Giờ G đã điểm: Mỹ-Trung chính thức bước vào bàn đàm phán thương mại
Giới quan sát nhận định Trung Quốc có thể đang tìm kiếm một lệnh miễn áp thuế tạm thời trong 90 ngày – tương tự như Washington đã áp dụng với các nước khác.
Phó Thủ tướng Trung Quốc He Lifeng đã bắt đầu cuộc đàm phán với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent vào sáng thứ 7 (ngày 10/5, theo giờ Mỹ) tại Geneva, đánh dấu bước đi đầu tiên mang tính thăm dò nhằm hạ nhiệt cuộc chiến thương mại đang làm rối loạn nền kinh tế toàn cầu.

Cuộc gặp giữa ông Bessent và ông He diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, với mức thuế áp lên hàng hóa nhập khẩu của hai bên đã vượt ngưỡng 100%.
Địa điểm cụ thể của cuộc đàm phán không được công bố, tuy nhiên, các nhân chứng cho biết đã thấy hai phái đoàn rời khỏi tư dinh Đại sứ Thụy Sĩ tại Liên Hợp Quốc, tọa lạc ở khu ngoại ô yên tĩnh Cologny, vào khoảng giữa trưa.
Hơn hai tiếng trước cuộc gặp, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Jamieson Greer đã mỉm cười rời khách sạn để đến địa điểm đàm phán, với cà vạt đỏ và huy hiệu cờ Mỹ nổi bật trên ve áo. Cả hai giữ im lặng trước truyền thông.
Cùng lúc đó, những chiếc xe van Mercedes có cửa kính tối màu chở phái đoàn Trung Quốc rời khách sạn bên bờ hồ Geneva.

Washington đang cố gắng giảm thâm hụt thương mại với Bắc Kinh và muốn Trung Quốc thay đổi mô hình kinh tế thiên về xuất khẩu – điều mà Mỹ cho là không công bằng.
Về phần mình, Trung Quốc cho rằng Mỹ đang can thiệp vào công việc nội bộ và yêu cầu Washington hạ thuế, làm rõ các yêu cầu mua hàng, cũng như đối xử công bằng với Bắc Kinh trên trường quốc tế.
Giới phân tích kinh tế tỏ ra dè dặt về khả năng đột phá của cuộc gặp, trong bối cảnh cả hai bên đều không muốn bị xem là nhượng bộ.
Phát biểu hôm 9/5, Tổng thống Trump cho rằng mức thuế 80% đối với hàng hóa Trung Quốc là "hợp lý", lần đầu tiên đưa ra một con số cụ thể thay thế cho mức thuế 145% hiện hành. Ông cho biết cuộc đàm phán lần này do Trung Quốc đề xuất. Trong khi đó, Bắc Kinh lại khẳng định Mỹ là bên đề xuất, và lập trường phản đối thuế quan của họ không thay đổi.
Giới quan sát nhận định Trung Quốc có thể đang tìm kiếm một lệnh miễn áp thuế tạm thời trong 90 ngày – tương tự như Washington đã áp dụng với các nước khác – nhằm tạo không gian cho đàm phán. Việc giảm thuế hoặc duy trì đàm phán sẽ là tín hiệu tích cực với các nhà đầu tư.
Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ Guy Parmelin – người đã gặp cả hai đoàn tại Geneva – cho rằng chỉ riêng việc cuộc đối thoại diễn ra đã là một thành công. "Nếu họ có thể vạch ra một lộ trình và tiếp tục đàm phán, đó sẽ là yếu tố giúp hạ nhiệt căng thẳng", ông nói, đồng thời tiết lộ các cuộc gặp có thể kéo dài đến Chủ nhật hoặc thậm chí thứ Hai.
Thụy Sĩ đã đóng vai trò trung gian tổ chức cuộc gặp, sau những chuyến thăm gần đây của quan chức nước này đến Trung Quốc và Mỹ.
Theo kế hoạch, ông He Lifeng cũng sẽ có cuộc gặp với Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) – bà Ngozi Okonjo-Iweala, người trước đó đã hoan nghênh cuộc gặp là "bước đi tích cực và mang tính xây dựng nhằm giảm leo thang", đồng thời kêu gọi duy trì đối thoại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Tham khảo Reuters
>> Nóng: Ông Trump bất ngờ tiết lộ mức thuế mới có thể được áp cho Trung Quốc?
Vội vã mua ô tô tránh thuế quan, người dân Mỹ đối mặt ‘cú sốc’ nợ nần
Toyota thiệt hại 1,3 tỷ USD lợi nhuận trong hai tháng vì thuế quan của Mỹ