Chưa từng có trong lịch sử: Siêu cường số một châu Á có nguy cơ ‘mất’ 50% dân số, nhà chức trách nỗ lực giải cứu trong vô vọng
Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đã có xu hướng giảm mạnh kể từ khi Chính phủ nước này áp dụng “chính sách một con” trên toàn quốc vào năm 1980.
Theo các chuyên gia phân tích, nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng tỷ lệ sinh vẫn chưa giải quyết được các nguyên nhân cốt lõi. Dù đã bắt đầu nới lỏng chính sách một con, tỷ lệ sinh vẫn tiếp tục giảm mạnh, với mức thấp kỷ lục 9,02 triệu trẻ sơ sinh trong năm qua.
Số lượng đăng ký kết hôn mới trong quý III cũng giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái, dự báo tổng số trong cả năm sẽ giảm xuống còn 6,4 triệu - mức thấp nhất kể từ năm 1979, theo phân tích của công ty dịch vụ tài chính Nomura.
Thay vì cố gắng thúc đẩy việc sinh con, các chính sách của Trung Quốc hiện nay chủ yếu là hỗ trợ các gia đình, giúp những ai muốn có con thứ hai hoặc thứ ba có thể làm điều này dễ dàng và tiết kiệm hơn, theo bà Lauren Johnston, Phó Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Sydney.
Tháng trước, các nhà chức trách Trung Quốc đã công bố loạt kế hoạch lớn về trợ cấp và giảm thuế cho các gia đình có con dưới 3 tuổi. Các biện pháp này gồm việc tăng thời gian nghỉ thai sản từ 98 lên 158 ngày. Năm ngoái, Trung Quốc đã tăng gấp đôi mức giảm thuế chăm sóc trẻ em lên 2.000 nhân dân tệ (280 USD) mỗi tháng.
Nhiều nguyên nhân
Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đã có xu hướng giảm mạnh kể từ khi Chính phủ nước này áp dụng “chính sách một con” trên toàn quốc vào năm 1980.
Theo dự báo của Liên Hợp Quốc hồi tháng 7, Trung Quốc - quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới - có thể mất hơn một nửa dân số vào năm 2100, ghi nhận mức giảm lớn nhất trong lịch sử của bất kỳ quốc gia nào.
Tác động tâm lý từ chính sách một con vẫn còn tồn tại và đã “thay đổi căn bản nhận thức của giới trẻ về gia đình”, theo ông Harry Murphy Cruise, nhà kinh tế tại Moody’s Analytics. Ông cho biết thêm là tăng trưởng kinh tế chậm lại cũng khiến “người trẻ phải suy nghĩ hoặc trì hoãn kế hoạch lập gia đình”.
“Đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn và không có giải pháp đơn giản nào để tăng tỷ lệ sinh”, ông Cruise nhận định.
Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc vào năm 2022 là 1,2 con trên mỗi phụ nữ - thấp hơn mức 1,7 của Hoa Kỳ.
Theo Austin Schumacher, Phó Giáo sư tại Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe, Đại học Washington, tỷ lệ trẻ em sinh ra ở Trung Quốc so với trên thế giới dự kiến sẽ giảm từ 8% của năm 2021 xuống còn khoảng 3% vào năm 2100.
“Các nghiên cứu hiện tại về các chính sách khuyến sinh chỉ cho thấy mức tăng nhẹ và các dự báo cho thấy điều này không đủ để đảo ngược tình trạng suy giảm dân số”, ông Schumacher cho biết.
Tuy nhiên, ông cho rằng với những sáng kiến mới và nghiên cứu cải thiện các biện pháp hiện có, Trung Quốc có thể đạt được kết quả khả quan hơn. Thêm nữa, một yếu tố cấp bách đối với các gia đình ở Trung Quốc hiện nay là sự bất ổn về thu nhập để nuôi dưỡng con cái.
