Chưa từng có trong lịch sử: 3 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ bị kiện vì vụ lừa đảo Zelle, gần 1 triệu khách hàng sập bẫy
“Big 3” ngân hàng Hoa Kỳ gồm JPMorgan Chase, Bank of America và Wells Fargo bị cáo buộc khiến hàng trăm nghìn khách hàng mất hơn 870 triệu USD kể từ khi hệ thống thanh toán Zelle ra mắt năm 2017 đến nay.
Hãng tin CNN cho hay, Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng Mỹ (VFPB) cho biết hôm 20/12 rằng họ đã đệ đơn khiếu nại 3 ngân hàng lớn nhất nước này (gồm JPMorgan Chase, Bank of America và Wells Fargo) cùng nhà điều hành Zelle, hệ thống thanh toán ngang hàng phổ biến nhất “vì đã cho phép gian lận phát triển” trên mạng lưới đó.
CFPB cáo buộc rằng, hậu quả là hàng trăm nghìn khách hàng của JPMorgan Chase, Bank of America và Wells Fargo đã mất hơn 870 triệu USD kể từ khi Zelle ra mắt cách đây 7 năm. Về phần mình, Zelle phản đối ước tính đó.
Ba ngân hàng được nêu tên là bị đơn trong vụ kiện đồng sở hữu Zelle, cùng với bốn ngân hàng lớn khác của Mỹ gồm: Capital One, PNC Bank, Truist và US Bank.
“Các ngân hàng lớn nhất quốc gia cảm thấy bị đe dọa bởi các ứng dụng thanh toán cạnh tranh, vì vậy họ đã vội vã tung Zelle ra thị trường”, Giám đốc CFPB Rohit Chopra cho biết trong một tuyên bố. “Do không đưa ra các biện pháp bảo vệ phù hợp, Zelle đã trở thành mỏ vàng cho những kẻ lừa đảo, trong khi hệ thống này thường để nạn nhân tự lo liệu cho mình”.
CFPB lưu ý rằng những khách hàng nộp đơn khiếu nại về gian lận “phần lớn đều bị từ chối hỗ trợ, một số còn được yêu cầu liên hệ trực tiếp với kẻ gian lận để lấy lại tiền”.
Hơn nữa, CFPB cho biết, các tổ chức bị kiện đã không điều tra khiếu nại một cách thỏa đáng hoặc không hoàn trả cho người tiêu dùng “khoản hoàn trả theo luật định cho hành vi gian lận và sai sót”.
Vụ kiện của CFPB được đệ trình lên Tòa án Quận Hoa Kỳ tại Quận Arizona, nơi đặt trụ sở của nhà điều hành Zelle - Early Warning Services, với cáo buộc cụ thể rằng các ngân hàng kể trên đã không dừng các giao dịch chuyển tiền khi có dấu hiệu gian lận và không bảo vệ được chủ tài khoản của mình khỏi việc sử dụng Zelle để thực hiện hành vi gian lận.
>> 3 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan, Bank of America và Wells Fargo bị kiện
“Những thất bại của bị đơn đã dẫn đến hàng triệu khiếu nại về gian lận Zelle chỉ tính riêng tại 3 ngân hàng này, bao gồm các khiếu nại về khoản lỗ do gian lận hơn 290 triệu USD của 210.000 khách hàng của Bank of America, khoản lỗ do gian lận hơn 360 triệu USD của 420.000 khách hàng của JP Morgan Chase và khoản lỗ do gian lận hơn 220 triệu USD của 280.000 khách hàng của Wells Fargo”, đơn khiếu nại cáo buộc.
Trong cuộc họp báo sáng 20/12, một quan chức của CFPB cho biết trong khi hơn 2.200 tổ chức tài chính sử dụng Zelle, ba ngân hàng mà cơ quan này nêu tên trong vụ kiện đã “kiểm soát phần lớn hoạt động trên Zelle”.
Zelle gọi vụ kiện là “vô căn cứ”, thách thức yêu cầu bồi thường thiệt hại
Để đáp lại khiếu nại của CFPB, Early Warning Services (EWS) đã chỉ trích động thái này và gọi vụ kiện là “vô căn cứ”.
Jane Khodos, người phát ngôn của Zelle tại EWS, cho biết trong một tuyên bố: “Các cuộc tấn công của CFPB vào Zelle là sai trái về mặt pháp lý và thực tế, thời điểm của vụ kiện này dường như đã bị thúc đẩy bởi các yếu tố chính trị không liên quan đến Zelle”.
