Rất nhiều thông tin trùng hợp thú vị về những khách hàng của CEO Group khiến các nhà đầu tư phải thêm chú ý đến sự tăng trưởng đột biến về doanh thu và lợi nhuận của công ty.
CTCP Tập đoàn C.E.O (CEO Group - mã chứng khoán CEO) công bố báo cáo tài chính năm 2022 với doanh thu và lợi nhuận tăng đột biến so với năm 2021. Cùng với đó là sự xuất hiện của một “nhân tố bí ẩn”, người nhận hàng trăm tỷ CỔ TỨC từ các công ty con của CEO Group, ngoài ra còn có những "khách hàng" đầy ẩn số, khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm.
CEO Group báo doanh thu, lợi nhuận năm 2022 tăng đột biến
Báo cáo tài chính năm 2022 của CEO Group ghi nhận doanh thu cả năm đạt 2.549 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với doanh thu hơn 900 tỷ đồng đạt được năm 2021. Lợi nhuận sau thuế gấp 3,8 lần cùng kỳ, lên mức 311 tỷ đồng.
Xét về doanh thu, đây là mức doanh thu lớn thứ 2 chỉ sau năm 2019 đột biến. Lợi nhuận đạt mức tăng trưởng mạnh so với năm ghi lỗ 2020 và lãi dưới trăm tỷ năm 2021. Trong cơ cấu doanh thu năm 2022 của CEO Group, doanh thu kinh doanh bất động sản hơn gấp 3 cùng kỳ năm 2021, đạt 2.120 tỷ đồng. Doanh thu cung cấp dịch vụ cũng tăng mạnh 78% lên 429 tỷ đồng.
Trừ chi phí vốn, lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của CEO Group năm 2022 đạt 912 tỷ đồng, gấp 7,7 lần năm 2021.
Ngoài doanh thu tăng đột biến chủ yếu tăng từ kinh doanh bất động sản, và lợi nhuận gộp tăng mạnh do chi phí vốn giảm, thì một số yếu tố khác cũng có biến động trên bảng kết quả hoạt động kinh doanh của công ty. Ví dụ:
Doanh thu tài chính chỉ bằng 16% cùng kỳ, đạt gần 52 tỷ đồng; còn năm 2021 doanh thu tài chính đạt gần 330 tỷ đồng. Nguyên nhân chính bởi năm 2021 CEO Group ghi nhận khoản thu tài chính gần 300 tỷ đồng tiền lãi từ thoái vốn đầu tư vào công ty con, trong khi năm 2022 chưa đến 15 tỷ đồng.
Ngoài ra, chi phí bán hàng tăng mạnh gấp 9 lần cùng kỳ chủ yếu phát sinh từ chi phí dịch vụ mua ngoài và chi phí bằng tiền khác.
Những yếu tố trên cấu thành, khiến CEO Group dù lãi gộp gấp 9 lần cùng kỳ, nhưng lợi nhuận trước thuế còn 474 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 311 tỷ đồng, gấp 3,8 lần so với số lãi hơn 82 tỷ đồng đạt được năm 2021. Số lãi này giúp CEO hoàn thành và vượt chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm.
CEO Group: Tài sản giảm theo năm tháng
Một trong những điểm gây chú ý là tổng tài sản của CEO Group đang giảm theo năm tháng. Chu kỳ tăng tài sản của CEO Group “dừng” lại ở năm 2018. Trước đó, tài sản của CEO Group đi lên, từ mức dưới 1.400 tỷ đồng năm 2014, đã nhanh chóng vượt 5.600 tỷ đồng năm 2017, đạt mức “đỉnh” năm 2018 ở mức trên 8.400 tỷ đồng.