Sau nhiều thập kỷ phát triển nhanh chóng, nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại, bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng bất động sản và các quy định thắt chặt trong lĩnh vực dạy thêm ngoài giờ, trò chơi điện tử, tài chính và công ty internet, làm giảm cơ hội việc làm cho người mới tốt nghiệp.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc trong độ tuổi 16 đến 24 (và không còn đi học) đạt mức cao kỷ lục 18,8% vào tháng 8, dù đã giảm nhẹ vào tháng 9. “Vấn đề chính là nhiều người không tự tin vào khả năng trang trải cuộc sống, chứ chưa nói đến việc đủ điều kiện để nuôi con”, bà Sheana Yue, nhà kinh tế tại Oxford Economics cho biết.
Các biện pháp “tăng thu nhập” thực tế và giảm chi phí sinh hoạt sẽ “tạo tác động tích cực đáng kể” đối với tâm lý sinh con ở Trung Quốc, bà Yue nói.
Năm nay, các cơ quan y tế quốc gia đã khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ nghỉ thai sản bằng cách nhấn mạnh việc sử dụng quỹ nhà nước để trả lương cho lao động nữ sinh con.
Áp lực cuộc sống thành phố
Các học giả đã ghi nhận mối liên hệ giữa đô thị hóa và tỷ lệ sinh giảm. Năm 2023, khoảng 83% người Mỹ sống ở thành phố, trong khi tại Trung Quốc là 65%, tăng từ 19% vào năm 1980.
“Lịch làm việc dày đặc và căng thẳng” ở các thành phố lớn thường làm giảm ý định kết hôn và sinh con, theo ông Darren Tay, Trưởng bộ phận rủi ro quốc gia APAC tại BMI. Điều này có thể “làm giảm hiệu quả của các chính sách khuyến sinh”.
Tỷ lệ dân số Trung Quốc trong độ tuổi 20 đến 39 đã giảm, cho thấy có ít cuộc hôn nhân hơn trong tương lai, các nhà kinh tế của Nomura chỉ ra. Điều này có thể dẫn đến số trẻ sinh ra giảm trong những năm tới, trừ khi có “sự thay đổi đáng kể trong các biện pháp khuyến khích cho các cặp vợ chồng”.
Họ dự đoán tại cuộc họp Quốc hội thường niên vào tháng 3, Bắc Kinh có thể công bố khoản chi tiêu hàng năm lên tới 500 tỷ nhân dân tệ (70 tỷ USD) để thúc đẩy tỷ lệ sinh.
Thiếu biện pháp khuyến khích
Hiện tại, Trung Quốc thiếu các biện pháp khuyến khích đủ mạnh để tăng tỷ lệ sinh, và một số biện pháp thậm chí có thể ảnh hưởng tới quyền riêng tư.
Chẳng hạn, một số bài đăng trực tuyến năm nay cho biết nhân viên xã hội ở Trung Quốc đã gọi điện ngẫu nhiên và hỏi phụ nữ xem họ có mang thai không, và khuyến khích họ nhận acid folic miễn phí.
Chưa hết, chính sách mới nhất của Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan địa phương lập ngân sách cho trung tâm chăm sóc trẻ công cộng và nới lỏng giới hạn vay mua nhà cho các gia đình có từ hai con trở lên. Tuy nhiên, việc thực hiện lại phụ thuộc vào các cơ quan địa phương, trong khi nhiều nơi đang gặp khó khăn tài chính.
Ông Tianchen Xu, nhà kinh tế cấp cao tại Economic Intelligence Unit, cho biết các chính sách khuyến khích sinh con trước đây “thiếu đồng nhất và chưa đầy đủ”.
Để đảo ngược xu hướng giảm tỷ lệ sinh, Trung Quốc cần “kết hợp các biện pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp mạnh mẽ”, ông Xu khẳng định, đặc biệt là các khoản trợ cấp và ưu đãi về nhà ở.
Theo CNBC
Tướng Mỹ cảnh báo Trung Quốc âm thầm kiểm soát siêu cảng ở 'sân sau' của siêu cường số 1 thế giới
Thành phố 7 triệu dân của Trung Quốc cần 8 năm để bán hết số nhà ế