Chính phủ có thể đóng cửa, dân Mỹ sẽ phải đối mặt với những hệ lụy nào?
Chính phủ liên bang Mỹ đang đứng trước nguy cơ đóng cửa trong những ngày tới.
Trong bối cảnh áp lực ngày càng gia tăng khi chính phủ liên bang có thể sẽ phải đóng cửa trong vài ngày tới và quỹ cứu trợ thiên tai cần được bổ sung, các nhà lập pháp đang gấp rút tìm cách xây dựng một kế hoạch tài trợ tạm thời cho chính phủ sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump đã phá vỡ thỏa thuận tài trợ tạm thời vào ngày 18/12 vừa qua.
Thỏa thuận bị hủy bỏ này đáng lẽ sẽ giúp chính phủ duy trì hoạt động đến ngày 14/3, đồng thời cung cấp khoảng 100 tỷ USD cho cứu trợ thiên tai và hỗ trợ nông dân, cùng với việc tăng lương đầu tiên cho các nhà lập pháp kể từ năm 2009.
Đây là những gì người Mỹ có thể phải đối mặt nếu Quốc hội không đạt được thỏa thuận vào đêm ngày 20/12.
Hỗ trợ thiên tai và nông dân
Thỏa thuận lưỡng đảng đạt được vào đầu tuần này lẽ ra sẽ cung cấp gần 100 tỷ USD để giúp người dân Mỹ khắc phục hậu quả của các thảm họa thiên nhiên trong năm 2023 và 2024.
Mỗi tiểu bang trong cả nước đều được nhận một phần quỹ này. Các tiểu bang như Bắc Carolina và Florida, bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão Helene và Milton vào đầu năm nay, dự kiến sẽ nhận được một phần lớn quỹ hỗ trợ, theo thông tin từ bà Rosa DeLauro, đại diện bang Connecticut, người đứng đầu Ủy ban Dự toán Hạ viện.
Khoảng 29 tỷ USD sẽ được dùng để bổ sung Quỹ cứu trợ thiên tai của Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA). Quỹ này đã bị suy giảm sau khi phải đối mặt với hai cơn bão trên, cũng như các thảm họa khác.
Ngoài ra, 21 tỷ USD được dành cho nông dân đang đối mặt với giá nông sản thấp và chi phí ngày càng tăng.
Thỏa thuận chi tiêu này cũng sẽ gia hạn Đạo luật Nông nghiệp, một gói chính sách lớn điều chỉnh nhiều chương trình hỗ trợ nông nghiệp và dinh dưỡng. Thông thường, đạo luật này được gia hạn mỗi 5 năm, nhưng phiên bản gần nhất đã được thông qua vào năm 2018 và thời gian gia hạn đã hết vào cuối tháng 9.
Nguy cơ chính phủ đóng cửa
Các nhà lập pháp chỉ còn thời gian đến nửa đêm thứ Sáu để tài trợ cho chính phủ liên bang, ít nhất là tạm thời, để tránh một cuộc đóng cửa. Vì Quốc hội chưa phê duyệt ngân sách cho bất kỳ cơ quan nào, tất cả các cơ quan đều sẽ bị ảnh hưởng.
Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng đang gửi hướng dẫn bổ sung đến các cơ quan liên bang về công tác chuẩn bị cho tình huống đóng cửa, một quan chức trong chính quyền cho biết.
Mỗi bộ và cơ quan sẽ có các kế hoạch và quy trình riêng cho tình huống đóng cửa. Những kế hoạch này bao gồm số lượng nhân viên bị tạm nghỉ, những nhân viên nào là thiết yếu và sẽ tiếp tục làm việc mà không được trả lương, thời gian cần thiết để tạm ngừng hoạt động và các hoạt động nào sẽ bị ngừng lại. Những kế hoạch này có thể khác nhau giữa các đợt đóng cửa.
Ảnh hưởng của một cuộc đóng cửa khác nhau trong từng lần, khoảng 875.000 nhân viên liên bang sẽ phải tạm nghỉ việc, trong khi 1,4 triệu người khác được coi là thiết yếu sẽ tiếp tục làm việc mà không được trả lương ngay lập tức.
Theo ông Everett Kelley, chủ tịch Liên đoàn Nhân viên Chính phủ Mỹ, việc đóng cửa sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các dịch vụ thiết yếu như kiểm tra thực phẩm, bảo vệ biên giới, đảm bảo an toàn giao thông và cứu trợ thiên tai. Đáng chú ý, hơn 642.000 nhân viên bị ảnh hưởng là cựu chiến binh.
Chính phủ đóng cửa dưới thời Trump
Tổng thống Trump đã chứng kiến cuộc đóng cửa chính phủ kéo dài nhất trong 4 thập kỷ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Cuộc đình trệ kéo dài 35 ngày, đóng cửa một phần chính phủ ngay trước Giáng sinh năm 2018, kết thúc vào cuối tháng Giêng khi Trump đồng ý với một biện pháp tài trợ tạm thời không bao gồm hàng tỷ USD cho bức tường biên giới.
Tuy nhiên, cuộc đóng cửa đã gây thiệt hại cho nhiều người Mỹ và nhân viên liên bang, bao gồm gây trì hoãn các chuyến bay, hủy các phiên xét xử nhập cư và khiến một số gia đình gặp khó khăn trong việc vay vốn sinh viên.
Theo CNN
>> Ông Trump và tỷ phú Elon Musk có thể khiến Chính phủ Mỹ đóng cửa
Ông Trump và tỷ phú Elon Musk có thể khiến Chính phủ Mỹ đóng cửa
Nhà Trắng chỉ trích ông Trump phá thỏa thuận chi tiêu của chính phủ Mỹ