Trung Quốc công bố gói kích thích khổng lồ, thị trường vẫn muốn hơn?
Hôm thứ Sáu vừa qua, Trung Quốc công bố gói hỗ trợ kinh tế 5 năm trị giá 10 nghìn tỷ dân tệ (1,4 nghìn tỷ USD), nhằm giảm áp lực nợ cho chính quyền địa phương và bổ sung thêm nguồn lực tài chính để giải quyết thách thức kinh tế.
Cũng vào hôm đó, Bộ trưởng Tài chính Lam Phật An cho biết chính phủ sẽ cho phép các chính quyền địa phương vay 6.000 tỷ nhân dân tệ (842,1 tỷ USD) trong vòng 3 năm nhằm giải quyết vấn đề "nợ ẩn".
"Nợ ẩn" là các khoản nợ mà chính quyền địa phương vay từ các công ty tài chính thuộc sở hữu của nhà nước, nhưng không được liệt kê trên bảng cân đối kế toán chính thức. Các khoản nợ này không được quản lý chặt chẽ và có thể tiềm ẩn rủi ro lớn đối với hệ thống tài chính.
Quan chức cũng tiết lộ chính phủ sẽ phát hành 800 tỷ nhân dân tệ (khoảng 112,3 tỷ USD) trái phiếu đặc biệt mỗi năm trong 5 năm tới để giảm bớt khoản "nợ ẩn" khoảng 4.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 561,5 tỷ USD) mà các địa phương đang phải gánh chịu. Ước tính nợ ẩn có thể giảm từ 14,3 nghìn tỉ nhân dân tệ (khoảng 2 nghìn tỷ USD) vào cuối năm 2023 xuống còn 2,3 nghìn tỉ nhân dân tệ (322 tỷ USD) vào năm 2028, ông Lam cho biết các giải pháp này sẽ làm giảm bớt áp lực cho các chính quyền địa phương, đồng thời giải phóng nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Haizhong Chang, Giám đốc điều hành mảng doanh nghiệp tại công ty Fitch Bohua, nhận định so với lượng nợ được giải quyết những năm qua, quy mô lần này lớn hơn đáng kể.
Dù vậy, gói hỗ trợ này vẫn không đáp ứng được kỳ vọng của nhiều công ty tư nhân, trong khi họ mong đợi sự hỗ trợ tài chính trực tiếp hơn. Ngay sau thông báo, chỉ số iShares China Large-Cap ETF (FXI) đã giảm gần 5% trong giao dịch trước giờ mở cửa. Chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JP Morgan Asset Management, ông Chaoping Zhu, nhận định: “Trong khi thị trường có thể phải chờ những thay đổi chính sách đáng kể hơn, tiềm năng cho các biện pháp tiền tệ và tài khóa trong tương lai vẫn còn”.
Ông cho biết, các yếu tố như sự suy giảm mạnh của thị trường chứng khoán, khó khăn trong xuất khẩu hoặc áp lực tài chính gia tăng đối với chính quyền địa phương có thể thúc giục chính phủ Trung Quốc ban hành thêm nhiều chính sách.
Từ cuối tháng 9, chính quyền Trung Quốc đã tăng cường công bố các biện pháp kích thích kinh tế. Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng vào các biện pháp kích thích bổ sung có thể khôi phục bức tranh lạc quan cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Vào ngày 26/9, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chủ trì một cuộc họp, kêu gọi tăng cường hỗ trợ tài chính và tiền tệ ngăn chặn sự suy thoái của thị trường bất động sản. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng đã thực hiện cắt giảm lãi suất, tuy nhiên, việc thúc đẩy chi tiêu công của chính phủ để hỗ trợ các chính quyền địa phương vẫn cần được quốc hội chấp thuận.
Trong những năm gần đây, sự suy thoái của thị trường bất động sản đã làm giảm mạnh nguồn thu từ lĩnh vực này, vốn chiếm tỷ lệ quan trọng trong ngân sách địa phương tại Trung Quốc. Đồng thời, các khoản chi lớn để kiểm soát đại dịch Covid-19 đã gia tăng đáng kể áp lực tài chính.
Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ngay từ cuối năm 2019, khoản nợ của các chính quyền địa phương đã chiếm tới 22% GDP của Trung Quốc.
Gần đây, giá nhà mới ở các TP đã có xu hướng tăng trở lại khi các gói kích thích trước đó bắt đầu phát huy tác dụng. Các chuyên gia cho rằng, trước những rủi ro từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, việc Trung Quốc bơm tiền mạnh vào nền kinh tế và thúc đẩy chi tiêu nội địa đang là giải pháp hiệu quả để giảm thiểu rủi ro từ các yếu tố bên ngoài không thuận lợi.
Ông Mark Williams, chuyên gia kinh tế khu vực châu Á của Capital Economics, cho biết: “Việc cho phép đảo nợ sẽ giúp giảm chi phí lãi vay, từ đó tạo thêm nguồn lực để chính quyền địa phương có thể phát triển các mục tiêu khác.”
>> Kinh tế Trung Quốc tăng ì ạch bất chấp gói kích thích khổng lồ
Bỏ qua kích thích tiêu dùng, kinh tế Trung Quốc vẫn chưa thể giải quyết 2 thách thức lớn nhất
Kinh tế Trung Quốc có nguy cơ suy thoái, kéo tụt khu vực Đông Á và Thái Bình Dương