Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh nhất kể từ năm 2020, vì đâu nên nỗi?
“Tôi không ngờ cổ phiếu lại giảm mạnh đến vậy - đó là một thảm họa. Điều này có thể chỉ là tạm thời nhưng chứng khoán Nhật Bản đang ở trong tình trạng tồi tệ nhất”, Kiyoshi Ishigane, Quản lý quỹ tại Mitsubishi UFJ Asset Management Co. ở Tokyo nhận định.
Chứng khoán Nhật Bản đã lao dốc mạnh nhất kể từ năm 2020, với chỉ số Topix giảm hơn 10% so với mức đỉnh hồi tháng 7. Nguyên nhân bắt nguồn từ động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và đồng yên tăng giá mạnh - từ đó làm biến động một trong những thị trường hoạt động tốt nhất thế giới.
Có thể thấy, các công ty xuất khẩu đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi đà tăng giá mạnh mẽ gần đây của đồng yên, trong khi đó, cổ phiếu của các công ty tài chính lại sụt giảm do lo ngại về mức tăng trưởng quá nóng gần đây.
Chỉ số Topix đã giảm tới 8% chỉ trong 2 ngày sau khi BoJ quyết định tăng lãi suất sớm hơn dự kiến (hôm thứ 4, ngày 31/7) và Thống đốc Kazuo Ueda đã có những thông điệp “cứng rắn”.
Nếu chỉ số Topix đóng cửa ở mức hiện tại, nó sẽ cùng với chỉ số Nikkei 225 bước vào giai đoạn điều chỉnh kỹ thuật. Trong phiên sáng 2/8, Nikkei 225 cũng có lúc giảm tới 5%.
Chỉ mới 3 tuần trước, chứng khoán Nhật Bản còn leo lên các kỷ lục mới và các công ty tài chính tỏ ra “hoan nghênh” triển vọng BoJ tăng lãi suất. Nhưng các cổ phiếu này lại đang đối mặt áp lực lớn và chỉ số theo dõi lĩnh vực ngân hàng giảm hơn 8%.
“Tôi không ngờ cổ phiếu lại giảm mạnh đến vậy - đó là một thảm họa. Điều này có thể chỉ là tạm thời, nhưng chứng khoán Nhật Bản đang ở trong tình trạng tồi tệ nhất”, Kiyoshi Ishigane, Quản lý quỹ tại Mitsubishi UFJ Asset Management Co. ở Tokyo nhận định.
Andrew Jackson, Trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu Nhật Bản tại Ortus Advisors Pte cho rằng: “Tôi có thể tưởng tượng nhiều công ty có cấu trúc hoạt động như một nền tảng đang mạnh mẽ cắt giảm rủi ro, gây ra việc bán tháo mù quáng”.
Mối lo ngại lớn nhất của thị trường hiện nay là đồng yên. Đồng tiền này đã đạt mức 148,51 yên đổi 1 USD trong ngày 1/8, mức cao nhất kể từ giữa tháng 3. Các chiến lược gia tại Amundi và TD Securities thậm chí còn dự đoán đồng yên có thể tiến tới mức 140.
“Tóm lại, chủ yếu là đồng yên. Thị trường đang gia tăng đặt cược vào việc Mỹ cắt giảm lãi suất do lo ngại về hoạt động kinh tế chậm lại trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản chỉ mới bắt đầu thắt chặt chính sách của mình”, Kyle Rodda, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Capital.Com đánh giá.
Từng là động lực chính cho đà tăng của thị trường, các nhà đầu tư nước ngoài lại bắt đầu rút vốn. Họ đã bán ròng 1,56 nghìn tỷ yên, tương đương 10,4 tỷ USD cổ phiếu và hợp đồng tương lai Nhật Bản chỉ trong tuần kết thúc vào ngày 26/7. Chỉ số Topix đã giảm hơn 5% trong giai đoạn đó, mức giảm nhiều nhất trong bốn năm.
Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi các dấu hiệu căng thẳng trong nền kinh tế Mỹ bắt đầu xuất hiện. Các nhà giao dịch buộc phải đánh giá liệu quyết định của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell về việc trì hoãn cắt giảm lãi suất trước tháng 9 có phù hợp hay không.
Dữ liệu mới nhất cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ đã chạm mức cao nhất trong gần một năm, trong khi sản xuất thu hẹp.
Theo đó, các cổ phiếu công nghệ cũng không thể tránh khỏi làn sóng bán tháo. Tokyo Electron Ltd. giảm tới 12% và Screen Holdings Ltd. giảm 11% - những cổ phiếu giảm mạnh nhất trên Nikkei.
“Các nhà đầu tư nước ngoài dường như đang bán ra khi triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp thay đổi do lo ngại về sự suy giảm kinh tế Mỹ và đồng yên mạnh hơn. Thị trường rõ ràng đã chuyển sang xu hướng tiêu cực trong ngắn hạn. Xu hướng trung hạn của cổ phiếu Nhật Bản cũng có thể bắt đầu thay đổi do lo ngại về nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc”, Ryuta Otsuka, Chiến lược gia tại Toyo Securities đánh giá.
>> Không phải Nhật Bản, đây là thị trường chứng khoán hoạt động tốt nhất châu Á năm 2024