Do dòng chảy cũng như hành trình đặc biệt của mình, nó được gọi là dòng sông biên giới.
Sông Ka Long có chiều dài khoảng 109km, bắt nguồn từ dãy núi Thập Vạn Đại Sơn (Trung Quốc), chảy vào Việt Nam và đi qua phía bắc các huyện Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái (Quảng Ninh).
Dòng sông chảy theo chiều đông bắc, qua Cửa khẩu Bắc Phong Sinh khoảng 16km đến bãi Chắn Coóng Pha thuộc bản Thán Phún, xã Hải Sơn (Móng Cái) thì hợp lưu với sông Bắc Luân từ Trung Quốc chảy sang.
Từ đây, Ka Long đổi hướng chảy về đông và trở thành đường biên giới tự nhiên giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Đến ngã ba Soáy Nguồn thuộc địa phận phường Ka Long (Móng Cái), sông lại chia thành 2 nhánh: Nhánh Bắc Luân tiếp tục chảy dọc theo biên giới hai nước, qua rìa phía đông bắc phường Hải Hòa, qua khu vực bãi Tục Lãm rồi đổ ra vịnh Bắc Bộ ở phía bắc đảo Trà Cổ; nhánh Ka Long chảy xuôi hướng đông nam vào giữa lòng thành phố.
Qua hết địa phận nội thành đến Thác Hàn, sông Ka Long tách thành 2 nhánh: Nhánh nhỏ gọi là sông Sau hay sông Xuân Ninh, chảy uốn lượn trong địa phận xã Hải Xuân rồi xuôi ra biển.
Nhánh chính Ka Long ở lưu vực này (từ xưa còn có tên gọi là sông Thác Mang, sông Ninh Dương, sông Thác Hàn, sông Sĩ Hàn) đi hết địa phận đất liền thì đổ ra biển tại cửa Vạn Ninh thuộc khu vực giữa hai vùng Vạn Ninh - Bình Ngọc.
Do dòng chảy cũng như hành trình đặc biệt của mình, sông Ka Long được gọi là dòng sông biên giới. Toàn bộ đoạn sông Ka Long – Bắc Luân tạo thành đường biên giới Việt - Trung dài tổng cộng chừng 60km. Bởi thế, có thể coi đây là đường biên giới tự nhiên bằng sông dài nhất Việt Nam.
Trong thời kỳ cách mạng, dòng Ka Long đã chứng kiến những chuyến đò bí mật lặng lẽ chở cán bộ cách mạng đi lại, hoạt động trên khắp địa bàn Móng Cái, trong các thôn xã nội thị rồi ra các đảo Vĩnh Thực, Trà Cổ cùng nhiều nơi khác khắp vùng Đông Bắc, những trận đánh du kích dựa vào con nước lên xuống vẫn được nhân dân truyền miệng.
Cho đến nay, để bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ từng tấc đất dọc theo đường biên giới tự nhiên này, Đảng bộ, chính quyền, quân đội và nhân dân các dân tộc Móng Cái vẫn ngày đêm tuần tra, kiểm soát và tìm mọi giải pháp chống xói lở, chống nắn dòng chảy, chống xâm lấn để bảo vệ dòng sông, giữ nguyên hiện trạng ranh giới như thuở ban đầu.
Mặc cho những biến thiên của thời gian, bao thăng trầm của cuộc sống, dòng Ka Long vẫn mải miết trôi, cần mẫn bồi đắp phù sa cho ruộng nương đôi bờ xanh mướt, cho phố thị ngày càng trù phú, sung túc, đông vui.
Khi Móng Cái trở thành một thành phố cửa khẩu quốc tế sầm uất, dòng Ka Long là con đường nội thủy huyết mạch giữa lòng đô thị, ngày ngày tấp nập đò máy chở đầy hàng hóa ngược xuôi.