Đối tác châu Phi 'lật kèo' đòi tăng giá nguyên liệu, doanh nghiệp điều Việt Nam lao đao

02-06-2024 10:53|Hoàng Ngân

Các lô hạt điều đang trên đường từ châu Phi tới Việt Nam vẫn tiếp tục bị chào với giá cao hơn.

Doanh nghiệp chế biến điều Việt Nam đang gặp khó khăn lớn khi chỉ nhận được 50% sản lượng điều thô theo hợp đồng thu mua từ các đối tác châu Phi trong bối cảnh giá điều thô tăng mạnh.

Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã thông tin chi tiết vào chiều tối ngày 31/5. Các nhà máy chế biến điều ở Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn cung nhập khẩu, với hơn 3 triệu tấn điều thô mỗi năm, trong đó khoảng 2,2 triệu tấn từ châu Phi, chủ yếu là Tây Phi. Tuy nhiên, nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng khoảng 10%.

Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi giá điều thô từ Tây Phi liên tục tăng. Vào tháng 2, giá điều thô khoảng 1.000-1.050 USD mỗi tấn, nhưng hiện nay đã lên đến 1.500-1.550 USD mỗi tấn. Nguyên nhân chính là do khu vực này đang mất mùa và một số quốc gia áp dụng chính sách tạm ngưng xuất khẩu điều thô để hỗ trợ các nhà máy nội địa.

Ông Tạ Quang Huyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Hoàng Sơn I, cho biết công ty đã ký hợp đồng mua 52.000 tấn điều thô từ Tây Phi nhưng chỉ nhận được 25.000 tấn đúng giá. Khoảng 12.000 tấn đã bị đối tác "xù", và phần còn lại phải mua với giá tăng cao.

Vinacas cho biết các lô điều đang trên đường về Việt Nam vẫn tiếp tục bị chào bán với giá cao hơn, buộc một số nhà chế biến phải mua để đảm bảo nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cân đối giá điều nhân với giá nguyên liệu nhập khẩu, dẫn đến tình trạng bối rối và khó khăn.

Đối tác châu Phi 'lật kèo' đòi tăng giá nguyên liệu, doanh nghiệp điều Việt Nam lao đao
Ảnh minh hoạ

Nhiều lô hàng điều thô về muộn hoặc số lượng ít hơn hợp đồng khiến các nhà chế biến tại Việt Nam đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu. Các doanh nghiệp đã ký hợp đồng giá thấp trước đây hiện khó thực hiện hợp đồng do thiếu điều thô.

Vinacas đã gửi văn bản đề nghị Hiệp hội các nhà xuất khẩu điều Bờ Biển Ngà nhắc nhở hội viên thực hiện đúng hợp đồng đã ký. Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực Vinacas, cho biết sẽ có văn bản kiến nghị lên Chính phủ và các bộ ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn cho ngành điều, bao gồm việc tác động các nước châu Phi gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu điều thô.

Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát triển vùng nguyên liệu và cải thiện chất lượng giống điều. Điều này nhằm giúp các nhà chế biến điều giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, đảm bảo ổn định sản xuất trong tương lai.

Trong 16 năm qua, Việt Nam duy trì vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu điều nhân chế biến. Tuy nhiên, khoảng 90% nguyên liệu của ngành điều phải nhập khẩu từ châu Phi và Campuchia, do diện tích trồng trong nước bị thu hẹp.

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2023, Việt Nam nhập khẩu khoảng 2,77 triệu tấn hạt điều, trị giá 3,19 tỷ USD, tăng 46,2% về lượng và 19,6% về giá trị so với năm 2022. Hạt điều tươi chưa bóc vỏ chiếm tỷ trọng lớn trong nhập khẩu, với 5 thị trường chính là Bờ Biển Ngà, Campuchia, Nigeria, Ghana và Tanzania. Đáng chú ý, hạt điều từ Bờ Biển Ngà và Campuchia chiếm 54,7% tổng giá trị nhập khẩu ngành điều năm 2023.

Việt Nam đã giảm nhập từ Campuchia và Tanzania, nhưng tăng từ Bờ Biển Ngà, Nigeria và Ghana. Tính đến hết tháng 4 năm nay, Việt Nam nhập khẩu 1,063 triệu tấn điều thô, trị giá 1,322 tỷ USD, tăng 32% về lượng và 23,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, với giá trị xuất khẩu đạt 1,16 tỷ USD, ngành điều vẫn nhập siêu.

Việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu đã nhiều lần được cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn.

>> Khởi công nhà máy hạt điều xanh lớn nhất cả nước: 'Bệ phóng' đưa 'thủ phủ' điều Việt Nam thành trung tâm chế biến nông nghiệp xanh

Khởi công nhà máy hạt điều xanh lớn nhất cả nước: 'Bệ phóng' đưa 'thủ phủ' điều Việt Nam thành trung tâm chế biến nông nghiệp xanh

Buôn lậu 600 tấn hạt điều, Giám đốc một doanh nghiệp tại Bình Dương bị bắt giữ

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doi-tac-chau-phi-lat-keo-doi-tang-gia-nguyen-lieu-doanh-nghiep-dieu-viet-nam-lao-dao-237111.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đối tác châu Phi 'lật kèo' đòi tăng giá nguyên liệu, doanh nghiệp điều Việt Nam lao đao
    POWERED BY ONECMS & INTECH