Cú lừa kép: Nữ sinh mất 42 triệu sau hai lần tin nhầm ‘công an giả’ và ‘luật sư rởm’
Tin nhầm công an giả, nữ sinh mất 30 triệu. Chưa dừng lại, cô tiếp tục sập bẫy "luật sư rởm", mất thêm tiền trước khi tỉnh ngộ báo công an.
Thời gian gần đây, tội phạm công nghệ cao lợi dụng không gian mạng để thực hiện các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi. Chúng sử dụng nhiều thủ đoạn phức tạp, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong dư luận. Dù lực lượng Công an đã tập trung xử lý, nhưng sự chủ quan và thiếu cảnh giác của người dân vẫn khiến các vụ việc này xảy ra liên tiếp.
Chiều ngày 25/12/2024, chị Đ.T.M.D. (20 tuổi, sinh viên một trường đại học tại Đà Nẵng) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0886280... Một giọng nam tự xưng là cán bộ điều tra, thông báo chị D. có liên quan đến một vụ án. Để chứng minh sự trong sạch, chị D. được yêu cầu chuyển tiền vào một tài khoản ngân hàng để “xác minh”.
Tin lời, chị D. đã chuyển tổng cộng 29,2 triệu đồng đến tài khoản mang tên CT TNHH Đầu Tư Shark Crypto tại ngân hàng VPBank.
Sau khi nhận ra mình bị lừa, thay vì báo cơ quan Công an, chị D. lên Facebook tìm kiếm sự trợ giúp. Rất nhanh sau đó, chị D. được "luật sư Kim Huệ" đã liên hệ và hứa hỗ trợ lấy lại số tiền bị mất.
Theo hướng dẫn, chị D. lại tiếp tục chuyển 11,7 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng mang tên Nguyễn Thị Xuân Băng tại ACB. Đến lúc nhận ra bị lừa thêm một lần nữa, chị D. mới tìm đến Công an quận Thanh Khê (Đà Nẵng) để trình báo sự việc.
Qua vụ việc, cơ quan Công an nhận định rằng chị D. không chỉ thiếu cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo phổ biến, mà còn chưa kịp thời thông báo cơ quan chức năng, gây khó khăn cho công tác điều tra.
>> Giám đốc một công ty xây dựng lừa đảo 44 tỷ đồng để trả nợ và chi tiêu cá nhân
Công an cảnh báo các đối tượng lừa đảo thường giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát để gọi điện đe dọa người dân. Chúng sử dụng công nghệ cao để tạo số điện thoại giống hệt số chính thức của cơ quan tư pháp. Sau đó, bằng lời lẽ đe dọa, chúng yêu cầu nạn nhân kê khai tài sản, đọc mã OTP hoặc chuyển tiền vào tài khoản của chúng với lý do "xác minh điều tra".
Dù nhiều nạn nhân không có khuất tất, nhưng trước áp lực và sự đe dọa, họ mất bình tĩnh và làm theo yêu cầu của kẻ gian.
Cơ quan Công an tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội. Ảnh: CADN |
Cơ quan Công an nhấn mạnh rằng khi làm việc, các cán bộ sẽ trực tiếp gặp cá nhân hoặc gửi thông báo bằng văn bản qua địa chỉ cư trú, cơ quan, hoặc chính quyền địa phương. Tuyệt đối không làm việc qua điện thoại hay mạng xã hội.
Người dân cần giữ bình tĩnh trước những cuộc gọi đáng ngờ, không lo sợ và liên hệ ngay với người thân, bạn bè để được tư vấn. Trong trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo, cần trình báo cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
Trường hợp của chị D. là bài học đắt giá, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao cảnh giác và cập nhật các thông tin cảnh báo từ cơ quan chức năng.
>> Một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nâng vốn điều lệ lên hơn 8.200 tỷ đồng