Cuộc đời nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam: Tài giỏi chấn động giới y học, lẻ bóng sau 2 cuộc hôn nhân sóng gió

08-03-2024 06:33|Quỳnh Như

Bà không chỉ được biết đến là nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam mà còn để cho hậu thế hình ảnh một phụ nữ mạnh mẽ, xuất sắc, nhân hậu.

Bà Henriette Bùi Quang Chiêu sinh ngày 8/9/1906 tại Hà Nội và lớn lên ở Sài Gòn. Bà xuất thân trong một gia đình tri thức và giàu có nức tiếng thời bấy giờ. Điều khiến bà được người đời nhớ tới là bởi, bà chính là nữ bác sĩ đầu tiên ở Việt Nam. Tài năng, năng lực học tập của nữ bác sĩ này từng gây chấn động một thời...

Người phụ nữ gây chấn động giới y học

Bà Henriette Bùi Quang Chiêu là con gái thứ của ông Bùi Quang Chiêu và bà Vương Thị Y, xuất thân trong một gia đình giàu có. Ông Bùi Quang Chiêu là kỹ sư canh nông đầu tiên của nước ta và cũng là một chính khách có tiếng ở Nam Kỳ thời Pháp thuộc.

Henriette Bùi Quang Chiêu (thứ hai từ trái sang) bên gia đình năm 1921 tại Phú Nhuận, TP. HCM. Ảnh tư liệu

Henriette Bùi Quang Chiêu (thứ hai từ trái sang) bên gia đình năm 1921 tại Phú Nhuận, TP. HCM. Ảnh tư liệu

Ngay từ nhỏ, bà Henriette Bùi Quang Chiêu đã được ăn học đầy đủ. Bà cũng rất sáng dạ và luôn có thành tích học tập xuất sắc. Thuở nhỏ, bà theo học tại Trường Saint Paul de Chartres (trường Nhà Trắng) tại Sài Gòn. Năm 1915, bà thi vượt cấp và nhận bằng Certificat d'Études sớm 2 năm, rồi vào học trường Collège des Jeunes Filles, tức Trường Trung học Gia Long, trường Áo Tím sau này, mà nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai thuộc quận 3, TP. HCM.

Đến năm 15 tuổi, theo nguyện vọng của mình, bà được cha đưa sang Pháp du học. Vốn là một học sinh xuất sắc, không bao lâu ngoài tiếng Việt, tiếng Pháp và Trung Hoa, bà còn thông thạo nhiều ngôn ngữ khác như tiếng Anh, Tây Ban Nha, Ý và cả những cổ ngữ như La Tinh và Hy Lạp.

Một năm sau, mẹ của Henriette mất vì bệnh lao phổi, bản thân bà thì bị bệnh đau mắt nên phải gián đoạn một năm học. Đến năm 1926, Henriette tốt nghiệp bậc trung học tại Lycée Fenelon ở Paris. Từ sự quý mến, nể phục Louis Bùi Quang Chiêu - là anh ruột, một bác sĩ chuyên về bệnh lao nổi tiếng tại Sài Gòn, cùng với cái chết của mẹ đã làm cho Henriette Bùi Quang Chiêu quyết chí theo học Đại học Y khoa Paris vào năm 1927.

Bà Henriette thời trẻ

Bà Henriette thời trẻ

Bà Henriette trở thành sinh viên y khoa là một hiện tượng lạ vào thời bấy giờ. Việc có một người phụ nữ Việt Nam tại một trường đại học danh tiếng của Pháp là bước đột phá trong hệ thống giáo dục của nước này.

Bỏ tình riêng vì nghề...

Năm 1932, bà tốt nghiệp đại học. Sau 2 năm thực tập, bà là người phụ nữ Việt Nam lấy bằng bác sĩ y khoa đầu tiên ở Pháp chuyên chữa trị các bệnh phụ nữ và trẻ em. Khi tốt nghiệp, bà dự định viết một luận án về đề tài “Thụ tinh nhân tạo cho những người bị hiếm muộn”. Tuy nhiên vào thời đó, đề tài này quá mới mẻ và gây nhiều tranh cãi, do đó bà đành phải đổi đề tài. Bài luận án của bà đạt loại xuất sắc, được Hội đồng giám khảo khen ngợi và tặng huy chương vào năm 1934. Henriette Bùi Quang Chiêu đã trở thành nữ bác sĩ đầu tiên của nước ta.

Sống trong xã hội người phụ nữ không được xem trọng thì dù có bằng cấp cao, người phụ nữ vẫn bị coi là "bình thường" không hơn không kém. Bà Henriette Bùi mặc dù đã là vị nữ bác sĩ đầu tiên ở Việt Nam nhưng cũng không ngoại lệ.

Đám cưới của bà Henriette Bùi Quang Chiêu. Ảnh tư liệu

Đám cưới của bà Henriette Bùi Quang Chiêu. Ảnh tư liệu

Trong những câu chuyện viết về bà có ghi lại, vừa tốt nghiệp xong, cha bà - ông Bùi Quang Chiêu - gọi bà về nước ngay để gả chồng. Bà trở về nước vào đầu năm 1935 và nhận ngay chức vụ Trưởng khoa Hộ sinh của Bệnh viện Chợ Lớn. Cũng trong thời gian này, bà buộc phải lấy luật sư Vương Quang Nhường - người từng du học Pháp. Ông tốt nghiệp và trở về nước với tư cách là Tiến sĩ Luật khoa đầu tiên của nước ta.

