Cuối năm, cuộc đua tăng vốn giữa các công ty chứng khoán bắt đầu nóng dần. Nhiều công ty thậm chí lên kế hoạch tăng vốn hàng chục lần.
Đầu tháng 12/2023, CTCP Chứng khoán SSI (SSI) thực hiện lấy ý kiến cổ đông thông qua phương án phát hành 453 triệu cổ phiếu, trong đó phát hành 302 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 100:20 và chào bán 151 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cp, tỷ lệ 100:10. Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2023-2024 hoặc thời gian khác tùy theo quyết định của HĐQT.
Nếu thành công, vốn điều lệ của SSI dự kiến tăng lên mức 19.645 tỷ đồng, tiếp tục dẫn đầu nhóm chứng khoán và bỏ xa công ty xếp thứ hai là VPBankS.
Mới đây, CTCP Chứng khoán TP. HCM (HCM) dự kiến phát hành thêm hơn 297 triệu cổ phiếu nâng vốn điều lệ lên hơn 7.552 tỷ đồng để tiến vào top 5.
Ngoài phương án chào bán ra công chúng, HCM còn được chấp thuận kế hoạch phát hành gần 68,6 triệu cổ phiếu trả cổ tức đợt 2/2021, tỷ lệ 100:15 (sở hữu 100 cp được nhận 15 cp mới).
Với hai phương án trên, tổng số lượng phát hành của HCM dự kiến hơn 297 triệu cổ phiếu.
Ngày 13/11/2023, Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) cũng được chấp thuận việc tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng, lên mức 4.000 tỷ. Nguồn vốn góp đến từ chủ sở hữu là ngân hàng mẹ, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Điều này cũng đồng nghĩa với việc ACBS trở thành công ty nằm trong top 11 những công ty có quy mô vốn điều lệ lớn nhất tính đến quý IV/2023.
ĐHCĐ bất thường của Chứng khoán LPBank (LPBS) cách đây không lâu cũng đã thông qua phương án chào bán tối đa 363,8 triệu cổ phiếu với mức giá không thấp hơn 10.000 đồng/cp, tỷ lệ thực hiện là 1.000/14.552. Nếu thành công, vốn điều lệ của dự kiến tăng từ 250 tỷ đồng lên 3.888 tỷ đồng - tương ứng gấp gần 16 lần.
Ngoài ra một số công ty chứng khoán khác cũng đang tiếp tục tăng vốn điều lệ như ORS (Chứng khoán Tiên Phong), VND (Chứng khoán VNDirect),...
Tại thời điểm 30/9/2023, công ty chứng khoán có vốn điều lệ cao nhất là SSI với hơn 15.011 tỷ đồng, tiếp theo là VPBankS với 15.000 tỷ đồng và xếp thứ 3 là VNDirect với 12.178 tỷ đồng.
Vốn điều lệ của các CTCK cập nhật đến 30/9/2023 |
Tuy nhiên, áp lực từ việc gia tăng vốn cũng đồng nghĩa với thách thức duy trì tỷ suất sinh lời.
Thị trường chứng khoán Việt Nam được nhận định sẽ duy trì sự tích cực trong ngắn hạn. Tuy nhiên, với sự gia tăng nhanh chóng về vốn điều lệ, các công ty chứng khoán cũng đối mặt với thách thức duy trì mức ROE cao và cạnh tranh hiệu quả trên thị trường.
Trong tình hình này, việc tăng vốn được coi là cơ hội để các công ty chứng khoán tiếp tục phát triển và chuẩn bị cho những thách thức trong năm 2024. Đây cũng là chiến lược đón đầu trước khi hệ thống giao dịch KRX được đưa vào áp dụng (có thể giúp thị trường sôi động hơn qua đó gia tăng nguồn thu cho các công ty chứng khoán đã dự trữ đủ "lương thực").
>> Chuyên gia chứng khoán: Hệ thống KRX thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường
Bột giặt LIX ra 3 thông báo về cổ tức chỉ trong 1 tuần
'Cá mập' gom hàng ‘đẩy’ giá một cổ phiếu tăng 66% chỉ sau 7 phiên giao dịch