Từ 2018 đến nay tổng tài sản công ty giảm dần và duy trì quanh mức 7.000 tỷ đồng các năm 2021 và 2022 vừa qua. Tổng tài sản giảm, nợ phải trả cũng giảm nhẹ. Tại thời điểm 31/12/2022 tổng tài sản CEO Group đạt 7.060 tỷ đồng còn nợ phải trả còn 3.341 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ phải trả chiếm trên 47% tổng tài sản. Tài sản ngắn hạn đạt 3.661 tỷ đồng, tương ứng nợ phải trả chiếm trên 91% tổng tài sản ngắn hạn của công ty.
Trong cơ cấu nợ của CEO Group, dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 747 tỷ đồng và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 417 tỷ đồng (giảm gần 500 tỷ đồng so với đầu năm). Tổng nợ vay tài chính ngắn và dài hạn 1.164 tỷ đồng.
Các khoản vay của CEO Group, ngoài dùng tài sản cố định, một số khoản tiền gửi làm tài sản thế chấp, còn ghi nhận công ty đã thế chấp bất động sản đầu tư. Tổng giá trị bất động sản đầu tư còn lại đến 31/12/2022 là gần 631 tỷ đồng. Hai bất động sản đầu tư được nhắc đến đã mang đi thế chấp là:
- Tòa tháp CEO với giá trị còn lại 128 tỷ đồng để đảm bảo cho khoản vay ngân hàng BIDV.
- Dự án Sonasea Condotel & Villas Phú Quốc với giá trị còn lại tại ngày 31/12/2022 là hơn 416 tỷ đồng, đảm bảo cho khoản vay tại Ngân hàng Công thương Việt Nam Vietinbank.
CEO Group: Giá trị hàng tồn kho gia tăng
Báo cáo cũng ghi nhận giá trị hàng tồn kho của CEO Group đến 31/12/2022 đạt 1.467 tỷ đồng, tăng 860 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó chủ yếu do tăng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang. Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của CEO Group nằm ở dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City; dự án Quốc Oai, Dự án River Silk City và dự án Khu biệt thự cao cấp Sonasea Residebce Phú Quốc…
Trong đó chi phí xây dựng dở dạng tại Dự án tổ hợp khu du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City đã ghi nhận giảm hơn 900 tỷ đồng xuống còn 1.135 tỷ đồng, tương ứng một phần dự án đã được hoàn thiện đưa vào sử dụng trong năm, làm gia tăng giá trị hàng tồn kho.
Những khoản Phải thu khách hàng, Khách hàng trả tiền trước trùng hợp thú vị
Một điểm đáng chú ý khác trên BCTC của CEO Group là xuất hiện những khoản “phải thu của khách hàng” và “người mua trả tiền trước” gia tăng đáng kể so với đầu kỳ. Cụ thể:
- Phải thu của khách hàng đến 31/12/2022 là 773,8 tỷ đồng, tăng gần 100 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó đã trích lập dự phòng gần 44 tỷ đồng. Khoản phải thu của khách hàng này xuất hiện rất nhiều “tên tuổi” mới với số tiền hàng chục tỷ đồng như Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Phạm Gia; Công ty TNHH Thương mại và kinh doanh Nguyễn Gia; CTCP Trường An Phú Quốc.
Một điểm khá thú vị là, cả Công ty Phạm Gia và công ty Nguyễn Gia đều thành lập đúng tháng 12/2020, cách nhau 6 ngày - một công ty thành lập ngày 1/12 và 1 công ty thành lập ngày 7/12, đều thuộc tỉnh Kiên Giang, và cùng có địa chỉ tại Khu tổ hợp du lịch Sonasea Villas and Resort, tổ 5, ấp Đường Bào, Xã Dương Tơ, Huyện Phú Quốc, Tỉnh Kiên Giang, Việt Nam.
Một thông tin thú vị khác là cả 2 doanh nghiệp có cùng ngành nghề đăng ký kinh doanh mà ngành chính là sản xuất món ăn, chế biến thức ăn… Đồng thời một số trang thông tin cập nhật cả 2 doanh nghiệp đều đang tạm dừng kinh doanh có thời hạn. Không những thế, số điện thoại đăng ký cũng giống nhau.
