Doanh nhân Trầm Bê tái xuất sau 2 'đại án' rúng động ngành ngân hàng: Mở bệnh viện tư, lãi lỗ ra sao?
Sau 2 'đại án' rúng động ngành ngân hàng, doanh nhân Trầm Bê chính thức tái xuất thương trường với vai trò Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Triều An.

Tái xuất sau 2 'đại án' rúng động ngành ngân hàng
Doanh nhân Trầm Bê sinh năm 1959, là người Việt gốc Hoa, quê tại Trà Vinh. Tên tuổi ông trở nên nổi tiếng với đại chúng sau thương vụ thâu tóm rúng động ngành ngân hàng tại Sacombank năm 2011. Cũng chính tại đây, ông Trầm Bê rơi vào vòng lao lý, dẫn đến hai bản án hình sự với tổng án phạt đến 7 năm tù.
Sau khi thi hành xong 2 bản án hình sự với 7 năm tù, năm 2023, ông Trầm Bê quay lại thương trường. Bệnh viện Triều An là nơi bắt đầu lại sự nghiệp kinh doanh của ông Trầm Bê. Tháng 6/2023, ông Trầm Bê được bầu cử vào làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027, với tỷ lệ tán thành gần 99%.
Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Triều An thành lập năm 1999, là một trong những bệnh viện tư nhân đa khoa đầu tiên và lớn nhất ở Việt Nam. Năm 2001 bệnh viện này đi vào hoạt động với vốn điều lệ 490 tỷ đồng, được góp vốn bởi ông Trầm Bê, CTCP Xây dựng Bình Chánh và ông Lưu Trung Lương.
Trước đây, ông Trầm Bê giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị. Tuy nhiên, đến năm 2017, ông Trầm Bê vướng vào vòng lao lý nên ghế chủ tịch được giao về ông Trần Ngọc Henri - được xem là Phó tướng của ông - đảm trách.
Đến tháng 4/2024, ông Trần Ngọc Henri xin từ chức vì lý do sức khỏe. Sau đó, ông Trầm Bê được bầu trở lại ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện pháp luật của Bệnh viện Triều An.
Mở bệnh viện tư, lãi lỗ ra sao?
Năm 2024, dưới sự dẫn dắt của ông Trầm Bê, Bệnh viện Triều An báo lãi gần 68 tỷ đồng, vượt kế hoạch doanh thu 5% và lãi 12%. Đây là mức cao kỷ lục kể từ khi doanh nghiệp này công bố thông tin vào năm 2015.
Báo cáo tài chính quý IV/2024 của Bệnh viện Đa khoa tư nhân Triều An cho thấy doanh thu cả năm đạt hơn 810 tỷ đồng, tăng khoảng 26% so với năm trước đó. Toàn bộ đều đến từ dịch vụ khám chữa bệnh. Giá vốn tăng chậm hơn giúp lợi nhuận gộp nâng thêm 29% lên khoảng 165,9 tỷ đồng. Biên lãi gộp cả năm 2024 ghi nhận quanh 20,5%.
Doanh thu tài chính năm trước sụt về hơn 1,9 tỷ đồng, chưa bằng một phần tư cùng kỳ. Toàn bộ phần này đều là lãi tiền gửi ngân hàng nên có thể nguyên nhân đến từ nền lãi suất tiết kiệm xuống thấp.
Chi phí tài chính của Bệnh viện Triều An tăng hơn một nửa lên gần 36 tỷ đồng, không đến từ lãi vay mà là chi phí bảo lãnh. Công tác quản lý doanh nghiệp cũng tăng thêm khoản phí nhẹ so với cùng kỳ. Riêng chi phí bán hàng không chênh lệch đáng kể. Tuy nhiên họ phát sinh thêm chi phí khác gần 2,7 tỷ đồng mà không thuyết minh cụ thể, trong khi cùng kỳ chỉ ghi nhận 53 triệu đồng.
Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của bệnh viện đạt gần 953 tỷ đồng, trong đó các khoản phải thu dài hạn chiếm phần lớn. Ngoài ra, bệnh viện còn sở hữu gần 63 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương.
>> Doanh nhân Trầm Bê sau 2 'đại án' rúng động ngành ngân hàng giờ ra sao?
Bệnh viện của ông Trầm Bê bất ngờ báo lỗ
Sacombank (STB) rao bán lô đất 1.800m2 tại quận 5, là nợ xấu dưới thời ông Trầm Bê