

Quỳnh Như 02/01/2024 00:15

Cầu có 6 làn xe cơ giới, kết cấu 1 vòm thép, hai bên cầu có vỉa hè cho người đi bộ, có sàn vọng cảnh và bồn hoa tạo cảnh quan du lịch.

Ngày 1/1, ngày đầu tiên của năm mới 2024, tỉnh Quảng Ninh long trọng tổ chức khánh thành cầu Bình Minh (cầu Cửa Lục 3), cây cầu thứ 2 nối hai khu vực Hạ Long - Hoành Bồ sau 4 năm sáp nhập.

Để đảm bảo việc kết nối liên thông, tổng thể, tăng cường liên kết vùng giữa các khu vực TP Hạ Long; bám sát quy hoạch tầm nhìn đến năm 2040 lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, theo hướng đa cực, hài hòa với di sản thiên nhiên thế giới và các vùng núi phía Bắc thành phố, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư xây dựng cầu Bình Minh.

Lễ cắt băng khánh thành cầu Bình Minh. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Lễ cắt băng khánh thành cầu Bình Minh. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Cầu có tổng chiều dài hơn 1,6km, trong đó cầu chính dài 170m; cầu dẫn phía phường Hà Khánh (TP Hạ Long) dài hơn 208m; cầu dẫn phía xã Thống Nhất (TP Hạ Long) dài hơn 1,26km; bề rộng mặt cầu 29,6m-34,1m.

Công trình được đánh giá có những đột phá trong ngành xây dựng cầu Việt Nam. Là cầu đầu tiên của tỉnh với 6 làn xe cơ giới, kết cấu 1 vòm thép, hai bên cầu có vỉa hè cho người đi bộ, có sàn vọng cảnh và bồn hoa tạo cảnh quan du lịch.

Trong đó, vòm cầu chính dạng hình parapol, kết hợp với nhịp cầu có chiều cao không đổi bắc ngang qua vịnh Cửa Lục. Hình ảnh cây cầu giống như hình ảnh mặt trời đang nhô lên khi bình minh, thể hiện hình ảnh "bình minh trên vịnh Hạ Long". Công trình có tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, triển khai từ cuối năm 2020.

>> Khánh thành cầu Bình Minh hơn 1.700 tỷ đồng tại Quảng Ninh

Vòm cầu chính dạng hình parapol. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Vòm cầu chính dạng hình parapol. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Để tránh ảnh hưởng, tác động đến hệ sinh thái rừng ngập mặn khu vực, Quảng Ninh đã quyết định điều chỉnh thiết kế hướng tuyến bám theo hệ thống lạch sông. Bằng cách thay phần đường dẫn bằng cầu dẫn và dịch sang hướng khác bám theo lạch sông đã hạn chế tác động đến khoảng 70% diện tích rừng ngập mặn bị ảnh hưởng so với thiết kế ban đầu là làm đường dẫn. Điều này giúp cơ bản giữ nguyên được hệ sinh thái rừng ngập mặn khu vực.

Cầu được thiết kế với hơn 600 bóng đèn LED, vào buổi tối tỏa bóng lung linh xuống mặt vịnh Cửa Lục. Ảnh: Báo Thanh Niên

Cầu được thiết kế với hơn 600 bóng đèn LED, vào buổi tối tỏa bóng lung linh xuống mặt vịnh Cửa Lục. Ảnh: Báo Thanh Niên

Sau 3 năm thi công, cầu hoàn thành, đáp ứng sự mong mỏi của đông đảo nhân dân, góp phần phát triển và mở rộng không gian đô thị nhằm thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, các dự án phát triển đô thị trên địa bàn TP Hạ Long, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, nhất là khu vực Hoành Bồ (cũ) sau khi sáp nhập vào TP Hạ Long. Đồng thời, giảm tải lưu lượng thông qua cầu Bãi Cháy và quốc lộ 18 đoạn khu vực nội thị thành phố, đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân được thuận lợi, an toàn trong mùa mưa bão. Công trình còn là điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan, là điểm tham quan cho du khách.

