Đại biểu Quốc hội: Tân Hoàng Minh nộp khắc phục 8.000 tỷ đồng, đáng lẽ có thể trả ngay cho bị hại nhưng phải gửi vào kho bạc
Các đại biểu nêu những bất cập trong những vụ án lớn kéo dài, khiến vật chứng như nhà xưởng, máy móc, phương tiện xuống cấp, không thể sử dụng, gây lãng phí nghiêm trọng.
Ngày 9/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội) cho biết, trong thực tế có nhiều vụ án lớn kéo dài 1-2 năm, đôi khi lâu hơn, khiến vật chứng như nhà xưởng, máy móc, phương tiện xuống cấp, không thể sử dụng, gây lãng phí nghiêm trọng.
Các vụ án liên quan đến ngân hàng, điển hình là Tân Hoàng Minh, cũng bộc lộ sự bất cập khi bị cáo đã nộp khắc phục thiệt hại hơn 8.000 tỷ đồng, đáng lẽ có thể trả ngay cho bị hại nhưng theo quy định thì số tiền trên phải gửi vào kho bạc và chờ đến khi xét xử, gây thiệt hại cho các bên khi số tiền này không được lưu thông.
Đại biểu Chính đề xuất mở rộng phạm vi thí điểm xử lý vật chứng, tài sản đối với tất cả các vụ án hình sự thay vì giới hạn trong án tham nhũng theo dự thảo. Hiện tại, số vụ án tham nhũng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với án hình sự thông thường, nhưng số tài sản kê biên trong các vụ án này rất lớn. Do đó, nếu chỉ thí điểm trong án tham nhũng thì sẽ không giải quyết được tình trạng quá tải trong việc bảo quản vật chứng của các cơ quan công an địa phương.
Việc thí điểm xử lý tang vật trong vụ án hình sự, theo đại biểu, là cần thiết để giảm thiểu lãng phí tài sản, góp phần bảo vệ quyền lợi và giảm thiệt hại cho các bên liên quan.
Hình ảnh tại cuộc họp, nguồn: Internet |
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Thừa Thiên Huế) nhấn mạnh, Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành đã quy định đầy đủ trình tự, thủ tục tố tụng trong từng giai đoạn, là công cụ hiệu quả để đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Tuy nhiên, nhiều quy định về xử lý vật chứng đang gặp khó khăn, vướng mắc do các điều chỉnh pháp luật chưa kịp thích ứng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Hải nêu thực trạng từ các vụ án lớn như FLC, AIC, Việt Á, Tân Hoàng Minh, khi việc thu giữ và phong tỏa tài sản lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Quá trình điều tra và xét xử kéo dài đã làm tài sản bị đóng băng, lãng phí cơ hội kinh doanh và giảm giá trị. Đặc biệt, trong nhiều trường hợp, pháp luật chưa có quy định tạm ngừng giao dịch với tài sản thuộc về các cá nhân liên quan đến hành vi phạm tội, dẫn đến nguy cơ tẩu tán tài sản.
Số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại Vietcombank, VietinBank và BIDV
Kho bạc Nhà nước rút hơn 110.000 tỷ khỏi Vietcombank, VietinBank và BIDV trong quý III/2024