Xã hội

Công trình huyết mạch 1.730km của Việt Nam từng được Liên Xô và Trung Quốc giúp đỡ xây dựng: Huy động hơn 10 vạn nhân công, gần 50 năm vẫn không thể thay thế

Thái Hà 21/05/2025 11:26

Trong tương lai, tuyến đường này sẽ được đầu tư xây dựng, với thời gian hành trình dự kiến chỉ còn khoảng 5,3 giờ nếu dừng tại 5 ga.

Sau ngày đất nước thống nhất, nhằm nhanh chóng khôi phục tuyến giao thông huyết mạch nối liền hai miền Nam – Bắc, ngày 14/11/1975, Chính phủ đã ra quyết định khẩn trương khôi phục tuyến đường sắt Bắc – Nam (hay còn gọi là đường sắt Thống Nhất), nối Thủ đô Hà Nội với TP. Hồ Chí Minh.

Công trình huyết mạch 1.730km của Việt Nam từng được Liên Xô và Trung Quốc giúp đỡ xây dựng: Huy động hơn 10 vạn nhân công, gần 50 năm vẫn không thể thay thế - ảnh 1
Các chiến sĩ Đại đội 4 - Đoàn pháo cao xạ sông Gianh san lấp hố bom để xây dựng đường sắt Thống nhất năm 1976. Ảnh tư liệu

Với sự tham gia của hơn 10 vạn cán bộ, công nhân, bộ đội và nhân dân dọc tuyến, cùng sự hỗ trợ của Liên Xô và Trung Quốc, sau hơn một năm nỗ lực không ngừng nghỉ, đến ngày 4/12/1976, mối ray cuối cùng của tuyến đường sắt Thống Nhất đã được nối tại km 446+885, đoạn từ Ninh Cẩm (Quảng Bình) đến Chu Lễ (Hà Tĩnh). Tuyến đường sắt Bắc – Nam dài hơn 1.730km, chính thức được thông suốt.

Công trình huyết mạch 1.730km của Việt Nam từng được Liên Xô và Trung Quốc giúp đỡ xây dựng: Huy động hơn 10 vạn nhân công, gần 50 năm vẫn không thể thay thế - ảnh 2
Học sinh, sinh viên TP. Huế tham gia xây dựng đường sắt Thống Nhất vào tháng 2/1976. Ảnh tư liệu

Để đánh dấu cột mốc lịch sử này, ngày 31/12/1976, Chính phủ quyết định tổ chức hai đoàn tàu Thống Nhất xuất phát đồng thời từ ga Hà Nội và ga Sài Gòn. Người dân cả nước đã hân hoan chào đón sự kiện trọng đại – ngày “dải lụa thép” Bắc – Nam bắt đầu lăn bánh, nối liền non sông.

Đoàn tàu thời điểm đó được kéo bằng đầu máy hơi nước, do ba người điều khiển: một lái tàu và hai người phụ trách đốt lửa tạo hơi. Việc vận hành yêu cầu tính toán chính xác lượng nước cần thiết để tàu đến được ga tiếp theo. Mỗi đoàn tàu gồm 6 toa: 4 toa giường nằm, 1 toa hành lý và 1 toa cung ứng, bảo vệ.

Sau hơn 80 giờ di chuyển, vào ngày 4/1/1977, cả hai đoàn tàu đã tới đích trong niềm vui nghẹn ngào của hàng triệu người dân Việt Nam.

Công trình huyết mạch 1.730km của Việt Nam từng được Liên Xô và Trung Quốc giúp đỡ xây dựng: Huy động hơn 10 vạn nhân công, gần 50 năm vẫn không thể thay thế - ảnh 3
Chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên đến ga Hà Nội nối liền Nam – Bắc. Ảnh tư liệu

Hiện nay, tuyến đường sắt Bắc – Nam vẫn là tuyến dài nhất Việt Nam, bắt đầu từ Thủ đô Hà Nội và kết thúc tại TP. Hồ Chí Minh, với tổng chiều dài khoảng 1.730km, khổ đường 1.000mm. Tuyến đi qua các tỉnh, thành: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh.

Cùng với tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng, tuyến Bắc – Nam là một phần của mạng lưới đường sắt xuyên lục địa Á – Âu.

