Đại biểu: Để tình trạng khách du lịch đem nồi nấu lẩu ở hồ Xuân Hương là thất bại
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Trần Văn Hiệp và một số chuyên gia cho rằng nếu để du lịch Đà Lạt trở thành du lịch bình dân là thất bại.
Nhận định về tình hình phát triển du lịch tại Đà Lạt
Tại kỳ họp thứ 12 Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2021-2026, ngày 8/12, ông Trần Văn Hiệp, chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã có trao đổi liên quan đến phát triển du lịch tại Đà Lạt và toàn tỉnh Lâm Đồng. Ông Hiệp cho rằng có một số vấn đề cần lưu ý, trong đó cần phải làm sao nâng cao chất lượng du lịch, nâng cao chất lượng để tăng chi tiêu của du khách.
"Nếu để du lịch Đà Lạt trở thành du lịch bình dân là thất bại. Đi du lịch mà đem theo nồi, đem theo lẩu ra hồ Xuân Hương nấu ăn, lấy lều lấy võng treo lên ngủ lại ngày mai về là chúng ta thất bại", Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nêu ví dụ.
Theo ông Hiệp, tỉnh Lâm Đồng phải phát triển du lịch chất lượng cao, chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh của địa phương; nhanh chóng khắc phục những tồn tại để nâng cao chất lượng, không để TP. Đà Lạt trở thành nơi du lịch bình dân.
Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có định hướng phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, thúc đẩy những chuyển biến ngành du lịch từ số lượng sang chất lượng cao, có sản phẩm chất lượng cao để du khách có điều kiện chi tiêu nhiều hơn và lưu trú tại Đà Lạt lâu hơn. Kinh tế đêm cũng là một giải pháp để hiện thực hóa định hướng nói trên.
Thực trạng phát triển du lịch của Đà Lạt hiện nay
Trước đó, ngày 4/12, UBND TP. Đà Lạt tổ chức hội thảo khoa học “130 năm Đà Lạt - lịch sử - thực trạng - định hướng cho sự phát triển”. Gần 50 nhà khoa học và lãnh đạo các sở ban ngành trong và ngoài tỉnh có bài tham luận và ý kiến đóng góp cho hội thảo.
PGS.TS Bùi Trung Hưng - Đại học Công nghệ Đồng Nai - nhấn mạnh, theo Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Đà Lạt là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực, quốc tế.
Thế nhưng, thực tế, vì muốn hút khách tức thời, chạy theo lợi nhuận, nhiều đơn vị tạo ra các sản phẩm đạo nhái phản cảm, kém văn hóa.
Mặt khác, phong trào kinh doanh homestay nở rộ lên tới hàng trăm hộ. Đã xảy ra nhiều vụ lấn chiếm đất rừng để làm homestay, mà đa số là những nhà nghỉ giá rẻ, tạm bợ, thiếu an toàn, an ninh, ảnh hưởng tới lợi ích của du khách.
Cũng theo ông Hưng, các khu du lịch thường được giao thuê đất gắn với thắng cảnh và rừng đặc dụng. Tại một số khu du lịch, vì muốn tăng nhanh doanh thu, nhiều chủ đầu tư đã có những vi phạm về trật tự xây dựng, môi trường, thậm chí phá cả rừng cảnh quan, vốn được bảo vệ nghiêm ngặt.
Sau hàng loạt những tác động từ hoạt động sống có phần quá nhanh của con người, hệ sinh thái, khí hậu tiểu vùng, nhiều cảnh quan thiên nhiên của Đà Lạt đã bị suy giảm nghiêm trọng. Khi du khách tập trung quá đông vào thời gian ngắn sẽ tạo áp lực lên hệ thống hạ tầng giao thông, lưu trú và các dịch vụ khác.
Theo đó, để phát triển bền vững với tiềm năng của đô thị đặc thù, tại khu vực trung tâm TP. Đà Lạt, trong vòng bán kính 5 km, nên dừng các công trình cao tầng, sắp xếp lại các khách sạn, nhà nghỉ không đạt tiêu chuẩn, giãn dần mật độ các khu dân cư.
Đà Lạt cần có các biện pháp cấp bách nhằm khôi phục hệ sinh thái, chấm dứt những hoạt động sản xuất - kinh doanh không thân thiện với môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, nhất là giữ bản sắc riêng có.
"Đà Lạt mới khai thác tài nguyên tự nhiên mà chưa chú trọng tài nguyên văn hóa. Đà Lạt nên chú trọng phát triển kinh tế đêm bởi hiện nay trên thế giới, kinh tế đêm đóng góp 70% doanh thu du lịch, còn kinh tế ban ngày chỉ đóng góp 30%", Thạc sĩ Lê Thị Ngọc Trà - Đại học Yersin Đà Lạt cho biết.
Ngày nay thế hệ trẻ đã trở thành lực lượng chính trên thị trường du lịch và rất chú trọng đến trải nghiệm văn hóa. Đà Lạt cần có thêm các rạp hát, quán trà, hiệu sách, chợ du lịch đêm; nghệ thuật đường phố độc đáo…
Bên cạnh đó, đầu tư hệ thống thắp sáng TP. Đà Lạt, tạo ra môi trường tiêu dùng ban đêm đầy màu sắc; lấy không gian Tây Nguyên lịch sử và văn hóa làm linh hồn, đồng thời phát triển màn trình diễn ánh sáng nghệ thuật trên hồ Xuân Hương thơ mộng.