Điểm thú vị khác là cái tên còn lại CTCP Trường An Phú Quốc thậm chí mới thành lập từ cuối tháng 10/2022 – chưa đến 1 tuổi đời, cũng tại tỉnh Kiên Giang.
“Những khách hàng cũ” đã xuất hiện trước đó như Khách sạn An Thịnh Phát có địa chỉ tại Sonasea Villas, thành lập tháng 12/2016; Sắc Màu Nhiệt Đới thành lập tháng 12/2017 cùng tại Phú Quốc…
Những khoản “người mua trả tiền trước” cũng rất nhiều điểm đáng chú ý. Tổng số tiền người mua trả trước đến 31/12/2022 gần 430 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó có số dư của CTCP Đầu tư Hải Phong Phú Quốc.
Hải Phong Phú Quốc thành lập đầu tháng 12/2021 – và đây cũng là thời điểm công ty ghi nhận khoản trả trước hơn 3 tỷ đồng tại CEO Group. Số trả trước này tăng lên thành hơn 15 tỷ đồng đến hết năm 2022. Địa chỉ của Hải Phong Phú Quốc cũng tại khu tổ hợp du lịch Sonasea Villas.
Ngoài ra còn rất nhiều cá nhân và đối tượng khác trả tiền trước với số tiền hàng chục tỷ đồng.
Một câu hỏi đặt ra là, liệu có thể có sự trùng hợp quá nhiều đến thế? Câu trả lời vẫn phải chờ các thông tin tiếp sau.
“Nhân tố bí ẩn” nhận hàng trăm tỷ CỔ TỨC từ các công ty con của CEO Group là ai?
Báo cáo tài chính năm 2022 của CEO Group ghi nhận những nghiệp vụ với các bên liên quan, là các thành viên quản lý chủ chốt, các cá nhân có liên quan với các thành viên quản lý chủ chốt và các bên liên quan khác.
Nhân tố bí ẩn nhất của CEO Group là cá nhân mang tên Đoàn Tiến Trung.
Báo cáo ghi rõ trong năm ông Đoàn Tiến Trung đã nhận số CỔ TỨC hàng trăm tỷ đồng từ 2 công ty trong hệ sinh thái CEO Group. Ngoài ra còn khoản cổ tức “treo” chưa nhận lên đến 15 tỷ đồng.
Cụ thể, số cổ tức PHẢI TRẢ trong năm 2022 cho ông Đoàn Tiến Trung là hơn 43,4 tỷ đồng, trong đó CTCP Phát triển Nhà và đô thị Phú Quốc phải trả hơn 28,4 tỷ đồng và CTCP Đầu tư và Phát triển Vân Đồn phải trả 15 tỷ đồng.
Số cổ tức ĐÃ TRẢ cho ông Đoàn Tiến Trung trong năm 2022 là hơn 60,4 tỷ đồng, do CTCP Phát triển Nhà và đô thị Phú Quốc trả.
Số cổ tức CÒN PHẢI TRẢ cho ông Đoàn Tiến Trung là 15 tỷ đồng.
Nói về CTCP Phát triển Nhà và đô thị Phú Quốc, công ty này do CEO Group sở hữu 51,59% vốn điều lệ. Câu chuyện của CEO Với nhà và Đô thị Phú Quốc bắt đầu từ năm 2016 khi Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và đô thị (HUD) lúc đó muốn bán toàn bộ 1,8 triệu cổ phần tương ứng 10,48% tổng số cổ phần của Nhà và đô thị Phú Quốc với giá khởi điểm 10.800 đồng/cỏ phiếu. Kết quả có 10 nhà đầu tư đăng ký tham gia với lượng đăng ký gấp hơn 6 lần lượng chào bán, giá trúng bình quân hơn 32.500 đồng, mang về cho HUD gần 60 tỷ đồng.