“Zelle dẫn đầu cuộc chiến chống lừa đảo và gian lận, chúng tôi cũng có các chính sách hoàn trả tiền hàng đầu trong ngành vượt xa luật pháp. Các cuộc tấn công sai lầm của CFPB sẽ khuyến khích tội phạm, khiến người tiêu dùng phải trả nhiều phí hơn, kìm hãm các doanh nghiệp nhỏ và khiến hàng nghìn ngân hàng cộng đồng và hợp tác tín dụng khó cạnh tranh hơn”, bà Khodos nói thêm.
Trong một email sau đó gửi cho CNN, công ty EWS đã phản đối tuyên bố của CFPB rằng khách hàng của JPMorgan Chase, Bank of America và Wells Fargo khiếu nại về các giao dịch chuyển tiền gian lận khiến họ mất hơn 870 triệu USD.
Con số này gây hiểu lầm vì “không phải mọi khiếu nại gian lận được báo cáo đều là gian lận thanh toán thực tế. Mọi khiếu nại gian lận được báo cáo đều được điều tra và thường được xác định rằng hành vi gian lận không được thực hiện”, công ty cho biết. EWS cũng lưu ý rằng Zelle “vượt xa những gì luật pháp yêu cầu và hoàn trả tiền cho khách hàng đối với một số loại lừa đảo nhất định khi khách hàng đã ủy quyền giao dịch”.
Nhưng CFPB phản bác rằng khiếu nại của họ cáo buộc rằng “các bị đơn thực tế đã không điều tra khiếu nại của người tiêu dùng khi họ là nạn nhân của gian lận. CFPB tiếp tục cáo buộc rằng các ngân hàng đã từ chối hàng chục nghìn khiếu nại gian lận một cách sai trái bằng cách sử dụng logic sai lầm”.
Về phần mình, Bank of America khẳng định rằng các vụ việc gian lận rất hiếm gặp và 23 triệu khách hàng của ngân hàng này đã sử dụng Zelle. “Hơn 99,95% giao dịch trên toàn mạng lưới Zelle diễn ra mà không có sự cố. Khi khách hàng gặp vấn đề, chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với họ”, người phát ngôn Bill Halldin cho biết. “Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với nỗ lực của CFPB nhằm áp đặt các khoản chi phí mới khổng lồ cho 2.200 ngân hàng và hợp tác tín dụng cung cấp dịch vụ Zelle miễn phí cho khách hàng”.
Trong khi đó, Wells Fargo từ chối bình luận về vụ kiện có dính dáng đến họ.
Vụ án có bị hủy bỏ khi có ông Trump nhậm chức tân Tổng thống Mỹ?
Vụ kiện CFPB được đệ trình vào một trong những tuần cuối cùng còn lại của chính quyền của Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden. Và người ta đã mạnh dạn dự đoán rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ chỉ định một người mới để lãnh đạo cơ quan này. Việc thay đổi “ông chủ Nhà Trắng” có ý nghĩa ra sao đối với vụ kiện Zelle là điều vẫn chưa rõ ràng.
Giám đốc CFPB Rohit Chopra đã nói trong lời khai trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ vào đầu tháng này rằng mặc dù ông đã được xác nhận cho nhiệm kỳ 5 năm, nhưng ông vẫn tôn trọng ý kiến rằng "Tổng thống có thể cách chức chúng tôi bất cứ lúc nào, bất cứ ngày nào”.
“Chúng tôi thường bác bỏ một vụ kiện được đệ trình vào những tuần cuối trước lễ nhậm chức, nhưng vụ kiện này có thể có lợi cho liên minh của ông Trump vì khuynh hướng dân túy. Phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc Tổng thống Trump chọn ai làm Giám đốc CFPB”, Jaret Seiberg, nhà phân tích chính sách dịch vụ tài chính tại TD Cowen Washington Research Group, cho biết trong một email.
Tuy nhiên, Seiberg lưu ý rằng các ngân hàng có thể có biện pháp phòng thủ mạnh mẽ “vì phần lớn cuộc chiến là về các giao dịch được ủy quyền được chứng minh là gian lận. Chúng tôi thấy khó có khả năng tòa án yêu cầu các ngân hàng phải dừng các giao dịch mà người tiêu dùng muốn thực hiện”.
Theo CNN
>> Sếp ngân hàng lớn nhất nước Mỹ cảnh báo về nguy cơ xảy ra suy thoái