"Cuộc tình" vội vã - UBS và Credit Suisse : "Nhát cứa" vào danh tiếng ổn định của Thụy Sĩ

23-03-2023 10:21|Băng Di

Hai ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ là UBS và Credit Suisse đang đàm phán về một thỏa thuận mua lại và sáp nhập - một động thái từ lâu được cho là không thể tưởng tượng được vì cả 2 quá giống nhau.

Cuộc “hôn nhân sắp đặt” giữa UBS và Credit Suisse tạo ra một ngân hàng có quy mô lớn chưa từng thấy ở Thụy Sĩ. Một số ý kiến hoài nghi rằng một siêu nhà băng không hẳn đã là điều tốt.

Tờ Financial Times đưa tin ngày 19/3, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS đã đồng ý mua Credit Suisse sau khi tăng đề nghị lên hơn 2 tỷ USD.

Quyết định này được đưa ra sau khi chính quyền Thụy Sĩ sẵn sàng thay đổi luật để bỏ qua một cuộc bỏ phiếu của cổ đông về giao dịch khi các bên phải gấp rút hoàn tất thỏa thuận trước ngày 20/3 (giờ địa phương).

Thỏa thuận giữa hai ngân hàng lớn nhất của Thụy Sĩ sẽ được ký kết ngay sau tối 19/3 và được định giá bằng một phần giá đóng cửa của Credit Suisse hôm 17/3.

UBS sẽ trả hơn 0,5 franc Thụy Sĩ (0,54 USD) cho một cổ phiếu của Credit Suisse bằng cổ phiếu của chính mình, tăng từ mức giá 0,25 franc Thụy Sĩ (0,27 USD) vào đầu ngày 19/3, nhưng thấp hơn nhiều so với giá đóng cửa 1,86 franc Thụy Sĩ (2,01 USD) của Credit Suisse hôm 17/3.

Trước khi diễn ra thương vụ mua lại, cả UBS và Credit Suisse đều đã nằm trong danh sách 30 ngân hàng lớn nhất thế giới, đóng vai trò quan trọng chiến lược trong hệ thống ngân hàng toàn cầu và quá lớn để có thể sụp đổ.

Một số người trong ngành và giới chính trị không tin rằng một ngân hàng lớn hơn sẽ tốt hơn. Đến nay, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời.

Những thương vụ mua lại lớn như vậy thường phải mất mấy tháng đàm phán, nhưng UBS đưa ra quyết định chỉ sau vài ngày, dưới sức ép của giới chức Thụy Sĩ.

Tổng giám đốc điều hành UBS Ralph Hamers thừa nhận tại một hội nghị rằng,l ông vẫn chưa nắm được hết các chi tiết của thỏa thuận mua lại.

Credit Suisse - ngân hàng 167 năm tuổi và lớn thứ hai của Thụy Sĩ đã chịu nhiều áp lực sau sự sụp đổ của hai ngân hàng tại Mỹ là Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank (SB).

Giá trị thị trường của ngân hàng này đã bị giáng một đòn nặng nề do những lo ngại về hiệu ứng "domino" sau sự sụp đổ của SVB và SB, cùng với việc công bố báo cáo thường niên của Credit Suisse, trong đó chỉ ra "những điểm yếu quan trọng" trong kiểm soát nội bộ.

Theo các chuyên gia, việc gộp các ngân hàng lại sẽ làm giảm tính cạnh tranh và không tạo nên điều kiện tài chính tốt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Việc tiếp quản cưỡng ép cũng vấp phải chỉ trích mạnh mẽ trong giới chính trị. Các chính trị gia kêu gọi phải thắt chặt kiểm soát hơn nữa, dù việc kiểm soát vốn đã chặt chẽ ở Thuỵ Sĩ, sau khi siêu ngân hàng ra đời sẽ thống trị ngành ngân hàng của quốc gia.

Vụ sụp đổ của Credit Suisse giáng một đòn mạnh vào danh tiếng ổn định của Thuỵ Sĩ.

UBS lỗ đậm sau thương vụ thâu tóm Credit Suisse

Ngân hàng Thụy Sỹ đưa ra chiến lược ngăn chặn các đợt rút tiền hàng loạt

Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS ghi nhận lợi nhuận kỷ lục sau khi tiếp quản Credit Suisse

Bài thuộc chủ đề Ngân hàng
Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cuoc-tinh-voi-va-ubs-va-credit-suisse-nhat-cua-vao-danh-tieng-on-dinh-cua-thuy-si-174916.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
"Cuộc tình" vội vã - UBS và Credit Suisse : "Nhát cứa" vào danh tiếng ổn định của Thụy Sĩ
POWERED BY ONECMS & INTECH