Cổ đông ngân hàng sắp nhận ‘mưa cổ tức’: Có nơi trả gần 45% bằng cổ phiếu
Hàng loạt ngân hàng dự kiến chi hàng chục nghìn tỷ đồng để chia cổ tức trong năm 2025, nhiều nơi kết hợp cả tiền mặt và cổ phiếu.
Trong năm 2025, nhiều ngân hàng thương mại lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt, cổ phiếu hoặc kết hợp cả hai, với tổng số tiền chi trả lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, ngày 23/4 vừa qua, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng tiền mặt cho năm tài chính 2024 với tỷ lệ 7%. Tổng số tiền chi trả ước tính hơn 2.085 tỷ đồng, lấy từ nguồn lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ. Thời gian chi trả dự kiến vào ngày 23/5.
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025 tổ chức ngày 26/4, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) đã thông qua phương án chi hơn 7.000 tỷ đồng chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 10%, từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ. Thời gian chi trả dự kiến thực hiện trong năm 2025.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng dự kiến chia cổ tức năm 2024 với tổng tỷ lệ 18%, gồm 5% bằng tiền mặt (tương đương gần 2.033 tỷ đồng) và 13% bằng cổ phiếu (tương đương phát hành 528,5 triệu cổ phiếu mới).
Sau khi hoàn thành đợt chia cổ tức cổ phiếu 13%, vốn điều lệ SHB sẽ tăng từ hơn 40.657 tỷ lên 45.942 tỷ đồng. Cổ phiếu trả cổ tức không bị hạn chế chuyển nhượng. Việc phát hành dự kiến thực hiện trong năm 2025 sau khi hoàn tất thủ tục với Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7% vốn điều lệ, tương đương khoảng 1.726 tỷ đồng. Sau khi chi trả, ngân hàng còn gần 1.980 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) cũng thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5% (1 cổ phiếu nhận được 500 đồng), tương ứng tổng giá trị gần 3.967 tỷ đồng. Sau khi chia cổ tức, lợi nhuận còn lại là 8.908 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện trả cổ tức là quý II và quý III năm 2025. Thời gian cụ thể sẽ do Hội đồng quản trị quyết định, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và các điều kiện thực tế của ngân hàng.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - Mã: TPB) cũng có kế hoạch chia cổ tức năm 2025 với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt. Nguồn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2024, căn cứ theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2024.
Đồng thời, TPBank dự kiến phát hành hơn 132 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 5%. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng thêm hơn 1.320 tỷ đồng, từ 26.420 tỷ lên khoảng 27.740 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã: MBB) dự kiến sử dụng 21.557 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông với tổng tỷ lệ 35%. Trong đó, ngân hàng chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 3% (tương ứng 1.831 tỷ đồng) và phát hành cổ phiếu để chia cổ tức tỷ lệ 32% với số lượng hơn 1,97 tỷ cổ phiếu (tương đương 19.726 tỷ đồng).
Ngoài ra, MB cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm 62 triệu cổ phiếu, tương đương tăng vốn điều lệ thêm 620 tỷ đồng, theo phương án đã được thông qua tại ĐHĐCĐ năm 2024.
Nếu hoàn tất các phương án này, vốn điều lệ của MB sẽ tăng từ hơn 61.022 tỷ đồng hiện tại lên 81.368 tỷ đồng.
Ở khối ngân hàng có vốn Nhà nước, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) dự kiến phát hành tối đa gần 2,4 tỷ cổ phiếu để chia cổ tức với tỷ lệ 44,64%. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá dự kiến hơn 23.971 tỷ đồng.
Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận còn lại năm 2021, 2022 và giai đoạn 2009-2016. Thời gian phát hành cụ thể sẽ được quyết định sau khi được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng từ 53.700 tỷ đồng lên 77.671 tỷ đồng.
Trước đó, cuối tháng 3/2025, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) đã hoàn tất phát hành hơn 2,76 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 49,5%.
Kết thúc đợt phát hành, Vietcombank nâng tổng số cổ phiếu lưu hành lên 8,36 tỷ đơn vị và vốn điều lệ cũng tương ứng tăng lên mức 83.556,7 tỷ đồng.
Nguồn vốn phát hành cổ phiếu trả cổ tức được lấy từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021.