Doanh nghiệp

Chậm công bố báo cáo tài chính 2022, Vietnam Airlines tiếp tục nêu lý do

Ngọc Cương 26/07/2023 - 07:32

Vietnam Airlines (HVN) giải trình việc chậm công bố báo cáo tài chính 2022 và chưa tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2023.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN) vừa có báo cáo giải trình việc chậm công bố Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022 và chậm tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Theo Vietnam Airlines, giai đoạn vừa qua, Tổng công ty trong quá trình tái cấu trúc toàn diện, sắp xếp ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước tái cơ cấu doanh nghiệp nên việc thu thập, đối chiếu tài liệu mất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn Covid-19, Tổng công ty hàng không đã đàm phán và được nhiều nhà cung cấp đồng ý giảm giá hàng hóa, giãn hoãn các khoản thanh toán nhưng đi kèm với một số điều kiện làm thay đổi hợp đồng nên Vietnam Airlines cần thêm thời gian để đối chiếu, xác nhận công nợ. Chính vì thế, HVN chưa phát hành được Báo cáo tài chính.

Vietnam Airlines đang trong giai đoạn cuối cùng với công ty kiểm toán khẩn trương hoàn thiện Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Tổng công ty sẽ công bố ngay khi hoàn tất báo cáo tài chính.

Vietnam Airlines chậm tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. (Ảnh: LĐ)

Trước đó ngày 6/7, Vietnam Airlines đã nhận được công văn của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM yêu cầu giải trình về việc chậm công bố Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022 và chậm tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2023. 

Ngày 11/7, Vietnam Airlines đã hủy ngày đăng ký cuối cùng để tham dự Đại hội thường niên 2023, với lý do cần thêm thời gian để chuẩn bị. Hãng hàng không quốc gia chưa tiết lộ ngày họp chính thức.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HVN bị đưa vào diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 12/7.

Tin doanh nghiệp

Thị trường chứng khoán còn có một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

* EVS: Ngày 1/8, CTCP Chứng khoán Everest chốt danh sách cổ đông nhận cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 10:6. Cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được nhận 6 cổ phiếu mới phát hành thêm.

* LIX: CTCP Bột giặt LIX ghi nhận doanh thu trong quý II/2023 đạt 679,6 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 61,6 tỷ đồng, tăng 10%. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, LIX có doanh thu đạt 1.357 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 117 tỷ đồng.

* TMP: CTCP Thuỷ điện Thác Mơ báo lãi sau thuế 131,6 tỷ đồng trong quý II/2023. Luỹ kế nửa đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế đạt 236 tỷ đồng.

* SCS: CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn thông báo ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức còn lại năm 2022 bằng tiền là 3/8. SCS sẽ trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 35% bằng tiền mặt, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 3.500 đồng.

* SGN: CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn ghi nhận lãi 78,19 tỷ đồng trong quý II/2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, SGN lãi 134,4 tỷ đồng.

Thông tin giao dịch

* NBB: Ông Nguyễn Văn Thịnh, một nhà đầu tư cá nhân vừa mua vào 1,747 triệu cổ phiếu NBB của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy, giao dịch được thực hiện ngày 19/7. Sau giao dịch, ông Thịnh trở thành cổ đông lớn tại NBB.

* BWE: Bà Trần Tuyết Lan, vợ ông Trần Chiến Công, Tổng giám đốc Tổng CTCP Nước – Môi trường Bình Dương đăng ký mua 400.000 cổ phiếu BWE, từ ngày 27/7 đến 25/8 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. 

* KPF: Ông Nguyễn Quang Huy, Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư tài sản Koji đăng ký bán toàn bộ hơn 6,04 triệu cổ phiếu. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 31/7 đến 29/8 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.

* UCT: Bà Võ Ngọc Diệp trở thành cổ đông lớn của CTCP Đô thị Cần Thơ sau khi nhận 2,2 triệu cổ phiếu thừa kế từ chồng. Bà Diệp chính thức trở thành cổ đông lớn của UCT từ ngày 14/7.

* POM: Bà Đỗ Thị Kim Ngọc, em của ông Đỗ Duy Ngọc, Chủ tịch CTCP Thép Pomina bán ra hơn 5,2 triệu cổ phiếu POM từ ngày 11-13/7. Sau giao dịch, bà Ngọc còn nắm giữ gần 10,2 triệu cổ phiếu.

VN-Index

Chốt phiên 25/7, VN-Index tăng 5,18 điểm (+0,44%), lên 1.195,9 điểm. HNX-Index tăng 0,4 điểm (+0,17%), lên 236,93 điểm. UpCoM-Index giảm 0,11 điểm (-0,13%), xuống 88,58 điểm.

Nhận định thị trường phiên giao dịch ngày 26/7, Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam cho rằng, xu hướng của thị trường vẫn đang tích cực, đặc biệt khi được nhóm ngân hàng nâng đỡ. Tuy nhiên, mức độ rủi ro đang có chiều hướng dâng cao tại ngưỡng tâm lý quanh mốc 1.200 điểm.

Nhà đầu tư tiếp tục căn bán khi VN-Index có quán tính tăng điểm vào phiên sáng hôm sau và hạn chế tối đa việc mở thêm vị thế mua mới.

Liên danh Bảo Việt, PVI, Bảo Minh trúng gói thầu bảo hiểm hàng không 2025 với giá trị hơn 540 tỷ đồng

Vietnam Airlines (HVN) chính thức thoát lỗ sau 4 năm

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/cham-cong-bo-bao-cao-tai-chinh-2022-vietnam-airlines-tiep-tuc-neu-ly-do-2169605.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chậm công bố báo cáo tài chính 2022, Vietnam Airlines tiếp tục nêu lý do
    POWERED BY ONECMS & INTECH