​Để hoàn thành cầu Bình Minh đáp ứng tiến độ, các nhà thầu đã phải huy động tối đa các loại máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại, huy động hệ thống máy móc thiết bị thi công cọc khoan nhồi có kích thước lớn, vòm thép nhồi bê tông có khối lượng lớn. Công trình đã phải huy động đội ngũ kỹ sư hàng đầu có kinh nghiệm và được đào tạo chuyên sâu cùng đội ngũ công nhân lành nghề để vừa đảm bảo chất lượng thi công, vừa đảm bảo an toàn lao động và thẩm mỹ.

Hệ sinh thái rừng ngập mặn xung quanh cầu Bình Minh. Ảnh: Báo Thanh Niên

Hệ sinh thái rừng ngập mặn xung quanh cầu Bình Minh. Ảnh: Báo Thanh Niên

Cây cầu được lấy ý kiến nhân dân đặt tên là cầu Bình Minh, thể hiện cho sự kết nối, gắn bó giữa 2 bờ vịnh Cửa Lục, cùng hướng tới phát triển xây dựng TP Hạ Long trở thành trung tâm du lịch quốc gia, vươn tầm quốc tế.

Trước đó vào tháng 8/2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án phục hồi và phát triển bền vững ngành du lịch Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, Quảng Ninh sẽ quy hoạch và khuyến khích thu hút đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất du lịch, dịch vụ đồng bộ và hiện đại. Tiêu chí của quy hoạch phải hài hòa với thiên nhiên và cảnh quan quanh vịnh Cửa Lục và vịnh Hạ Long, xây dựng vịnh Cửa Lục thực sự trở thành "vịnh Sydney bên bờ vịnh Hạ Long".

Vịnh Cửa Lục, rộng 18km2, chỗ sâu nhất 17m, là nơi hội tụ của 6 cửa sông từ huyện Hoành Bồ cũ đổ ra. Vịnh Cửa Lục nằm giáp với vịnh Hạ Long, cửa thông ra vịnh Hạ Long rộng khoảng 1km.

Theo quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040 được Thủ tướng phê duyệt, thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh sẽ phát triển theo mô hình gồm 5 vùng, trong đó lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối.

Vùng vịnh Cửa Lục và khu vực phía Bắc vịnh Cửa Lục là vùng đô thị mới. Khu vực này sẽ phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, văn hóa, vui chơi giải trí, công nghiệp công nghệ cao… Xung quanh vịnh Cửa Lục sẽ bố trí những bến du thuyền đẳng cấp thế giới.

>> Cầu dây văng một mặt phẳng đầu tiên của Việt Nam từng đạt kỷ lục thế giới, dài hơn 2.000m, chi phí nghìn tỷ

Nước gần Việt Nam xây cầu vòm nhịp đôi lớn nhất thế giới, bắc qua 2 thung lũng với địa hình hẻm núi hiểm trở

Cây cầu 'không phải để đi mà để hôn nhau' của Việt Nam được báo Mỹ ca ngợi

Khúc sông chỉ dài 8km nhưng có tới 6 cây cầu, tọa lạc ở 'đô thị đáng sống bậc nhất thế giới' tại Việt Nam

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/cay-cau-1700-ty-dong-trang-bi-hon-600-den-led-bac-qua-vinh-sydney-cua-viet-nam-duoc-danh-gia-la-cong-trinh-co-nhung-dot-pha-trong-nganh-xay-dung-cau-d113941.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Cây cầu 1.700 tỷ đồng, trang bị hơn 600 đèn LED bắc qua 'vịnh Sydney' của Việt Nam, được đánh giá là công trình có những đột phá trong ngành xây dựng cầu
POWERED BY ONECMS & INTECH