Sau 10 năm, Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất điều chỉnh vốn đầu tư từ 1,8 tỷ USD xuống 1,5 tỷ USD và công suất từ 192.000 thùng dầu/ngày xuống 171.000 thùng/ngày.
Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất (NCMR Dung Quất) đã được CTCP Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (BSR) nhen nhóm thực hiện từ giai đoạn năm 2015. Khi ấy, dự án có vốn đầu tư hơn 1,8 tỷ USD, sau khi hoàn thành sẽ nâng công suất nhà máy từ 6,5 triệu tấn/năm lên 8,5 triệu tấn/năm, tương đương 192.000 thùng dầu/ngày.
BSR từng dự kiến, năm 2022 sẽ đưa nhà máy hoàn thiện vào vận hành, sản xuất, đáp ứng 55 - 60% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước và tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu nhiên liệu.
Dự án sau đó vẫn chờ phải được phê duyệt. Đến tháng 4/2022, BSR trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hồ sơ xin điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án với tổng mức đầu tư mới là hơn 1,2 tỷ USD, công suất nhà máy nâng lên 7,6 triệu tấn/năm.
Một góc của Nhà máy lọc dầu Dung Quất |
Ngày 5/5/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 482/QĐ-TTg chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư NCMR Dung Quất với tổng vốn đầu tư khoảng 31.235 tỷ đồng, tương đương 1,257 tỷ USD (theo tỷ giá: 1 USD = 24.858 VND tại ngày ký duyệt). Sau nâng cấp, dự án nâng công suất từ 148.000 thùng/ngày lên 171.000 thùng/ngày, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn EURO 5.
Tuy vậy, Bộ Công thương cho hay, tổng mức đầu tư dự án là 36.397 tỷ đồng (tương đương 1,489 tỷ USD), tăng 18,55% so với Quyết định của Phó Thủ tướng. Báo cáo Thẩm định cho rằng, dự án không thuộc trường hợp phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Đến ngày 29/3/2024, BSR tiến hành công bố thông tin về Quyết định phê duyệt điều chỉnh NCMR Dung Quất tại HNX.
Theo đó, thời gian thực hiện việc đầu tư nâng cấp, mở rộng này là 37 tháng kể từ ngày ký hợp đồng EPC và mục tiêu đưa dự án vào vận hành trong năm 2028. Nguồn vốn được hình thành từ 60% vốn chủ sở hữu và 40% vốn vay.
Đối với nguồn vốn chủ sở hữu, trong cuộc họp ĐHĐCĐ 2024 vừa mới diễn ra, BSR đã dự thảo về phương án tăng vốn điều lệ từ 31.000 tỷ đồng lên 50.000 tỷ đồng thông qua 3 hình thức phát hành cổ phiếu để đáp ứng nhu cầu vốn.
Đối với nguồn vốn vay, khoảng 660 triệu USD đã trong phương án thu xếp vốn được BSR đưa ra trước khi phê duyệt. Đó là KooKmin Bank (100 triệu USD), BIDV (200 - 300 triệu USD), Bangkok Bank (200 triệu USD), OCBC Bank (75 triệu USD). Theo Bộ Tài chính, trường hợp đáp ứng yêu cầu của các ngân hàng và các ngân hàng thực hiện theo đúng cam kết, BSR có thể vay được 575 - 675 triệu USD, chưa kể một số ngân hàng khác có thư quan tâm và sẽ xem xét ở giai đoạn sau.
Cao điểm giải ngân vốn cho NCMR Dung Quất vào năm 2025 |
Đại diện BSR cho biết, dự kiến tháng 6/2024 sẽ đóng gói thầu thiết kế kỹ thuật tổng thể - gói quan trọng để chuẩn bị hồ sơ mời thầu triển khai hợp đồng PPC.
Dự án bắt đầu được triển khai vào quý II/2024. Năm nay sẽ chủ yếu tập trung giải ngân, số tiền khoảng 1.300 tỷ đồng. Phần lớn triển khai vào các gói thầu thiết kế, san lấp mặt bằng. Cao điểm giải ngân là 2025, các mốc giải ngân đầu tiên là phần ứng trước cho giai đoạn này.
Như vậy, sau 10 năm ấp ủ, dự án NCMR Dung Quất đã có những bước tiến quan trọng, hứa hẹn sớm ngày được đưa vào vận hành.
Công ty nhà sếp Vinaconex (VCG), Ecopark 'chung vui' với sự kiện ông Nguyễn Đỗ Lăng tái xuất
Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng TTCK Việt Nam được nâng hạng trong nửa cuối năm 2024