Cây cầu dây văng hơn 2.000 tỷ đầu tiên và dài nhất Quảng Ngãi: Lận đận tìm 'danh phận', biến vùng tối tăm của ngư dân thành nơi lung linh và phát triển
Cây cầu bắc qua đoạn cuối của dòng sông lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi từng phải "thay tên đổi họ", sau khi đi vào hoạt động gần nửa thập kỷ đã biến vùng biển tối tăm của ngư dân thành "kinh đô" ánh sáng lung linh với nhiều tiềm năng phát triển.
Cây cầu Cổ Lũy nằm ở Cửa Đại, nơi sông Trà Khúc (tỉnh Quảng Ngãi) đổ ra biển. Trước kia, cây cầu có tên là Cửa Đại, thuộc quy hoạch của tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010. Tuy nhiên, do cái tên Cửa Đại trùng với tên cầu ở tỉnh Quảng Nam nên mới đây, cầu Cửa Đại được đổi tên thành cầu Cổ Lũy.
Cầu Cổ Lũy được khởi công xây dựng từ năm 2017 và hoàn thành vào cuối năm 2020.

Với chiều dài 1.800m, trong đó tổng tuyến đường dẫn có chiều dài 3.700m, đây là cây cầu dây văng đầu tiên và dài nhất của tỉnh Quảng Ngãi.
Điểm đầu của cầu Cổ Lũy giao với đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh (đoạn thuộc xã Tịnh Khê ở phía Bắc), điểm cuối kết nối với xã Nghĩa Phú ở phía Nam TP. Quảng Ngãi.
> > Từ bây giờ, người dân bị thu hồi đất nông nghiệp có thể được bồi thường bằng nhà ở, đất ở

Cây cầu có 37 nhịp, trong đó phần chính có 6 nhịp ở giữa, các nhịp còn lại đều dẫn về hai bên bờ sông. 5 trụ tháp ở giữa cầu được căng dây văng phỏng theo hình ngọn đuốc.
Trên mỗi trụ tháp gồm 9 cặp bó cáp, các bó dây đều được thiết kế dài liên tục để liên kết các khối dầm đối xứng qua thân trụ.

Cây cầu có 2 làn với chiều rộng 20m, hệ thống chiếu sáng mỹ thuật sử dụng đèn LED được bố trí trên làn dải phân cách ở giữa cầu.
Phần hệ thống chiếu sáng trang trí sử dụng cột đèn cao 3,38m với 4 chùm quả cầu D500 với bóng LED.
Trong khi đó, hệ thống chiếu sáng 2 đảo (nút giao thông) sử dụng cột đèn pha cao 25m với 8 đèn LED, dọc hai bên cầu là hành lang cho người đi bộ với các bục bầu dục để người dân dừng chân nghỉ mát, ngắm đèn chiếu sáng.

Một trong những điểm đặc biệt của cây cầu này đó là cứ từ 18-20h mỗi ngày, cây cầu sẽ có 5 kịch bản chiếu sáng. Ngày thường mỗi ngày chiếu một màu, lễ hội thêm hiệu ứng đèn. Kịch bản hòa âm lấy một đoạn nhạc trong bài hát Quảng Ngãi đất mẹ ngoan cường để thiết kế ánh sáng.
Cây cầu Cổ Lũy là cây cầu đường bộ thứ 5 trên sông Trà Khúc, bắc qua Cửa Đại, nơi có nhiều ngư dân đánh bắt ở vùng nước lợ, nơi giao thoa giữa sông và biển. Cây cầu đóng vai trò nối liền đôi bờ cho người dân đi lại dễ dàng hơn, đồng thời sau khi hoàn thành, cầu Cổ Lũy đã biến một vùng tối tăm xưa kia chỉ có đèn leo lét của ngư dân trở thành một vùng sáng rực với nhiều tiềm năng phát triển.

Trước kia, tỉnh Quảng Ngãi từng có ý tưởng về việc xây dựng TP hai bên sông Trà Khúc thông qua việc kết nối bằng những cây cầu.
Chính phủ cũng đã đồng ý cho tỉnh Quảng Ngãi mở rộng phố lên gấp 4 thông qua việc sáp nhập các xã ở bờ Bắc sông Trà Khúc vào TP. Theo quy hoạch, thành phố sẽ phát triển theo trục Đông Tây với hai phía là trục Quốc lộ 1 (phía Tây) và tuyến đường Dung Quất - Sa Huỳnh (phía Đông) để đô thị hướng về phía biển.
Sông Trà Khúc là con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Ngãi, phát nguyên từ cao nguyên Đak Tơ rôn (Kon Tum) hợp lưu từ 4 con sông nhỏ (sông Tang, sông Xà Lò, sông H're, sông R'hin), nằm trên địa bàn khắp 5 huyện miền núi phía tây Quảng Ngãi, chảy qua các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và TP. Đây cũng là con sông có số cầu kiên cố nhiều nhất Việt Nam.