Chủ tịch Quốc hội: Đóng BHXH 15 năm được hưởng lương hưu còn thấy có tương lai
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Đóng 20 năm mới được hưởng lương hưu thì thấy xa xôi quá, rút xuống 15 năm còn thấy có tương lai, 10 năm thì càng có điều kiện để đóng".
Chiều 2/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm góp ý là giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu.
Đóng 20 năm mới được hưởng lương hưu thì thấy xa xôi quá
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, giảm thời gian đóng từ 20 năm hiện nay xuống 15 năm và tiến tới 10 năm có mâu thuẫn là tuổi hưu tăng nhưng thời gian đóng giảm.
Theo Chủ tịch Quốc hội, xu hướng tiền lương tăng lên, số năm đóng thì ít nhưng tiền đóng thì nhiều. Các nước phát triển đóng được trong thời gian ngắn vì tiền lương hưởng lớn, thu nhập lớn. Vì vậy, dù thời gian đóng ngắn nhưng mức đóng rất lớn và mức hưởng cũng được chứ không phải như Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tới đây cải cách tiền lương cũng phải cải cách cả khu vực công lẫn tư. Luật này ra cũng phải tiến tới thời gian đóng BHXH 10 năm. “Đóng 20 năm mới được hưởng lương hưu thì thấy xa xôi quá, rút xuống 15 năm còn thấy có tương lai, 10 năm thì càng có điều kiện để đóng”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên (tỉnh Điện Biên) cũng bày tỏ đồng tình với việc giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu.
Theo bà Yên, nguyên tắc đóng bao nhiêu, hưởng bấy nhiêu, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, nên thời gian đóng 10-15 hay 20 năm đều có cơ sở.
“Tôi đồng ý với dự thảo luật về nội dung này. Điều này cũng trực tiếp liên quan đến mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH với điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng BHXH tối thiểu. Hơn nữa, quy định này là cũng nhằm giảm số người hưởng BHXH một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu”, bà Yên nói.
Lương hưu tối thiểu của nam 40%, nữ 50% là hợp lý
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải cũng cho rằng, giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm, thậm chí 10 năm được hưởng lương hưu là phù hợp, rất tốt cho người lao động.
Tuy nhiên ông cũng lưu ý, thời gian đóng ngắn chắc chắn lương hưu thấp vì nguyên tắc của BHXH là đóng - hưởng.
Ông cũng phân tích thêm, mục tiêu BHXH toàn dân, nhưng giảm thời gian đóng không phải là dành cho lao động trẻ; mà chủ yếu là tạo cơ hội cho người cao tuổi (như nam 45 và nữ 47) và những người thay đổi phương thức làm việc, luân chuyển, hoặc làm việc gián đoạn có cơ hội tham gia vào hệ thống BHXH để có lương hưu khi về già.
Tuy nhiên, dự thảo luật cần tính đến mức đóng và mức hưởng, nếu như quy định trong dự thảo thì mức hưởng sẽ thấp hơn mức sống tối thiểu dẫn đến sức hấp dẫn thấp.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể để người lao động thấy được tham gia BHXH là có thu nhập bảo đảm mức sống tối thiểu.
Đại biểu Võ Mạnh Sơn (đoàn Thanh Hoá) bày tỏ nhất trí với quy định giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm.
Tuy nhiên, đại biểu cũng băn khoăn do cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp (lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%), tương đương hơn 2 triệu đồng. Thêm vào đó là việc dự luật đã bỏ quy định về mức lương hưu tối thiểu.
“Đây là điều mà nhiều người lao động đang băn khoăn, vì có thể dẫn đến xu hướng nghèo hóa của một bộ phận người dân trong tương lai”, ông cảnh báo.
Từ đó, đại biểu tỉnh Thanh Hóa đề nghị cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp. Theo đó, mức lương hưu tối thiểu của người lao động nam ở mức 40%, nữ 50%.
Trường hợp người lao động được lựa chọn về hưu hoặc rút BHXH một lần
Chính thức từ 7/2025, người mắc bệnh này không còn được rút BHXH một lần