Công trình rộng 3,2ha do Liên Xô tặng Việt Nam: ‘Trái tim nghệ thuật’ của Thủ đô, từng bị hỏa hoạn thiêu rụi một phần
Đây là món quà đặc biệt của Liên Xô dành tặng cho giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, thể hiện sâu sắc tình hữu nghị giữa hai nước.
Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô có tên gọi chính thức là Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô, tuy nhiên, người dân Hà Nội thường quen miệng gọi đơn giản là Cung Việt – Xô hoặc Cung Công nhân. Công trình tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo – một trong những tuyến phố đẹp nhất quận Hoàn Kiếm, ngay trung tâm thủ đô Hà Nội.

Đầu thế kỷ XX, Nhà Đấu Xảo được kiến trúc sư người Pháp Adolphe Bussy thiết kế và hoàn thành vào năm 1902. Công trình mang dáng dấp của một tòa lâu đài, với chiều dài 110m, rộng 30m, cao 27m, nằm trong khuôn viên rộng 3.000m². Thời điểm đó, Nhà Đấu Xảo được xem là một trong những công trình kiến trúc đặc sắc nhất trên bán đảo Đông Dương.
Đến năm 1942, trong bối cảnh Thế chiến thứ hai, máy bay Mỹ nhân danh Đồng minh chống phát xít Nhật đã ném bom phá hủy tòa nhà.
Sau ngày tiếp quản Thủ đô (tháng 10/1954), trên nền đổ nát ấy, chính quyền cách mạng cho xây dựng một nhà hát ngoài trời – gọi là Nhà hát Nhân dân, nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân.

Sau này, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô được Liên Xô (cũ) giúp đỡ, xây dựng trên nền Nhà hát Nhân dân cũ. Công trình được khởi công vào ngày 1/1/1978, do kiến trúc sư Isakovich (người Liên Xô) thiết kế. Đây là món quà đặc biệt của Tổng Liên đoàn Lao động Liên Xô dành tặng cho giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, thể hiện sâu sắc tình hữu nghị giữa hai nước.
Ngày 1/9/1985, sau hơn 7 năm thi công, công trình chính thức hoàn thành với tên gọi Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô, trở thành một trong những trung tâm văn hóa quan trọng bậc nhất của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Cung được xây dựng trên khu đất rộng 3,2ha, gồm tòa nhà chính cao 4 tầng, dài 96m, rộng 60m và cao 33m tính từ mặt đường đến đỉnh cao nhất. Song song với đó là một tòa nhà 3 tầng được nối liền với khối chính thông qua phần mái bằng có sân thượng.
Bên trong cung là hệ thống phòng chức năng phong phú, phù hợp với nhiều loại hình hoạt động như biểu diễn nghệ thuật, hội nghị, hội thảo, triển lãm, sinh hoạt câu lạc bộ hay các lớp học năng khiếu.

Không gian lớn nhất trong tổ hợp là hội trường lớn với 1.111 chỗ ngồi, được trang bị sân khấu quay và hệ thống kỹ thuật hiện đại, phục vụ đa dạng các loại hình biểu diễn trong nước và quốc tế như ca nhạc, ballet, kịch, hội nghị, hội thảo…
Trong suốt quá trình hoạt động, Cung Việt – Xô đã là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa – xã hội, cũng như các buổi sinh hoạt chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước, các bộ ngành Trung ương và thành phố, cũng như của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đồng thời, nơi đây cũng từng diễn ra nhiều triển lãm mỹ thuật, công nghệ – khoa học kỹ thuật và các hội thảo quy mô quốc gia, quốc tế với sự tham gia của đại diện nhiều địa phương và các nước trên thế giới.

Năm 2006, cung từng là địa điểm tổ chức các hoạt động bên lề của Hội nghị APEC lần thứ 14 – Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương. Năm 2019, nơi đây tiếp tục được lựa chọn làm Trung tâm báo chí phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2…
Cung Việt – Xô cũng là “sân khấu vàng” của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam. Đây là nơi họ lựa chọn để thực hiện các liveshow lớn như của Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Tùng Dương, Hồ Ngọc Hà, Ưng Hoàng Phúc, Hương Tràm…
Tuy nhiên, vào sáng sớm ngày 28/9/2019, một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng đã xảy ra tại hội trường Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô. Ngọn lửa bùng phát từ tầng 3 của hội trường và nhanh chóng lan xuống các tầng bên dưới. Toàn bộ phần mái vòm sân khấu chính trong hội trường Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô bị đổ sập, nhiều thiết bị, vật dụng bị thiêu cháy đen.
Ngay sau vụ cháy, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô đã khẩn trương tiến hành khắc phục hậu quả và tiếp tục duy trì hoạt động.