'Doanh nhân bị hoãn xuất cảnh vì nợ thuế vẫn chưa phải biện pháp mạnh nhất để thu hồi nợ'
Trước những lo ngại về việc việc cấm xuất cảnh các doanh nghiệp, doanh nhân, các chuyên gia cho rằng nghĩa vụ thuế là trách nhiệm, không có ngoại lệ và đây chưa phải là hình thức cưỡng chế mạnh nhất.
Liên tục các doanh nghiệp, doanh nhân bị cấm xuất cảnh
Năm 2024, số lượng thông báo tạm hoãn xuất cảnh đã tăng đáng kể so với năm trước. Tính từ đầu năm 2023 đến tháng 8/2024, cơ quan thuế đã ban hành 17.952 thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với 17.952 trường hợp, với số tiền thuế nợ là 30.388 tỷ đồng.
Trong số này, 10.829 trường hợp là người nộp thuế đã bỏ địa chỉ kinh doanh, với khoản nợ hơn 6.894 tỷ đồng. Con số này vượt xa so với năm 2023 khi chỉ có 2.411 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh với tổng nợ thuế là 6.719 tỷ đồng.
Liên tục các doanh nghiệp, doanh nhân bị cấm xuất cảnh. |
Câu chuyện cấm xuất cảnh đối với người nợ thuế không mới, nhưng sự việc ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Bamboo Airways mới đây bị tạm hoãn xuất cảnh vì doanh nghiệp nợ thuế tiếp tục gây “xôn xao” về biện pháp này.
Trước thực trạng liên tục các doanh nghiệp doanh nhân bị cấm xuất cảnh, hiện, dư luận băn khoăn rằng thông tin doanh nhân, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh có thể ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nhân, doanh nghiệp. Thậm chí thông tin này cũng khá “nhạy cảm” trong việc hợp tác kinh doanh, làm trầm trọng hơn những khó khăn cho doanh nghiệp, tiếp tục ảnh hưởng đến việc hoàn thành nghĩa vụ thuế của họ.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng thuế là nghĩa vụ doanh nghiệp phải hoàn thành. Việc cấm xuất cảnh với người nợ thuế là biện pháp mạnh để tăng cường thu hồi nợ thuế. Điều này đã được quy định trong luật nên không thể có đặc cách hay ngoại lệ.
Ông Thịnh cũng cho hay trước khi cơ quan thuế cấm xuất cảnh thường đã thông báo tới người nợ thuế qua nhiều phương tiện như ứng dụng thuế điện tử eTax Mobile, nhắn tin, email… chứ không “âm thầm” cấm xuất cảnh hay cứ nợ là cấm.
Tuy vậy, ông Thịnh cũng nêu, với những khoản nợ thuế nhỏ, cơ quan chức năng cần có các quy định linh động hơn để ứng xử với các trường hợp hoãn xuất cảnh. Ví dụ có cơ chế để người nợ thuế khắc phục nợ thuế ngay và gỡ lệnh cấm xuất cảnh luôn.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng thuế là đạo luật quan trọng nhất của kinh doanh và doanh nghiệp phải nghiêm túc với nghĩa vụ thuế.
“Ở các nước, các vi phạm về nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp có thể bị xử lý khá nặng. Ở Việt Nam chưa quen với các thông lệ này nên cảm giác điều đó nặng nề”, ông Đức nêu.
Về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với doanh nhân quản lý doanh nghiệp nợ thuế sẽ tác động hạ uy tín cá nhân của họ, ông Đức cho rằng cần nhìn nhận công bằng, cơ quan thuế cũng chịu ràng buộc các nghĩa vụ và làm theo quy định.
Dù vậy, ông Đức cũng chia sẻ rằng người Việt có tâm lý “hễ dính pháp luật là ngại. Trong tâm lý của xã hội, việc tạm hoãn xuất cảnh ai đó, người ta nghĩ ngay việc doanh nghiệp đó, người đó có nguy cơ về tội hình sự, bị bắt, khởi tố… Đây là thông điệp khá nặng nề”.
Do đó, theo luật sư Đức, người thực thi pháp luật cần hợp lý, hợp tình và hợp hoàn cảnh; không nên máy móc, căng thẳng đối với doanh nghiệp nếu doanh nghiệp quá khó khăn.
>>Thu hồi được 53.771 tỷ đồng tiền nợ thuế trong 8 tháng đầu năm 2024
Hoãn xuất cảnh chưa phải biện pháp cưỡng chế thuế mạnh nhất
Trước đó, tại bà Đỗ Thị Hồng Minh, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý nợ, Tổng cục Thuế cho biết: “Cơ quan thuế rà soát đối chiếu và xác định chính xác số tiền nợ thuế của người nộp thuế, sau đó mới ban hành thông báo tạm hoãn xuất cảnh và gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, đồng thời gửi đến người nộp thuế để người nộp thuế biết và hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh”.
Hoãn xuất cảnh chưa phải biện pháp cưỡng chế thuế mạnh nhất. |
Theo bà Minh, không phải trường hợp nào cũng bị tạm hoãn xuất cảnh. Biện pháp cưỡng chế này được tăng cường áp dụng đối với những người nộp thuế nợ lớn quá lâu, các trường hợp nợ chây ỳ không chấp hành nộp vào Ngân sách Nhà nước, đặc biệt tập trung rà soát và áp dụng tạm hoãn xuất cảnh đối với những người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, nhưng vẫn còn nợ thuế.
Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, quy định về tạm hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế đã được áp dụng từ nhiều năm qua, đặc biệt là trong các bộ luật như Luật Quản lý thuế 2020 và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, có hiệu lực từ tháng 7/2020.
“Luật đã quy định rồi. Một cá nhân có trách nhiệm đại diện, điều hành pháp nhân, thì khi pháp nhân nợ thuế, cá nhân đấy phải chịu tạm hoãn xuất cảnh đến khi pháp nhân hoàn thành nghĩa vụ thuế”, ông Minh nói.
Ông Minh cho rằng tạm hoãn xuất cảnh là một trong những biện pháp thu nợ thuế, nhưng chưa phải biện pháp mạnh nhất. Biện pháp cơ quan thuế đang áp dụng nhiều nhất là dừng sử dụng hóa đơn, mức độ mạnh hơn nhiều.
Đại diện Tổng cục Thuế cũng khẳng định không phải tất cả cá nhân nợ thuế đều bị tạm hoãn xuất cảnh, mà việc này chỉ áp dụng với một số ít người.
“Theo quy định của pháp luật, việc tạm hoãn xuất cảnh chỉ thực hiện với những cá nhân ra nước ngoài không quay trở lại, hoặc rất lâu sau mới quay trở lại Việt Nam, nguy cơ không thu hồi được nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính thuế rất cao. Còn với người dân ra nước ngoài du lịch, chữa bệnh, thăm thân, hội thảo, hội nghị... thì trường hợp còn nợ thuế vẫn được xuất cảnh bình thường”, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết.
Đề xuất thêm cá nhân bị cấm xuất cảnh, bỏ trả lãi cho người bị chậm hoàn thuế
7 tháng đầu năm đã thu hồi 50.500 tỷ đồng nợ thuế, có 18.000 trường hợp bị cấm xuất cảnh