Điểm danh những thị trường giúp lao động Việt Nam 'hái ra tiền'
Khoảng 80% lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trong các ngành thâm dụng lao động như sản xuất chế tạo, bao gồm cơ khí, may mặc, giày da và lắp ráp điện tử.
Theo báo cáo "Hồ sơ di cư Việt Nam 2023" do Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao công bố, Hàn Quốc - hiện là quốc gia có mức thu nhập cao nhất cho lao động Việt Nam, với mức lương từ 1.600-2.000 USD/tháng.
Tiếp theo là Nhật Bản, nơi mức lương dao động từ 1.200-1.500 USD/tháng, và Đài Loan (Trung Quốc) với mức lương khoảng 800-1.200 USD/tháng. Nhiều quốc gia châu Âu cũng cung cấp mức thu nhập hấp dẫn tương đương, mở ra nhiều lựa chọn cho lao động Việt Nam.
Ngược lại, thị trường lao động tại Trung Đông và Malaysia ghi nhận mức lương thấp hơn, chỉ khoảng 600-1.000 USD/tháng cho lao động có tay nghề và 400-600 USD/tháng cho lao động phổ thông.
Tất cả các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam đều có mức lương tối thiểu vượt trội so với thu nhập trong nước, tạo sức hút lớn cho những người muốn cải thiện chất lượng cuộc sống. Năm 2022, các thị trường nổi bật như:
- Nhật Bản và Hàn Quốc: Hai quốc gia này không chỉ có mức lương tối thiểu cao gấp 7-9 lần so với mức trung bình trong nước mà còn cung cấp môi trường làm việc chuyên nghiệp cùng nhiều cơ hội phát triển kỹ năng.
- Australia và New Zealand: Với mức lương tối thiểu cao gấp 15 lần so với trong nước, hai quốc gia này không chỉ mang lại thu nhập tốt mà còn cung cấp phúc lợi toàn diện và môi trường làm việc hiện đại, thuận lợi cho việc học hỏi và nâng cao trình độ.
- Các quốc gia châu Á: Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan mặc dù không cao bằng Nhật Bản hay Australia, nhưng mức lương tại đây vẫn cao hơn đáng kể so với Việt Nam, giúp lao động ổn định thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Tất cả các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam đều có mức lương tối thiểu vượt trội so với thu nhập trong nước. Ảnh minh hoạ |
>> TP. HCM chỉ điểm 3 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhân lực cao nhất
Hiện nay, có hơn 650.000 lao động Việt Nam làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, đóng góp khoảng 3,5-4 tỷ USD kiều hối mỗi năm cho nền kinh tế. Giai đoạn 2017-2023 (trừ thời gian dịch bệnh Covid-19), số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng duy trì ổn định trên 100.000 người mỗi năm, với mức tăng khoảng 10.000 người/năm.
Tuy nhiên, trong năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lao động ra nước ngoài giảm mạnh, chỉ đạt 78.641 người vào năm 2020 và 45.048 người vào năm 2021.
Từ năm 2022, tình hình đã được cải thiện rõ rệt, khi số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng lên 142.779 người, tiếp tục đạt 159.986 người trong năm 2023. Thị trường lao động đang ngày càng mở rộng, với các thị trường chính bao gồm Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia.
Đáng chú ý, lao động nữ chiếm từ 30% đến hơn 40% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó số lượng lao động nữ cao nhất tập trung tại hai thị trường Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản. Trong số các thị trường trọng điểm, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc vẫn là những điểm đến chính, với Nhật Bản liên tục đứng đầu trong việc tiếp nhận lao động Việt Nam trong 5 năm qua. Việt Nam cũng đang mở rộng cơ hội sang các thị trường tiềm năng như Australia, New Zealand, Đức và Hungary.
Về địa phương có số lượng lao động đi nước ngoài cao, khu vực Đồng bằng sông Hồng dẫn đầu với hơn 32.600 người, đến từ các tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nội, Thái Bình, Ninh Bình và Hải Phòng. Khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung xếp thứ hai với hơn 25.500 lao động, tập trung tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị.
Khoảng 80% lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trong các ngành thâm dụng lao động như sản xuất chế tạo, bao gồm cơ khí, may mặc, giày da và lắp ráp điện tử. Các lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, thủy sản và dịch vụ cũng thu hút một lượng lớn lao động, đặc biệt trong công việc chăm sóc người cao tuổi và giúp việc gia đình.