Chậm tiến độ dự án nguồn điện lớn, Bộ Công Thương đề nghị địa phương vào cuộc tháo gỡ khó khăn
Theo dự báo, một số dự án nguồn điện lớn theo quy hoạch sẽ bị chậm tiến độ, nhất là các dự án điện khí. Mặt khác, nếu thực hiện theo Quy hoạch điện VIII, điện khí chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng sản lượng điện đến năm 2030, trong khi giá thành của điện khí vẫn còn khá cao, dẫn tới giá thành điện năng ở thời điểm năm 2030 có thể tăng rất nhanh so với hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng (viết tắt là Ban Chỉ đạo) vừa chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành, địa phương, Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và một số đơn vị liên quan về tình hình triển khai các dự án lưới điện phục vụ nhập khẩu điện từ Lào; dự án lưới điện đồng bộ giải tỏa công suất các nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4 và dự án Đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Một số dự án nguồn điện lớn sẽ chậm tiến độ
Phát biểu định hướng nội dung cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), đến năm 2030, tổng công suất điện phải đạt gấp gần 2 lần so với công suất toàn hệ thống hiện nay.
Tuy nhiên, theo dự báo một số dự án nguồn điện lớn theo quy hoạch sẽ bị chậm tiến độ, nhất là các dự án điện khí. Mặt khác, nếu thực hiện theo Quy hoạch điện VIII thì điện khí chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng sản lượng điện đến năm 2030, trong khi giá thành của điện khí vẫn còn khá cao, dẫn tới giá thành điện năng ở thời điểm năm 2030 có thể tăng rất nhanh so với hiện nay.
Trước tình hình trên, để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng đầy đủ, liên tục nhu cầu về điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh, Bộ Công Thương đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép rà soát, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, trong đó có nội dung nghiên cứu về điều chỉnh cơ cấu nguồn điện, bảo đảm hợp lý, khả thi theo xu hướng phát triển chung của thế giới.
Bên cạnh đó, việc tăng cường đầu tư và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án truyền tải, nhất là dự án truyền tải liên miền và truyền tải công suất lớn để giải tỏa công suất các Nhà máy phát điện là rất cấp thiết, góp phần nâng cao tính chủ động trong việc cung ứng điện cho đất nước.
Tại cuộc họp, ông Phạm Hồng Phương, Phó Tổng Giám đốc EVN đã báo cáo về tình hình triển khai, cũng như những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án lưới điện nhập khẩu điện Lào, dự án đồng bộ Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4 và dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận: Thời gian qua, EVN, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) và các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: Các dự án lưới điện nhập khẩu điện từ Lào đã cơ bản giải quyết được các khó khăn, vướng mắc về mặt bằng; dự án lưới điện đồng bộ giải tỏa công suất các dự án nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4 đã có những chuyển biến tích cực trong công tác phê duyệt, bổ sung quy hoạch và công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều công việc vẫn chưa đạt tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo.
Đề nghị các địa phương vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho dự án
Để có thể sớm hoàn thành các dự án nêu trên, bảo đảm tiến độ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã giao, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đối với các dự án lưới điện nhập khẩu điện từ Lào, Bộ trưởng đề nghị UBND các tỉnh Quảng Nam, Nghệ An, Thanh Hóa chủ động báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy để lãnh đạo, chỉ đạo toàn bộ Hệ thống chính trị của các địa phương vào cuộc, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án.
"Phấn đấu hoàn thành dự án Đường dây 220 kV Nậm Sum - Nông Cống và dự án Trạm cắt 220 kV Đăk Ooc và Đường dây 220 kV đấu nối trong tháng 10/2024, hoàn thành dự án Đường dây 500 kV Monsoon - Thạnh Mỹ trong tháng 11/2024", Bộ trưởng yêu cầu tiến độ.
Bên cạnh đó, UBND các tỉnh cần chỉ đạo UBND các huyện có tuyến đường dây đi qua khẩn trương hoàn thành các thủ tục về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ dân ủng hộ, bàn giao mặt bằng và tự giác chặt hạ cây cối trong hành lang an toàn.
Đồng thời, sớm có giải pháp xử lý đối với các đề xuất, kiến nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam liên quan đến xử lý cây ngã đổ vào đường dây và các vị trí móng, việc chặt tỉa cành đối với một số cây có tán lớn để phục vụ công tác thi công.
Đối với các dự án lưới điện đồng bộ giải tỏa công suất các dự máy nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chủ động báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh sớm có Nghị quyết bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất năm 2024 và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa năm 2024 trên địa bàn tỉnh cho các dự án để có căn cứ triển khai các thủ tục tiếp theo về bồi thường giải phóng mặt bằng.
Đồng thời, sớm ban hành quy định về trình tự thực hiện bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, giá đất, giá cây trồng, vật kiến trúc theo quy định của Luật Đất đai và các Nghị định hướng dẫn thi hành để có cơ sở triển khai các công việc liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án.
Tập trung chỉ đạo UBND các huyện có tuyến đường dây đi qua khẩn trương triển khai sớm các thủ tục về bồi thường, giải phóng mặt bằng; đồng thời, huy động cả Hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền, vận động các hộ dân ủng hộ và đồng thuận với công tác đầu tư xây dựng các dự án, khẩn trương bàn giao mặt bằng cho Chủ đầu tư và nhà thầu để triển khai thi công trong tháng 10/2024.
Đối với Dự án Đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Chủ trương đầu tư của dự án để các địa phương và EVN có cơ sở triển khai các bước tiếp theo theo quy định.
Đề nghị UBND các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc tập trung nguồn lực, chủ động triển khai các công việc liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ của dự án.
Bộ trưởng yêu cầu EVN và EVNNPT khẩn trương xây dựng tiến độ chi tiết hàng tuần để triển khai thực hiện các dự án, làm căn cứ để đôn đốc, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện. Đồng thời, tăng cường phối hợp với UBND các địa phương kịp thời xử lý vướng mắc, khó khăn phát sinh để đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng công trình; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án ủng hộ, đồng thuận với việc triển khai thực hiện các dự án.
Yêu cầu các nhà thầu tăng cường nhân lực, máy móc, vật tư đẩy nhanh công tác thi công trên công trường các dự án. Có biện pháp thi công phù hợp với điều kiện thời tiết và địa hình, bảo đảm hiệu quả và tuyệt đối an toàn. Phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức tiến độ thực hiện dự án đã đề ra.
Tập trung nguồn lực để có thể triển khai ngay các bước tiếp theo của dự án Đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, từ sau cuộc họp này trở đi, Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng sẽ tổ chức họp giao ban định kỳ 2 tuần/lần với các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan để kiểm điểm, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các dự án năng lượng nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh, thúc đẩy tiến độ các dự án; trước mắt tập trung vào 3 dự án lớn: dự án lưới điện nhập khẩu từ Lào về Việt Nam; dự án 500kV Nậm Sum - Nông Cống; lưới điện giải toả công suất của dự án nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4; dự án đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên.
Điện mặt trời mái nhà dư thừa: Chỉ duy nhất EVN được mua
EVN điều chỉnh tăng giá điện 4,8% sau khi báo lỗ 22.000 tỷ đồng trong năm 2023