Cuộc hôn nhân giữa bà và luật sư Nhường được hình thành sau những ép buộc có tính quyết liệt của cha bà. Đám cưới được diễn ra chỉ vài tháng sau đó và trở thành đám cưới môn đăng hộ đối nhất vào thời điểm bấy giờ.

Là người có học vấn cao, kiến thức rộng, luật sư tại tòa thượng thẩm Vương Quang Nhường được giới thượng lưu Việt, Pháp lúc bấy giờ kính nể. Vợ là một bác sĩ y khoa, con của một gia đình danh giá bậc nhất Nam Kỳ. Thế nhưng, cuộc hôn nhân này chỉ kéo dài một cách miễn cưỡng trong 2 năm rồi cả hai người ly dị nhau. Trong xã hội bấy giờ, việc ly hôn, vợ chồng bỏ nhau là việc không tưởng...

Vụ ly dị của luật sư Nhường và bác sĩ Henriette Bùi đã gây ra một tiếng vang khá lớn. Cả xứ Nam Kỳ, đi đâu cũng nghe những lời bàn tán. Khen thí ít mà lên án thì nhiều. Dư luận không thể ngờ một phụ nữ trí thức của một gia đình quyền quý lại có thể làm cái việc ... "tày đình" như thế.

Năm 1957, bà sang Nhật học thêm châm cứu để áp dụng trong ngành sản khoa. Năm 1961, bà sang Pháp sinh sống và mở phòng mạch riêng. Trong thời gian này, bà tái giá với kỹ sư, đồng thời là bác sĩ Nguyễn Ngọc Bích. Ông Bích từng tốt nghiệp kỹ sư cầu cống từ trường nổi tiếng bậc nhất xứ Pháp École Polytechnique - ngôi trường vốn chỉ dành riêng cho sinh viên ưu tú nhất của nước Pháp và thế giới thời ấy.

Năm 1965, ông Nguyễn Ngọc Bích bị ung thư vòm họng. Bà Henriette đã đưa chồng trở về Việt Nam để có thể sống những ngày cuối cùng trên quê hương. Cũng ngay trong năm đó, ông Nguyễn Ngọc Bích mất. Còn lại một mình ở Việt Nam, bà Henriette Bùi Quang Chiêu đã không ngừng tích cực tham gia các hoạt động khám, cứu chữa bệnh cho nhân dân bị tai nạn trong chiến tranh, kể cả trong vùng giải phóng.

Bà Henriette khi về già

Bà Henriette khi về già

Năm 1970, bà Henriette tình nguyện phục vụ không lương trong ngành hộ sản và nhi khoa tại Bệnh viện Phú Thọ. Năm 1971, bà sang lại Pháp tiếp tục làm nghề y đến năm 1976 và mất vào ngày 27/4/2012 tại Paris, thọ 106 tuổi. Theo di nguyện của bà, tro cốt đưa về Việt Nam chia ra làm 2 phần, một phần lưu lại ở khu mộ dòng tộc Bùi Quang tại thị trấn Mỏ Cày (Bến Tre), một phần hợp táng với mộ chồng là ông Nguyễn Ngọc Bích, tại Thánh thất đạo Cao Đài, phường 6, TP. Bến Tre.

Được biết, bà Henriette đã hiến tặng biệt thự tư gia của bà ở số 28 đường Testard làm cơ sở cho Trường Đại học Y khoa Sài Gòn thuộc Viện Đại học Sài Gòn. Hiện nay, nơi này là địa điểm thuộc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở đường Võ Văn Tần, TP. HCM.

Với những đóng góp của mình, Henriette Bùi đã để lại cho hậu thế hình ảnh một bác sĩ mạnh mẽ, suốt đời làm việc không mệt mỏi cho người dân Việt còn nghèo khổ, cho nền y học Việt còn non trẻ.

>> Vị nữ tướng duy nhất của Quân đội Cách mạng Việt Nam được Bác Hồ ca ngợi 'cả thế giới chỉ nước ta có', là nữ Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đầu tiên của nước CHXHCN Việt Nam

Nữ hoàng Victoria - người phụ nữ đánh dấu thời kỳ chuyển mình của nước Anh

Người phụ nữ duy nhất trong lịch sử Việt Nam bất chấp việc ‘tru di tam tộc’ để vay lúa cứu dân, sẵn sàng tự xây trường, mở lớp dạy học và bốc thuốc chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/cuoc-doi-nu-bac-si-dau-tien-cua-viet-nam-tai-gioi-chan-dong-gioi-y-hoc-le-bong-sau-2-cuoc-hon-nhan-song-gio-song-den-106-tuoi-d117382.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cuộc đời nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam: Tài giỏi chấn động giới y học, lẻ bóng sau 2 cuộc hôn nhân sóng gió
    POWERED BY ONECMS & INTECH