Chứng khoán

Đèo Cả chạy đua tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc 14.000 tỷ đồng nối Cao Bằng - Lạng Sơn

Ánh Nguyệt 17/08/2024 10:00

Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh trong năm 2024.

Vào ngày 15/8, tại Cao Bằng, Ban Chỉ đạo dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) tổ chức họp để đánh giá kết quả thực hiện và thảo luận giải pháp đẩy mạnh triển khai các công việc trọng tâm trong thời gian tới.

Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo, công tác giải phóng mặt bằng tại Cao Bằng đã đạt 35,36/41,55 km (tương đương 85%), đáp ứng tiến độ thi công. Tại Lạng Sơn, công tác giải phóng mặt bằng đạt 11,95/51,8 km (tương đương 23%), nhà đầu tư và nhà thầu đã ứng trước tiền để người dân bàn giao một phần mặt bằng trong khi chờ hoàn thiện thủ tục.

Hiện tại, dự án đang thiếu khoảng 1,9 triệu m³ vật liệu đất đắp. Do đó, doanh nghiệp dự án đã đề xuất bổ sung 4 mỏ đất mới (2/4 đã được chấp thuận) và thực hiện phương án hạ cốt san nền khu vực quanh dự án. Đồng thời, doanh nghiệp tiếp tục phối hợp với các bên liên quan để hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác mỏ đất theo cơ chế đặc thù.

Đèo Cả chạy đua tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc 14.000 tỷ đồng nối Cao Bằng - Lạng Sơn
Tập đoàn Đèo Cả đề xuất hoàn thành tiến độ giải phóng mặt bằng trong năm 2024

>> Tập đoàn Đèo Cả: Hơn 700 nhân sự cùng 300 máy móc thi công 2 tuyến cao tốc nối Cao Bằng - Lạng Sơn tổng vốn 34.000 tỷ đồng

Công tác khảo sát hiện trường và làm phòng thí nghiệm đã hoàn thành 100% và thiết kế kỹ thuật phần tuyến (bao gồm cầu) đã hoàn thành 97% (90,5 km/93,35 km). Dự kiến trong tháng 10/2024, việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật sẽ hoàn thành.

Trên công trường, đã huy động 623 nhân sự, 248 máy móc thiết bị và triển khai 22 mũi thi công đồng loạt theo các phân đoạn mặt bằng đã bàn giao.

Về công tác thu xếp và giải ngân vốn, phần vốn ngân sách Nhà Nước mới chỉ giải ngân được 64,3/2.449 tỷ đồng (đạt 2,6% vốn bố trí năm 2024). Công tác hoàn thiện thủ tục giải ngân vốn của Kho bạc Nhà nước tỉnh Cao Bằng còn chậm trễ.

Về vốn chủ sở hữu, nhà đầu tư đã giải ngân 63 tỷ đồng cho dự án, bao gồm 34 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng và 26,1 tỷ đồng cho tư vấn thi công. Ngân hàng VPBank đã thông báo cấp tín dụng với hạn mức 2.300 tỷ đồng và doanh nghiệp dự án đang tiếp tục thương thảo hợp đồng và điều kiện giải ngân.

Tại cuộc họp, Tập đoàn Đèo Cả đề xuất UBND tỉnh Cao Bằng báo cáo Chính phủ điều chuyển 150ha chỉ tiêu đất giao thông cho tỉnh Lạng Sơn để đảm bảo chỉ tiêu sử dụng đất cho dự án trong quý IV/2024.

Đồng thời, Đèo Cả kiến nghị tỉnh Cao Bằng hoàn thành giải phóng mặt bằng trong tháng 9/2024, tỉnh Lạng Sơn đạt 70% trong tháng 9 và hoàn thành 100% trong năm 2024. Ngoài ra, doanh nghiệp dự án đề xuất UBND tỉnh Cao Bằng cấp phép mỏ vật liệu cho dự án và thống nhất cải tạo, tận dụng đất dôi dư dành riêng cho dự án trong tháng 8/2024.

Về bãi thải, doanh nghiệp dự án đề nghị UBND tỉnh bổ sung các bãi thải phát sinh trong quá trình thi công và giao các địa phương chủ trì công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho dự án trong quý IV/2024.

Đèo Cả chạy đua tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc 14.000 tỷ đồng nối Cao Bằng - Lạng Sơn
Nguồn: Tập đoàn Đèo Cả

Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh đã giao Ban chỉ đạo phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương để hoàn thiện thủ tục phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư. Ông cũng yêu cầu lãnh đạo hai huyện Thạch An và Quảng Hoà khẩn trương phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng để bàn giao cho doanh nghiệp dự án thi công.

Đối với đề xuất hạ cốt san nền để có nguồn đất đắp, Bí thư Trần Hồng Minh đã thống nhất và giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện trong tháng 8/2024, trường hợp có vướng mắc phải báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước ngày 23/8. Ngoài ra, ông yêu cầu các cơ quan phối hợp với đơn vị thiết kế để hoàn thiện các thủ tục tư vấn và kịp tiến độ phê duyệt thiết kế kỹ thuật trong tháng 10/2024.

Bên cạnh đó, ông Trần Hồng Minh cũng yêu cầu các cơ quan tăng cường phối hợp với các bên liên quan để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, tập trung tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là về vấn đề giải ngân vốn và khai thác mỏ vật liệu.

Được biết, dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121km với 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 có chiều dài 93,35 km, điểm đầu tại tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng (tỉnh Lạng Sơn) và điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa (tỉnh Cao Bằng). Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 14.331 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026, thời gian hoàn vốn dự kiến là 24 năm 10 tháng.

Theo đó, vào tháng 12/2023, liên danh CTCP Tập đoàn Đèo Cả - CTCP Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam - CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV) - CTCP Xây dựng Công trình 568 được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án.

>> 'Vua đào hầm' Đèo Cả dồn lực hoàn thành cao tốc 20.000 tỷ đồng, nơi có hầm đường bộ dài thứ 3 cả nước

Phát Đạt (PDR) cập nhật tiến độ loạt dự án trọng điểm, sắp bỏ túi 35.000 tỷ đồng doanh thu

Cập nhật tiến độ dự án khu đô thị hơn 23.000 tỷ đồng của Vinhomes (VHM)

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/deo-ca-chay-dua-tien-do-giai-phong-mat-bang-cao-toc-14000-ty-dong-noi-cao-bang-lang-son-245646.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đèo Cả chạy đua tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc 14.000 tỷ đồng nối Cao Bằng - Lạng Sơn
    POWERED BY ONECMS & INTECH