Tại sao một doanh nghiệp lúc đó kinh doanh bết bát, còn thua lỗ liên tục như Nhà và đô thị Phú Quốc lại được nhiều người quan tâm? Có lẽ sức hút của Nhà và đô thị Phú Quốc lúc đó là việc doanh nghiệp đang đầu tư 2 dự án tại Phú Quốc là Dự án Khu du lịch Bãi Trường và Dự án Khu dân cư Đường Bào với quy mô 160ha. Và 2 dự án này không xa xị trí các dự án hiện có của CEO Group tại Phú Quốc lúc đó là Sonasea Residence cà dự án Khu căn hộ nghỉ dưỡng Sonasea.
Không chỉ mua lại cổ phần Nhà Phú Quốc từ HUD, cùng thời điểm đó CEO Group quyết định thay đổi phương án sử dụng vốn từ đợt chào bán cổ phiếu tăng vốn điều lệ trước đó. Theo đó CEO Group chi 156 tỷ đồng để mua cổ phần, nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Phát triển Nhà và đô thị Phú Quốc lên trên 51%.
Hiện tại CTCP Phát triển Nhà và đô thị Phú Quốc do ông Trần Trung Kết là người đại diện theo pháp luật. Ông Trần Trung Kết là Thành viên HĐQT của CEO Group.
Nói về ông Đoàn Tiến Trung – nhân tố nhận gần trăm tỷ cổ tức. Ông Đoàn Tiến Trung không phải là lãnh đạo CEO Group, mà là người có liên quan. Lần gần đây nhất ông Đoàn Tiến Trung giao dịch cổ phiếu CEO đã khoảng gần 8 năm trước, khi đó ông Trung sở hữu 15.000 cổ phiếu CEO và đăng ký bán hết toàn bộ vì nhu cầu cá nhân. Ông Đoàn Tiến Trung được giới thiệu là chồng bà Đỗ Thị Thơm, kế toán trưởng của Tập đoàn C.E.O.
Bà Đỗ Thị Thơm, sinh năm 1980, là cử nhân ngành kế toán. Trước khi vào làm kế toán trưởng tại CEO Group năm 2007, bà Thơm đã là Kế toán trưởng trong vòng 5 năm tại Công ty TNHH Thương mại, Xây dựng và Công nghệ Việt Nam (Viteco). Năm 2007 đến nay bà Thơm là kế toán trưởng, một số thời gian trong đó còn giữ vai trò là Thành viên BKS tại một số công ty con của CEO Group.
Trên thực tế, “nhân tố bí ẩn” Đoàn Tiến Trung đã xuất hiện tên trên báo cáo tài chính của CEO Group từ vài năm trở lại đây. Bắt đầu từ năm 2018, CEO Group ghi nhận khoản tiền công ty vay trước đó và đã trả hết trong năm 2017. Cùng năm, ông Trung được nhận khoản cổ tức hơn 28,3 tỷ đồng đồng thời có việc “hoàn tạm ứng” số tiền dư nợ gần 7 tỷ đồng tồn tại trước đó. Theo đó đến hết năm 2018, CEO Group còn khoản phải trả khác hơn 21,3 tỷ đồng với ông Trung.
Năm 2019 khoản này được trình bày rõ là khoản cổ tức được nhận từ CTCP Phát triển Nhà và đô thị Phú Quốc.
Số cổ tức được nhận 15 tỷ đồng liên quan CTCP Đầu tư phát triển Nhà và đô thị Vân Đồn mới phát sinh trong năm 2022.
Trong các giao dịch của CEO Group, không thấy nêu nguyên nhân làm sao ông Đoàn Tiến Trung lại được nhận được số cổ tức “khủng” như thế hàng năm.
Rất nhiều thông tin liên quan "nhân tố bí ẩn", rất nhiều sự trùng hợp liên quan khách hàng mua, khách hàng trả tiền trước của CEO Group khiến nhà đầu tư chú ý. Năm 2022 CEO Group tạo dấu ấn về doanh thu và lợi nhuận nên những điểm "trùng hợp" trên báo cáo tài chính sẽ được nhà đầu tư đón chờ những thông tin cụ thể hơn.