Diễn biến mới nhất về dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ 5,4 tỷ USD
Bộ KH&ĐT đã hoàn tất công tác thẩm định về đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 5714/VPCP-CN gửi Bộ trưởng các Bộ gồm: Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Giao thông vận tải (GTVT), Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Khoa học và Công nghệ (KH&CN); Chủ tịch UBND TP. HCM truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà liên quan đến Báo cáo thẩm định số 5590/BC – BKHĐT đối với Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn (cảng Cần Giờ) của Bộ KH&ĐT.
Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì cuộc họp về đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Nhằm đảm bảo nội dung của cuộc họp này, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ban ngành chức năng căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, trách nhiệm cơ quan thẩm định để nghiên cứu có ý kiến về các kiến nghị và đánh giá của Bộ KH&ĐT tại Báo cáo thẩm định và có ý kiến cụ thể về các nội dung.
Cụ thể:
Bộ GTVT có ý kiến về sự phù hợp phát triển hệ thống cảng biển, quy hoạch liên quan đến từng giai đoạn đầu tư của dự án, chủ trì phối hợp với Bộ KH&CN thẩm định công nghệ đối với dự án theo Luật chuyển giao công nghệ; có ý kiến về các nội dung liên quan đến giao thông kết nối nhằm phục vụ khai thác bến cảng, tác động của dự án đến các cảng biển trong khu vực như cảng Cái Mép Hạ, Cái Mép - Thị Vải, cảng Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bộ TN&MT khẳng định rõ quan điểm về tác động môi trường của dự án này, cùng sự phù hợp của nhu cầu sử dụng đất của dự án với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT được giao trách nhiệm có ý kiến về thẩm quyền, trình tự, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của dự án theo quy định của Luật Lâm nghiệp, Luật Đầu tư cũng như các Nghị định có liên quan.
Bộ Ngoại giao được giao trách nhiệm có ý kiến về quy định quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới cũng như các nội dung liên quan đến tác động, ảnh hưởng của dự án đến khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ cần nghiên cứu kỹ quy định của pháp luật về đầu tư, môi trường, đất đai, lâm nghiệp... về các nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc các Bộ cần nêu rõ ý kiến về việc: Sau khi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ được hiểu là đã cho phép về môi trường, đất đai, quy hoạch... hay phải được phê duyệt các quy hoạch, môi trường, đất đai... rồi mới có căn cứ để chấp thuận chủ trương.
Các Bộ có trách nhiệm gửi văn bản đến Bộ KH&ĐT trong ngày 15/8 để tiến hành tổng hợp, hoàn thiện báo cáo với Phó Thủ tướng trước khi bắt đầu cuộc họp.
Trên cơ sở ý kiến của các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ giao Bộ KH&ĐT tổng hợp, rà soát kỹ các nội dung thẩm định theo đúng quy định của pháp luật.
Trong đó: Cần khẳng định rõ nội dung đánh giá sự phù hợp với quy hoạch đã tuân thủ Nghị định số 31/2021 và pháp luật có liên quan; cơ sở pháp lý về việc phê duyệt chủ trương đầu tư với thời gian đầu tư trong vòng 22 năm, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2045.
Báo cáo cũng cần bổ sung rõ quy mô đầu tư, công suất hàng hóa thông qua bến cảng trong từng giai đoạn; rà soát tên dự án nhằm đảm bảo thống nhất với các văn bản có liên quan; bổ sung nội dung đánh giá việc đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài (nếu có).
Nội dung kiến nghị cần phải nêu ý kiến rõ rằng dự án này đã đảm bảo đầy đủ điều kiện và đủ cơ sở pháp lý để Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án hay chưa.
UBND TP. HCM được giao trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT trong quá trình hoàn thiện báo cáo.
Đề án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 5,4 tỷ USD đã được lãnh đạo TP. HCM giao cho Sở GTVT TP. HCM thực hiện, được trình Thủ tướng Chính phủ vào giữa tháng 3/2024.
Trước đó, đề án này được chuẩn bị khá kỹ lưỡng sau chuyến thị sát của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo TP. HCM diễn ra vào ngày 18/7/2023, trong đó còn có Dự án KĐT lấn biển Cần Giờ.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh việc đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được đặt trong lợi ích, chiến lược phát triển kinh tế biển của cả nước.
Lãnh đạo Chính phủ lưu ý phải xem Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và cảng Cái Mép - Thị Vải là một cụm cảng không tách rời.
Theo đề án, vị trí cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm ở khu vực Cù Lao Con Chó (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ); đây là vị trí ở "cửa sông" Cái Mép - Thị Vải, trong vịnh Gành Rái, nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, tối ưu cho cả trung chuyển nội địa và trung chuyển quốc tế.
Nếu được chấp thuận chủ trương đầu tư, xây dựng và hoàn thành, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TP. HCM và khu vực, thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước, góp phần vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới; tạo lực đẩy hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM.
>> Được 'gỡ nút thắt', thị trường nhà ở Hà Nội bước vào chu kỳ mới
Quận rộng nhất Hà Nội sẽ đón đô thị mới từ đất khu công nghiệp?
Tập đoàn Mường Thanh chính thức sở hữu khách sạn cuối cùng của Hoàng Anh Gia Lai (HAG)