Du ngoạn

Cây cầu dây văng đẹp lung linh trong dự án 9.200 tỷ đồng, tọa lạc ở đô thị giàu có bậc nhất miền Tây Việt Nam

Vĩ Hạ 23/07/2024 19:04

Cây cầu này cũng sở hữu kiến trúc độc đáo và hoành tráng, tạo điểm nhấn cho kiến trúc mới của thành phố.

Cuối tháng 4 vừa qua, cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ nối hai quận Ninh Kiều và Cái Răng (TP. Cần Thơ) đã chính thức được đưa vào sử dụng, phục vụ cho việc đi lại của người dân. Công trình này là một phần trong Dự án phát triển TP. Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của đô thị (Dự án 3).

Cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ. Ảnh: Thanh Duy/Báo Thanh Niên

Cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ. Ảnh: Thanh Duy/Báo Thanh Niên

Cầu Trần Hoàng Na có tổng mức đầu tư 791 tỷ đồng. Cây cầu được khởi công xây dựng vào tháng 9/2020 với cam kết hoàn thành trong thời gian 34 tháng (18/7/2023). Tuy nhiên, do một số nguyên nhân, tiến độ thi công bị chậm so với dự kiến và đến ngày 30/12/2023, cầu mới chính thức thông xe kỹ thuật.

Cầu có chiều dài toàn tuyến 820m, trong đó phần cầu chính dài gần 600m bắc qua sông Cần Thơ. Bề mặt rộng nhất tại khu vực vọng cảnh lên đến 34,6m, nhịp chính có bề rộng 23m, nhịp biên rộng 29,3m, độ cao thông thuyền là 7m, tĩnh không hai bên bờ là 4,75m. Đây là công trình giao thông cấp 1, quy mô 4 làn xe, rộng 23m, với vận tốc thiết kế 60km/h.

Cây cầu được thiết kế dạng cầu vòm gồm 3 nhịp kết cấu thép hiện đại. Ảnh: Tạ Quang/Báo Lao Động

Cây cầu được thiết kế dạng cầu vòm gồm 3 nhịp kết cấu thép hiện đại. Ảnh: Tạ Quang/Báo Lao Động

Cây Trần Hoàng Na sở hữu thiết kế độc đáo với 4 chân vòm thép được trang trí bởi 32 bộ đèn led, mỗi bộ gồm 2 đèn, tổng cộng 144 bóng đèn lung linh. Hệ thống đèn chiếu sáng còn bao gồm đèn chiếu sáng hệ thống dây văng, dầm dọc chính hai bên cầu và các mố trụ dưới mặt cầu, góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp cho công trình vào ban đêm.

Cầu có kết cấu vững chãi với 38 bó cáp (loại 73 và 91 sợi) được căng từ hai bên vòm thép chính xuống thành cầu, vừa đảm bảo khả năng chịu lực, vừa mang lại giá trị thẩm mỹ cao. Dưới chân mỗi bó cáp được lắp đặt một bộ đèn tự động chuyển đổi màu, chiếu lên dây cáp và vòm thép, tạo nên hiệu ứng ánh sáng lung linh, tăng tính thẩm mỹ cho toàn bộ công trình.

Được biết, cầu Trần Hoàng Na là cầu đầu tiên của thành phố lấy ý kiến về phương án kiến trúc vừa đảm bảo chức năng giao thông thủy bộ, vừa mang kiến trúc cảnh quan đặc trưng địa phương.

Vẻ đẹp lung linh của cây cầu khi về đêm. Ảnh: Báo Lao Động

Vẻ đẹp lung linh của cây cầu khi về đêm. Ảnh: Báo Lao Động

Cầu Trần Hoàng Na cùng các dự án đê bao phía Đông Nam thành phố, nâng cấp cầu Ninh Kiều giúp tăng cường khả năng thoát nước khu trung tâm và kết nối trung tâm với khu vực ít ngập hơn ở xung quanh, góp phần bảo vệ gần 1 triệu người dân khỏi ngập trong ngày triều cường.

Công trình có ý nghĩa trong việc kết nối các tuyến đường trung tâm của quận Ninh Kiều với các khu đô thị phía Nam và tuyến Quốc lộ 1 thuộc quận Cái Răng. Đây là một trong những mong mỏi của những người dân sinh sống trong vùng bị ảnh hưởng của dự án nói riêng và của TP. Cần Thơ nói chung.

Bên cạnh đó, với kiến trúc độc đáo và hoành tráng, cầu Trần Hoàng Na không chỉ là một công trình giao thông quan trọng mà còn trở thành điểm nhấn kiến trúc mới cho TP. Cần Thơ. Cây cầu hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch, thương mại, dịch vụ của thành phố trong tương lai.

Cầu Trần Hoàng Na thuộc dự án phát triển TP. Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (Dự án 3). Dự án này được khởi động từ năm 2016, với tổng mức đầu tư gần 9.200 tỷ đồng. Trong đó, gần 5.700 tỷ là vốn vay của ngân hàng Thế giới và 3.400 vốn đối ứng.

Mục tiêu của dự án là giảm rủi ro ngập lụt trong khu vực đô thị trung tâm và tăng cường kết nối giữa trung tâm thành phố với các khu vực phát triển đô thị mới có rủi ro thấp hơn cũng như tăng cường năng lực của chính quyền thành phố trong việc quản lý rủi ro thiên tai của TP. Cần Thơ.

TP. Cần Thơ nằm ở trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long, thuộc vùng hạ lưu sông Mê Kông.

Đây là thành phố sầm uất và phát triển nhất ở miền Tây, có vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và thương mại của cả vùng. Cần Thơ hiện là đô thị loại I, là thành phố trung tâm cấp vùng và cấp quốc gia.

Thành phố này là thủ phủ và là đô thị hạt nhân của miền Tây Nam Bộ từ thời Pháp thuộc, nay tiếp tục là trung tâm kinh tế của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Ngoài đặc trưng về địa lý là đầu mối giao thông quan trọng giữa các tỉnh trong khu vực, TP. Cần Thơ còn được biết đến như một đô thị miền sông nước.

>> Cầu dây văng gần 7.300 tỷ đồng, riêng dây cáp nặng 800 tấn nằm trên tuyến cao tốc đắt giá nhất Việt Nam

Cây cầu dây văng nghìn tỷ đầu tiên ở Nam Định sắp hợp long

Siêu cầu dây văng 24km dài nhất Đông Nam Á: Huy động hơn 1.000 người làm việc suốt 5 năm, ngốn 1,5 triệu m3 bê tông và 100.000 tấn thép

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/cay-cau-day-vang-dep-lung-linh-trong-du-an-9200-ty-dong-toa-lac-o-do-thi-giau-co-bac-nhat-mien-tay-d128333.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Cây cầu dây văng đẹp lung linh trong dự án 9.200 tỷ đồng, tọa lạc ở đô thị giàu có bậc nhất miền Tây Việt Nam
POWERED BY ONECMS & INTECH