Quốc tế

Cổ phiếu tăng 1.000% sau 13 năm, Hermès tạo ra gia tộc giàu nhất châu Âu

Quỳnh Vân 08/12/2023 - 20:29

Hermès, viên ngọc quý của ngành công nghiệp hàng xa xỉ trị giá 390 tỷ USD, đã và đang phát triển mạnh nhờ thiên hướng làm mọi thứ theo cách riêng của mình.

Vào một ngày tháng 10 năm 2010 tại Paris, Bertrand Puech nhận được một cuộc gọi bất ngờ từ Bernard Arnault, người sáng lập tập đoàn xa xỉ LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton SE và là một trong những người đàn ông giàu nhất thế giới.

Arnault nói với Puech, người đứng đầu gia đình đối thủ Hermès, rằng công ty của ông đã tích lũy được cổ phần của nhà sản xuất túi nổi tiếng Kelly và Birkin. Arnault sau đó nói rằng khoản đầu tư này nhằm mục đích cung cấp sự trợ giúp về mặt chiến lược và vận hành cho Hermès.

Nhưng đối với Puech và những người thừa kế Hermès khác, mục tiêu của ông rất rõ ràng: Arnault, người nổi tiếng thâu tóm “tàn nhẫn” các thương hiệu di sản lâu đời khác, đang cố gắng chiếm lấy Hermes.

Bertrand Puech (Bên trái) và Patrick Thomas ở New York, vào tháng 2 năm 2010. Ảnh: Getty Images

Theo ông Patrick Thomas, người từng là chủ tịch điều hành của Hermès, việc nhượng lại đế chế của họ cho một đối thủ cạnh tranh đã đủ tồi tệ, nhưng để mất nó vào tay những gì họ coi là tập đoàn tiếp thị lòe loẹt, đầy quảng cáo của Arnault là điều đáng "phẫn nộ".

Chống lại những khó khăn đáng kể, những người thừa kế đã đẩy lùi những bước tiến của Arnault, gây ra thất bại nặng nề cho một trong những doanh nhân hám lợi nhất nước Pháp. Hermès sẽ không trở thành một cái tên trong danh sách 75 thương hiệu của LVMH, bao gồm cả Louis Vuitton và Christian Dior.

Sau hơn 13 năm kể từ đó, cổ phiếu Hermès International SCA đã tăng hơn 1.000%, vượt mức tăng 600% của LVMH. Giá trị thị trường của Hermès vọt lên hơn 200 tỷ euro (216 tỷ USD), bằng khoảng 60% của LVMH – với doanh thu chỉ bằng 1/7.

Thành công của Hermès đã mang lại cho tập đoàn sự bảo vệ tốt nhất. Theo Chỉ số tỷ phú của Bloomberg, nó đã giúp hơn 100 thành viên trong gia đình này trở thành gia đình giàu có nhất châu Âu, với tổng tài sản khoảng 151 tỷ USD. Họ cũng trở thành gia đình giàu thứ ba thế giới, vượt lên trên gia tộc Mars và Koch của Mỹ, gia tộc Thani - gia tộc cầm quyền của Qatar và gia tộc Al Sauds của Ả Rập Saudi.

Những chiếc túi da hàng đầu của hãng, có giá từ khoảng 8.000 USD đến hàng chục nghìn USD cho một mẫu có loại da kỳ lạ như cá sấu. Ảnh: Getty Images

David Dubois, phó giáo sư tiếp thị tại trường kinh doanh INSEAD, cho biết: “Hermès đã thành công nhờ giữ được tính độc đáo và khác biệt của mình. Gia đình là một trong những bí mật và tài sản chính tạo nên thành công của thương hiệu. Họ là người bảo vệ di sản và biết cách làm cho nó phát triển mà không cần một cuộc cách mạng.”

Trong năm 2023, Hermès là công ty đạt hiệu suất tốt nhất trong lĩnh vực thời trang xa xỉ, với cổ phiếu tăng giá 35% so với mức tăng 5,3% của LVMH và mức giảm 15% của Kering SA, chủ sở hữu Gucci. Hầu hết các nhà phân tích trong ngành vẫn đánh giá Hermès là “nên mua”, “nên giữ” hoặc “trung lập”.

Tuy nhiên, với cổ phiếu giao dịch ở mức cao gấp đôi so với các công ty cùng ngành, Jelena Sokolova, một nhà phân tích tại Morningstar, nhận định thị trường sụt giảm có thể cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến công ty. Bà cho rằng việc này không phải không thể xảy đến được đối với Hermès.

Vốn hóa thị trường của Hermès chiếm gần 60% của LVMH. Nguồn: Kết quả thường niên năm 2022; vốn hóa thị trường tính đến 7/12/2023

Nhưng Hermès dường như không hề lo lắng trước nguy cơ suy thoái tiềm tàng và quyết tâm đi theo con đường đã được gia đình xây dựng.

“Trong thời kỳ tài chính khó khăn, người ta luôn hướng tới chất lượng”, Dumas trả lời vào tháng 7 khi được hỏi làm cách nào mà Hermès đã đạt được mức tăng doanh số bán hàng tăng 20,5% trong quý II ở châu Mỹ khi các đối thủ lại đang bị ảnh hưởng.

Là viên ngọc quý của ngành công nghiệp hàng xa xỉ cá nhân toàn cầu trị giá 362 tỷ euro, Hermès đã phát triển mạnh mẽ phần lớn nhờ vào xu hướng làm mọi thứ theo những cách kỳ lạ của gia đình này, gợi nhớ về di sản gần 2 thế kỷ của hãng.

Được thành lập vào năm 1837 bởi Thierry Hermès - một người theo đạo Tin lành ở một nước Pháp chủ yếu theo đạo Công giáo - công ty luôn hoạt động độc lập, chủ yếu do các thành viên trong gia đình điều hành. Được biết đến khắp châu Âu từ những ngày đầu thành lập nhờ sự khéo léo tinh tế trong các sản phẩm sáng tạo của mình, Hermès được truyền từ đời này sang đời khác trong khi danh mục sản phẩm liên tục mở rộng từ dây nịt đến yên ngựa và các mặt hàng da khác sang cả khăn lụa xa hoa và đồng hồ.

>> Hermes: Kênh đầu tư hấp dẫn hơn cả vàng, sinh lời khủng cho giới siêu giàu

Chiếc túi Hermès bạch tạng khó mua nhất thế giới: Bà Trương Mỹ Lan từng 'xin lại' 2 cái, Mr. Pips sở hữu 1, người mẫu diễn viên xách đi 'chợ'

Vụ TikToker Mr. Pips: Bất động sản thu giữ có giá tới 1 tỷ/m2, nhiều đồng hồ triệu USD, túi Hermes bạch tạng,...

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/co-phieu-tang-1000-sau-13-nam-hermes-tao-ra-gia-toc-giau-nhat-chau-au-214695.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cổ phiếu tăng 1.000% sau 13 năm, Hermès tạo ra gia tộc giàu nhất châu Âu
    POWERED BY ONECMS & INTECH