Công trình huyết mạch 1.730km của Việt Nam từng được Liên Xô và Trung Quốc giúp đỡ xây dựng: Huy động hơn 10 vạn nhân công, gần 50 năm vẫn không thể thay thế - ảnh 4
Đoàn tàu Thống Nhất chạy qua biển Đông phía bắc đèo Hải Vân. Ảnh: Matt Munro/Lonely Planet

Tuyến đường chạy gần song song với Quốc lộ 1A, có 23 trạm dừng chính, với khoảng 60% chiều dài tuyến đi qua cầu và đường hầm. Từ chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên năm 1976 đến nay, ngành đường sắt đã có nhiều cải tiến, rút ngắn thời gian di chuyển Bắc – Nam còn khoảng 33 giờ.

Trong tương lai, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ được đầu tư xây dựng, với thời gian hành trình dự kiến chỉ còn khoảng 5,3 giờ nếu dừng tại 5 ga và khoảng 6,6 giờ nếu tàu dừng đan xen tại 23 ga.

Không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, công trình này còn là tuyến tàu du lịch nổi tiếng thế giới. Tháng 5/2023, tuyến đường sắt Bắc – Nam được trang cẩm nang du lịch Lonely Planet xếp vị trí đầu tiên trong danh sách những tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới. Trước đó, vào năm 2018, tuyến cũng từng lọt vào top 10 tuyến đường sắt đẹp nhất toàn cầu do chính trang này bình chọn.

Công trình huyết mạch 1.730km của Việt Nam từng được Liên Xô và Trung Quốc giúp đỡ xây dựng: Huy động hơn 10 vạn nhân công, gần 50 năm vẫn không thể thay thế - ảnh 5
Tàu hỏa xuất phát từ ga Hà Nội. Ảnh: Gettyimages

Theo mô tả của Lonely Planet, tuyến đường sắt Bắc – Nam là một trong những tuyến được yêu thích nhất tại Đông Nam Á. Trong hành trình kéo dài hai ngày, hành khách sẽ đi qua những đô thị sôi động đến những vùng nông thôn yên ả.

“Một số tuyến đường sắt chạy qua các thành phố lịch sử, lướt bên những bờ biển tuyệt đẹp, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến một Việt Nam đa sắc màu, hội tụ tinh hoa của thiên nhiên, cảnh quan và con người. Tuyến đường sắt Thống Nhất (hay còn gọi là Đường sắt Bắc – Nam) đáp ứng tất cả các tiêu chí này”, Lonely Planet viết.

Công trình huyết mạch 1.730km của Việt Nam từng được Liên Xô và Trung Quốc giúp đỡ xây dựng: Huy động hơn 10 vạn nhân công, gần 50 năm vẫn không thể thay thế - ảnh 6
Tuyến đường sắt Bắc – Nam đi qua nhiều thành phố, bãi biển đẹp của Việt Nam. Ảnh: Internet

Không chỉ vậy, khung cảnh thiên nhiên từ những dãy núi ẩn hiện trong sương đến những bãi biển xanh mát liên tục nối tiếp bên khung cửa sổ toa tàu. Bắc – Nam cũng là một trong những tuyến đường sắt xuyên đêm ấn tượng nhất thế giới.

Sau gần nửa thế kỷ được “nối liền”, tuyến đường sắt Bắc – Nam vẫn giữ vai trò là mạch máu giao thông quan trọng của Việt Nam. Với thời gian di chuyển khoảng 33 giờ, hành khách có thể thực hiện hành trình xuyên Việt, thưởng ngoạn những khung cảnh tuyệt mỹ trải dài từ Bắc tới Nam, mang lại những trải nghiệm khó quên.

>> ‘Kỳ đài lịch sử’ của Việt Nam được Liên Xô giúp đỡ xây dựng có thể chống bom đạn, lưu giữ di hài của Bác Hồ

‘Kỳ đài lịch sử’ của Việt Nam được Liên Xô giúp đỡ xây dựng, có thể chống bom đạn và động đất cấp 7, là nơi lưu giữ di hài của Bác Hồ

Người lính Việt Nam duy nhất của Hồng quân Liên Xô sống đến Ngày Chiến thắng, được Bác Hồ đích thân đặt tên

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/cong-trinh-huyet-mach-1730km-cua-viet-nam-tung-duoc-lien-xo-va-trung-quoc-giup-do-xay-dung-huy-dong-hon-10-van-nhan-cong-gan-50-nam-van-khong-the-thay-the-142843.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Công trình huyết mạch 1.730km của Việt Nam từng được Liên Xô và Trung Quốc giúp đỡ xây dựng: Huy động hơn 10 vạn nhân công, gần 50 năm vẫn không thể thay thế
    POWERED BY ONECMS & INTECH